Theo các chuyên gia và nhóm nhân quyền, kế hoạch tạo ra vùng đệm trong Dải Gaza của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sẽ lấy đi một phần đáng kể diện tích mảnh đất nhỏ này.
Giáo sư Adi Ben Nun tại Đại học Do thái Jerusalem cho biết sau vụ tấn công của Hamas hồi đầu tháng 10/2023, IDF đã nhắm mục tiêu vào các công trình trong vòng một km từ biên giới với Gaza, hơn 30% tòa nhà tại đây bị hư hại hoặc phá hủy.
Sự cố ngày 22/1 khiến 21 binh sĩ Israel thiệt mạng hé lộ một phần chiến thuật mà IDF sử dụng để san bằng khu vực quanh biên giới. Tổng tham mưu trưởng IDF Herzi Halevi cho biết vụ nổ xảy ra lúc các binh sĩ “tham gia chiến dịch phòng thủ ở khu vực ngăn cách các khu dân cư Israel với Dải Gaza”.
Theo IDF, nhóm binh sĩ Israel đang cài mìn phá hủy hai tòa nhà thì các thành viên Hamas dùng súng chống tăng bắn vào một xe tăng đỗ bên ngoài, tạo ra vụ nổ phá hủy các công trình này. Các binh sĩ Israel đứng gần hoặc bên trong tòa nhà thiệt mạng.
Khu vực các chuyên gia lo ngại Israel có thể thiết lập vùng đệm tại Dải Gaza (màu vàng). Đồ họa: AFP
Các chuyên gia cho biết việc ép người dân Gaza phải rời nơi sinh sống, trong đó có khu vực ven biên giới, có thể vi phạm luật chiến tranh. Một số tổ chức cho rằng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy IDF đang biến nhiều khu vực tại Dải Gaza thành nơi không thể sinh sống được.
IDF từ chối bình luận về thông tin vùng đệm trong Dải Gaza.
Cecilie Hellestveit, chuyên gia thuộc Học viện Luật Quốc tế Na Uy, cảnh báo về “viễn cảnh thanh lọc sắc tộc, chuyển giao hoặc thiếu tái thiết để buộc người dân Palestine phải rời khu vực vĩnh viễn”.
Mỹ , đồng minh hàng đầu và bên cung cấp viện trợ quân sự cho Israel, nhiều lần tuyên bố không nên thay đổi lãnh thổ Dải Gaza và vùng đệm bên trong khu vực này vi phạm nguyên tắc đó.
Các chuyên gia nhân quyền nói Israel nên sử dụng một phần lãnh thổ của mình để tạo ra vùng đệm an ninh. Ken Roth, giáo sư tại Đại học Princeton ở Mỹ, cho biết “nếu chính phủ Israel muốn tạo ra vùng đệm, họ có quyền tạo ra vùng này ở lãnh thổ Israel rộng lớn hơn nhiều và không có quyền chiếm đất ở Dải Gaza”.
Theo các chuyên gia, an ninh khu vực biên giới trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều người Israel. Việc người dân Israel quay lại các khu dân cư gần biên giới với Dải Gaza sẽ được coi là dấu hiệu cho thấy Hamas không còn là mối đe dọa nữa.
Thiết giáp, binh sĩ Israel tham chiến tại Dải Gaza ngày 1/2. Ảnh: IDF
Gần như toàn bộ 400 người sống tại khu định cư Nahal Oz của Israel chưa quay lại nhà sau vụ tấn công hồi tháng 10/2023 của Hamas. “Đây vẫn chưa phải là nơi để trẻ em quay về”, Eran Braverman, một nông dân 63 tuổi, nhận định. "Vùng đệm như vậy sẽ có thể giúp ích rất nhiều. Tôi hy vọng khu vực đó sẽ được thiết lập".
Israel kiểm soát Dải Gaza vào năm 1967, sau đó đơn phương rút quân và người dân khỏi khu vực này năm 2005. Tuy nhiên, Israel vẫn kiểm soát gần như hoàn toàn biên giới với Dải Gaza. Một khu vực cấm đi lại hẹp được thiết lập dọc theo biên giới.
Theo chuyên gia Hellestveit, Israel vào đầu những năm 2000 quyết định không thiết lập vùng đệm, song ý tưởng này hồi sinh hai thập kỷ sau đó. “Với tình hình chiến sự và việc tái kiểm soát Dải Gaza, kế hoạch cũ lại được thảo luận lần nữa”, bà Hellestveit nói.