Nhiều hộ dân bị nước lũ cô lập
Theo thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của áp cao lục địa tăng cường kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Bắc Trung Bộ, trên địa bàn tỉnh đã có mưa vừa, mưa to đến rất to với lượng mưa từ 100 - 200mm.
Trên sông Ngàn Phố tại trạm Sơn Diệm xuất hiện đỉnh lũ 11,93m lúc 10h ngày 23/9, trên báo động 2 là 0,43m.
Tính tới 19h ngày 23/9, có 2 thôn An Thịnh, Tiến Thịnh tại xã An Hòa Thịnh, huyện Hương Sơn với khoảng hơn 200 hộ dân bị nước lũ cô lập.
Tại huyện Đức Thọ, 30 hộ dân ở xã Quang Vĩnh, xã Bùi La Nhân và thị trấn Đức Thọ bị nước vào nhà, trong đó có 17 hộ tại thôn Bãi Đình, xã Quang Vĩnh bị cô lập, nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão ở thôn Tiền Phong, xã Quang Vĩnh nước vào ngập sân; 42,5km đường giao thông ở các xã Quang Vĩnh, Bùi La Nhân, Tùng Châu, Lâm Trung Thủy, Tùng Ảnh bị ngập lụt cục bộ.
Tại huyện Nghi Xuân, mưa lớn làm ngập cục bộ một số tuyến đường liên thôn tại xã Xuân Mỹ, xã Xuân Lam, xã Xuân Giang; 17 điểm trường bị ngập trung bình từ 20-40 cm; nhiều hộ dân ở thôn Hồng Lam, xã Xuân Giang, bị ngập từ 0,5 – 1m
Mưa lớn cũng gây ngập cục bộ 12 tuyến giao thông nông thôn ở huyện Vũ Quang với tổng chiều dài 3km.
Thiệt hại bước đầu
Mưa lớn đã gây ra khá nhiều thiệt hại cho các địa phương trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, tại huyện Can Lộc, có 2 cột điện ở xã Quang Lộc bị gãy đổ, 1 hộ dân ở xã Sơn Lộc bị gió giật hỏng mái nhà, đổ 4 cột điện vào trang trại sản xuất tại xã Thanh Lộc; gió giật mạnh cũng làm đổ 37m tường rào, hư hỏng khoảng 1,8km hệ thống điện chiếu sáng đường, ngập lụt 1,5 ha nuôi trồng thủy sản...
Huyện Vũ Quang có 1,55 ha ngô ở xã Đức Liên, Hương Minh, Đức Hương bị thiệt hại; 10 ha mía tại xã Thọ Điền và khoảng 0,6 ha hoa màu khác tại thị trấn Vũ Quang cùng 40 cây bóng mát trên các tuyến đường giao thông trên địa bàn các xã: Đức Hương, Quang Thọ, Đức Liên, Đức Bồng, Hương Minh bị ảnh hưởng...
Huyện Nghi Xuân bị ngập úng gần 70 ha hoa màu, 40 ha diện tích nuôi trồng thủy sản; tuyến đê Hội Thống, xã Xuân Hội tiếp tục bị sạt lở ăn sâu vào bờ 3m, chiều dài 80m.
Tính tới 19h ngày 23/9, mực nước hồ Ngàn Trươi ở cao trình 37,375/52m, tương ứng 289,053/775,7 triệu m3, đạt 37,3% dung tích thiết kế; hồ Kẻ Gỗ cao trình 21,41/32,5m, tương ứng 97,2/345 triệu m3, đạt 28,2% dung tích thiết kế; hồ Sông Rác cao trình 16,45/23,2m, tương ứng 41,85/124,5 triệu m3, đạt 33,6% dung tích thiết kế.
Các hồ chứa còn lại có dung tích đạt từ 50 - 85% so với thiết kế, một số hồ đập nhỏ đã chảy tràn. Hồ Kim Sơn xả tràn 5m3/s; hồ Thượng Sông Trí xả tràn 15m3/s và hồ Đá Hàn xả tràn 42 m3/s.
Thủy điện Hố Hô đang xả tràn với lưu lượng 53 m3/giây, thủy điện Hương Sơn điều tiết qua tràn với lưu lượng 15,4 m3/giây.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục chủ động nắm tình hình mực nước trên sông, thông báo kịp thời tình hình lũ đến các cấp chính quyền, người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại; triển khai các phương án ứng phó với lũ, ngập lụt, chủ động phương án sơ tán dân tại các vùng nguy cơ cao đến nơi an toàn để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Căn cứ diễn biến thiên tai trên ngập lụt trên địa bàn, có phương án đảm bảo an toàn cho cho học sinh trên địa bàn; tổ chức kiểm tra, cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các bến đò dọc, đò ngang, các ngầm, tràn qua sông, suối để tránh xảy ra các trường hợp thiệt hại về người do bất cẩn.
Triển khai các phương án đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ đập; tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố (nếu có) ngay từ giờ đầu; chuẩn bị đầy đủ, vật tư, phương tiện, nhân lực để xử lý khi có tình huống xấu xảy ra, đặc biệt tại các vị trí xung yếu.
Tổ chức trực ban 24/24h, thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lũ để triển khai các biện pháp chống lũ và kịp thời báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Sở NN&PTNT để theo dõi chỉ đạo.