Ông Lê Danh Cương (SN 1960), quê ở Hà Nam, nguyên là cán bộ, bác sỹ thú y Lâm Viên 19/5 (TP. Cà Mau). Hiện nay, ông là chuyên gia về xây dựng các khu sinh thái bảo tồn động vật hoang dã và phát triển du lịch. Ông đã giúp nhiều địa phương trong cả nước xây dựng thành công khu bảo tồn chim hoang dã, góp phần cân bằng hệ sinh thái, phát triển du lịch bền vững.
Nhân chuyến khảo sát hướng tới xây dựng mô hình này ở Hà Tĩnh, phóng viên Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Danh Cương.
P.V: Xin ông cho biết, biệt danh “sư phụ" của chim trời dành cho ông bắt đầu như thế nào?
Ông Lê Danh Cương: Đó là biệt danh các nhà báo và mọi người hay gọi vui khi nói về tôi. Thực tế, tôi chỉ là bạn của các loài chim mà thôi. Điều này bắt nguồn từ những công việc mà tôi đã và đang làm. Đó là giúp các địa phương xây dựng thành công các mô hình sinh thái, gọi chim trời về trú ngụ, sinh sản để bảo tồn, đồng thời phát triển du lịch cộng đồng.
Tôi bắt đầu với công việc xây dựng mô hình bảo tồn chim trời tại Vườn chim Cà Mau, tiền thân là Lâm Viên 19/5 (TP Cà Mau) từ năm 1985. Cơ duyên để đến với công việc này bắt đầu từ những năm chiến đấu trên chiến trường Campuchia (1977-1982). Lúc đó, tôi là lính trinh sát nên mỗi lần làm nhiệm vụ đều để ý nghe ngóng tiếng các loài chim, nhằm tìm hiểu động tĩnh trên chiến trường. Nhiều lần nhờ đoán được tiếng báo động từ loài chim tu hú mà tôi và đồng đội đã thoát ổ phục kích của địch. Đó cũng là nguyên do tôi yêu quý các loài chim và nghiên cứu tiếng hót, tiếng kêu của chúng, dần hiểu được thông điệp từ âm thanh mà các loài chim trong tự nhiên phát ra.
Hơn 30 năm trước, khi làm việc tại Lâm Viên 19/5 (TP Cà Mau), tôi được giao nhiệm vụ bảo tồn nhân giống các loài chim hoang dã bản địa. Công việc lúc ấy gặp rất nhiều thử thách, bởi do môi trường sinh thái chịu tác động của con người, các loài chim hoang dã rời bỏ, hoặc bị đánh bắt tận diệt… nên rất khó tái tạo, bảo tồn. Tuy nhiên, bằng tình cảm với các loài chim, tôi đã nỗ lực nuôi, nhân giống các loài le le, tu hú, cò, diệc… Sau nhiều thất bại do các yếu tố khách quan và chủ quan, tôi bắt đầu tìm cách gọi chim về vườn.
Một thời gian sau, Lâm Viên 19/5 trở thành nơi hàng chục loài chim với hàng ngàn con về trú ngụ, sinh sản, trở thành nơi bảo tồn các loài chim hoang dã, thu hút du khách, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đến thăm. Thành công từ mô hình gọi chim ở Lâm Viên 19/5, nhiều địa phương đã tìm đến nhờ tôi hỗ trợ tư vấn xây dựng.
Đến nay, tôi đã xây dựng thành công khoảng 20 mô hình sinh thái bảo tồn chim trời cho nhiều địa phương ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như: Rừng tràm Vị Thủy (Khu du lịch sinh thái Việt - Úc, Hậu Giang), Đảo thuần dưỡng chim (Khu Làng nổi Tân Lập, Long An), Khu du lịch Vinh Sang (Vĩnh Long)… Bên cạnh bảo tồn khoảng trên 50 loài chim với hàng ngàn con tại mỗi cơ sở, các khu, điểm du lịch này còn là điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch hằng năm.
P.V: “Mật mã” nào giúp ông gọi chim về và xây dựng các mô hình thành công?
Ông Lê Danh Cương: Điều giúp tôi có thể dẫn dụ các loài chim trời trở về chính là tôi có thể hiểu và phân biệt được âm thanh, tiếng hót của các loài chim trời. Mỗi loài chim phát ra những âm thanh khác nhau trong những bối cảnh khác nhau, ví dụ như: tiếng chim cò gọi bầy đi ăn vào buổi sáng, tiếng tu hú kêu báo động khi gặp nguy hiểm, tiếng các loài gọi đàn trở về sau mỗi ngày, tiếng hót “trò chuyện” thể hiện nơi trú ngụ bình yên để làm tổ…
Những âm thanh ấy, tôi đều nghe và hiểu được đối với mỗi loài khác nhau. Điều này do cảm nhận bẩm sinh và thực tiễn gần gũi, quan sát làm bạn với chim trời mà tôi có được. Yếu tố nữa, đó chính là tạo ra “tổ ấm” cho chim trời, mới có thể gọi được chúng về cư ngụ, xây tổ, sinh sản…
Đối với tôi, để thực hiện việc kêu gọi các loài chim về trú ngụ nhằm bảo tồn, trước hết các địa phương phải xây dựng được nhà cho chúng, nghĩa là phải tạo ra một môi trường sinh thái: khu vườn, khu rừng… đủ các điều kiện cho các loài chim trời trú ngụ, sinh sống và làm tổ. Sau đó mới thực hiện việc gọi chim. Nhiều năm nay, tôi trở thành bạn của các loài chim là vì tự cam kết với chúng khi tạo ra một nơi an toàn để gọi “bạn” của mình về trú ngụ lâu dài.
P.V: Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng và cơ hội xây dựng mô hình vườn chim kết hợp du lịch sinh thái ở Hà Tĩnh?
Ông Lê Danh Cương: Đây là lần thứ 2 (lần đầu vào cuối năm 2023), tôi đến Hà Tĩnh để khảo sát theo lời mời của một người bạn. Về tiềm năng, Hà Tĩnh là vùng đất có thiên nhiên tươi đẹp và khá đa dạng sinh thái, với nhiều sông, lạch, vùng trũng, ao hồ… thuận lợi cho việc tạo ra nguồn thức ăn tự nhiên cho các loài chim trời.
Nghe nhiều người kể lại, trước đây ở các đồng quê, khu rừng ở đây cũng đã có rất nhiều loài chim trú ngụ. Thực tế hiện nay trên địa bàn cũng đã có một vài nơi xuất hiện các khu vườn có nhiều loài chim về làm tổ, sinh sản…. Điều đó cho thấy, Hà Tĩnh có nhiều tiềm năng để có thể tái tạo, xây dựng các vườn chim để bảo tồn và phát triển du lịch sinh thái.
Tôi nghĩ một số khu vực ở TP Hà Tĩnh có nhiều lợi thế, tiềm năng để xây dựng mô hình vườn chim: Đó là các vùng ven TP Hà Tĩnh, nơi có những vùng trũng thấp, nhiều ao hồ, sông ngòi. Việc xây dựng thành công các mô hình này, giá trị dễ thấy đầu tiên là tạo ra không gian xanh, gần gũi thiên nhiên giúp cân bằng hệ sinh thái giữa vùng đô thị đang phát triển. Thứ 2, vườn chim cũng có thể trở thành mô hình du lịch cộng đồng thu hút khách tham quan trải nghiệm, với việc kết hợp cùng các dịch vụ khác sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân ven đô...
Do vậy, phần còn lại là sự quyết tâm của các cấp chính quyền địa phương. Trong đó, cần phải tiến hành các bước như: quy hoạch, lựa chọn và xây dựng môi trường sinh thái đáp ứng các điều kiện gọi chim về.
Về phía mình, tôi rất sẵn lòng hỗ trợ và mong muốn Hà Tĩnh sẽ xây dựng được mô hình này. Qua đó bảo tồn các loài chim trời nói chung và các loài chim, động vật, thực vật bản địa nói riêng, gắn với phát triển du lịch bền vững.
P.V: Xin cảm ơn ông!