Theo quyết định 2 điểm du lịch cấp tỉnh được công nhận, gồm: điểm du lịch sinh thái Đông Trà, xã Hương Trà, huyện Hương Khê (phạm vi ranh giới: phía Đông giáp đường mòn Hồ Chí Minh; phía Bắc giáp ruộng lúa; Phía Tây và Nam giáp đồi chè xã Hương Trà).
Điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt khu lưu niệm Nguyễn Du, thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, bao gồm: khu lưu niệm Nguyễn Du, khu mộ Nguyễn Du, mộ và đền thờ Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm, mộ và đền thờ Lam Khê hầu Nguyễn Trọng.
UBND tỉnh giao Sở VH-TT&DL chủ trì, phối hợp với UBND các huyện: Hương Khê, Nghi Xuân, Ban quản lý các điểm du lịch và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức công bố điểm du lịch được công nhận theo đúng quy định hiện hành. UBND các huyện: Hương Khê, Nghi Xuân, hộ kinh doanh điểm du lịch Đông Trà và Ban quản lý di tích Nguyễn Du chủ trì, phối hợp với Sở VH-TT&DL, các sở, ngành chức năng liên quan chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy các điểm du lịch theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Được biết, điểm du lịch Đông Trà nằm sát đường Hồ Chí Minh, do gia đình anh Đặng Phi Hùng làm chủ đầu tư với tiền đề là đồi chè, đồi cao su có sẵn. Điểm du lịch có tổng diện tích 12.719,3 m2, trong đó có 10.742,9m2 làm điểm tham quan du lịch trải nghiệm, check-in vườn xoan, đồi cao su, đồi sim, đồi chè và các biểu tượng nông cụ sản xuất, sân khấu biểu diễn, cắm trại...
Khu lưu niệm Nguyễn Du có tổng diện tích khoảng 28.562m2 là một quần thể công trình kiến trúc thờ tự, tưởng niệm Nguyễn Du cùng những bậc tài danh kiệt xuất của dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền, như Giới hiên công Nguyễn Huệ, Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm, Lam Khê hầu Nguyễn Trọng, Địch Hiên công Nguyễn Điều, Quế Hiên công Nguyễn Nễ...
Những di sản văn hóa còn được bảo tồn có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học..., giúp chúng ta tìm hiểu về nguồn gốc, quá trình hình thành, phát triển, truyền thống văn hóa, khoa bảng... của dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền cũng như việc nhìn nhận về cuộc đời, sự nghiệp, những đóng góp của Đại thi hào Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền cho nền văn học Việt Nam. Đây cũng là nguồn tư liệu đáng tin cậy để tìm hiểu về tín ngưỡng, phong tục tập quán, đời sống văn hóa tinh thần của làng quê Tiên Điền nói riêng, văn hóa làng xã Việt Nam nói chung trong sự phát triển của lịch sử dân tộc.