Tìm kiếm một “bản ngã” khác của chính mình
Gần 17 năm trước, chị Trần Thị Hồng Thảo (SN 1985 - nghệ danh Phương Thảo) tốt nghiệp Khoa Sư phạm âm nhạc - Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương II Nha Trang. Cầm tấm bằng sư phạm trên tay với mong muốn có một công việc ổn định, cô gái trẻ trở về thành phố Vinh (Nghệ An) và dự định trở thành một giáo viên dạy âm nhạc trong các trường học.
Thế nhưng, nghề chọn người, như một cơ duyên, cuối năm 2007, chị trúng tuyển kỳ thi của Đoàn Ca múa kịch Hà Tĩnh (nay là Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh) và chính thức trở thành diễn viên của đoàn.
Để nâng cao trình độ chuyên môn, sau khi vào đoàn, chị đã thi vào chuyên ngành quản lý văn hóa của Trường Đại học Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa và năm 2019 hoàn thành chương trình đại học tại ngôi trường này. Không bằng lòng với kết quả đó, năm 2021, chị tiếp tục thi tuyển chuyên ngành Thanh nhạc - Học viện Âm nhạc Việt Nam.
Với kiến thức và năng khiếu sẵn có về âm nhạc cùng với sự chăm chỉ, nỗ lực, chị Thảo đã hoàn thành các nội dung của chương trình học với thành tích xuất sắc. Sắp tới, chị sẽ nhận tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi của học viện sau những tháng năm miệt mài học tập.
Dành thời gian và công sức để học tập nâng cao trình độ nhằm phục vụ cho công việc chuyên môn, chị Thảo hiện là diễn viên có thâm niên, vững vàng của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh. Bằng tình yêu đặc biệt dành cho ca hát và ánh đèn sân khấu, cùng với năng khiếu dẫn chương trình được rèn luyện từ những năm tháng còn là sinh viên, chị Thảo tìm kiếm một công việc “tay trái” và dần khẳng định được tên tuổi của mình với vai trò ca sỹ, MC tại các sự kiện lớn nhỏ ở Hà Tĩnh.
Chị Thảo chia sẻ: “Tôi chọn MC làm “nghề tay trái” bởi một phần nghề này có nhiều sự tương đồng với công việc chuyên môn của tôi, phần nữa là để thỏa mãn niềm đam mê, khát khao khẳng định bản thân ở lĩnh vực mới. Nhiều người vẫn quan niệm rằng, làm MC dễ và chỉ cần có năng khiếu là dẫn được, nhưng có theo nghề một cách nghiêm túc, bài bản mới hiểu, người dẫn phải có kiến thức, kỹ năng và một sự ứng biến linh hoạt trong từng tình huống mới có thể đảm nhận công việc một cách tốt nhất”.
Chính từ tư duy làm nghề nghiêm túc đó mà dù là “nghề tay trái” nhưng chị Thảo vẫn không ngừng học hỏi, trau dồi kỹ năng. Chị thường xuyên tham gia các khóa học đào tạo MC cho các đơn vị chuyên nghiệp; tạo dựng mối quan hệ, giao lưu học hỏi cùng các anh chị em đồng nghiệp trong và ngoài tỉnh...
Những ngày đầu đến với công việc này không ít khó khăn, áp lực, đặc biệt là dẫn các đám cưới bởi người dân vẫn theo quan niệm cũ, chưa chấp nhận MC nữ trong ngày trọng đại này. Nhưng bằng năng lực, kinh nghiệm và sự chỉn chu trong từng chương trình, chị Thảo đã tạo dựng được tên tuổi và ngày càng đắt show.
Với mong muốn hướng các bạn trẻ có cùng đam mê theo nghề một cách bài bản, chỉn chu, chị Thảo đã mở lớp dạy MC tại nhà. Hiện lớp học có 14 bạn tham gia, với đủ các ngành nghề như: giáo viên, nhân viên văn phòng, công chức tại các cơ quan Nhà nước...
Mỗi học viên đến với khóa học đều được chị Thảo dạy từ những bài học nhập môn, nền tảng của nghề MC, chỉnh sửa từng khuyết điểm trong phát âm cho đến kỹ năng dẫn, xử lý tình huống, rèn sự chỉn chu trong phong thái, ngoại hình khi lên sân khấu..
Chị Thảo chia sẻ: “Tôi luôn nói với học viên của mình rằng, dù coi đây là nghề “tay trái” hay “tay phải” thì các bạn cũng phải “trau nghề” bởi không có sự thành công nào đến dễ dàng với những người làm nghề hời hợt, thiếu chỉn chu. Nghề không chỉ mang lại cho chúng tôi nguồn thu nhập ổn định mà còn là cơ hội để chúng tôi thỏa đam mê, mạnh dạn vượt ra khỏi vùng an toàn của bản thân để tìm kiếm một “bản ngã” mới của chính mình”.
“Nghề tay trái giúp tôi cân bằng cuộc sống, công việc”
Đến với “nghề tay trái” như một cái duyên, chị Lê Thị Thương (SN 1982, trú phường Thạch Quý - TP Hà Tĩnh) đã gắn bó với công việc làm bánh thạch nghệ thuật được hơn 7 năm nay. Trong một lần tình cờ biết đến thông tin về một nghệ nhân làm bánh thạch ở Hà Nội, chị Thương bị thu hút bởi hình ảnh những bông hoa, cây cỏ, con vật được tạo hình sắc nét, đẹp mắt trong những chiếc bánh trong suốt. Trông chúng như những tác phẩm nghệ thuật thực thụ và chị đã quyết định khăn gói ra Hà Nội theo học nghề này.
Chị Thương chia sẻ: “Thực tình lúc đó, tôi đi học làm bánh vì sở thích, chưa nghĩ đến việc sẽ gắn bó và tạo dựng điều gì từ nghề này, nhưng càng học, càng làm càng thấy đó thực sự là một công việc thú vị. Và điều làm thay đổi căn bản suy nghĩ, cách nhìn của tôi về nghề này là khi năm 2018, tôi may mắn được cùng đoàn Việt Nam tham gia một hội thi về làm bánh thạch ở Đài Loan.
Những người làm bánh thạch từ 17 nước trên thế giới quy tụ về hội thi này. Dù chỉ đạt giải khuyến khích nhưng với tôi, đó là một trải nghiệm quý giá bởi tôi có dịp được gặp gỡ, giao lưu với những người có cùng đam mê đến từ các đất nước khác nhau; cảm nhận được sự nghiêm túc, chỉn chu và tính nghệ thuật của nghề”.
Được sự động viên, khích lệ từ chồng, sau khi học xong, chị Thương đã mở một tiệm bánh nhỏ ở TP Hà Tĩnh. Thời điểm đó, bánh thạch vẫn còn khá lạ lẫm với đa số người dân Hà Tĩnh nên tiệm bánh của chị chủ yếu phục vụ người quen, bạn bè.
Chỉn chu, tỉ mỉ trong mỗi công đoạn làm bánh, sử dụng các nguyên liệu từ thiên nhiên như hoa quả, rau củ để tạo màu, cùng với hương vị thơm ngon, ngọt mát, lạ miệng, các sản phẩm bánh của chị ngày càng được nhiều người biết đến và trở nên phổ biến trong các bữa tiệc sinh nhật, liên hoan hay bữa ăn xế cho trẻ nhỏ trong các gia đình, trường học.
Chị Thương là công chức đang làm việc trong ngành LĐ - TB & XH. Công việc của chị và các đồng nghiệp khá vất vả, áp lực. Theo đuổi đam mê làm bánh, chị đã phải cố gắng sắp xếp thời gian hợp lý, khoa học để không làm ảnh hưởng đến công việc chuyên môn.
Mỗi ngày, chị thức dậy từ 4h sáng, chuẩn bị nguyên liệu, nấu thạch, đổ khuôn, tạo hình bánh theo đơn đặt hàng của khách để kịp giờ đi làm ở cơ quan; đêm chị lại lọ mọ đến tận khuya cho những đơn hàng muộn. Khi lượng khách hàng ngày càng đông, chị phải thuê thêm 2 nhân viên phụ giúp và truyền nghề cho họ.
Khi công việc kinh doanh đã đi vào quy củ, những nhân viên phụ giúp cho chị đã vững tay nghề, chị Thương có nhiều thời gian hơn để làm bánh với tâm thế của sự trải nghiệm, sáng tạo. “Mỗi chiếc bánh là một tác phẩm, vì vậy, tôi cố gắng học hỏi, sáng tạo thêm những chi tiết mới, nâng cao tay nghề để các sản phẩm hoàn thiện hơn. Lúc làm bánh, tôi cảm thấy tâm mình “tĩnh”, thư thái và bình yên hơn. Dù bận rộn hơn nhưng “nghề tay trái” này thực sự đã giúp tôi cân bằng được công việc và cuộc sống. Tôi học được sự kiên trì, nhẫn nại và tự tạo năng lượng tích cực để hoàn thành những công việc, vai trò trong cuộc sống”.
Xu hướng của những người trẻ năng động
Cũng như chị Phương Thảo, chị Thương, ngày càng có nhiều người lựa chọn cho mình một “nghề tay trái” để tạo dựng nguồn tài chính, thỏa mãn niềm đam mê và khẳng định bản thân trong một xã hội năng động, phát triển.
Họ là những con người nỗ lực, chăm chỉ, dám dấn thân, dám thử nghiệm cái mới và thử thách bản thân ở những lĩnh vực mới. Đó là câu chuyện về những người “ngoại đạo văn chương”, đến với văn chương bằng tâm thế của một kẻ “rong chơi” nhưng để lại những dấu ấn sâu đậm với bút lực dồi dào trên văn đàn như các cây viết: Ngọc Tú (giáo viên môn Địa lý của Trường THPT Hương Khê), Ngọc Diệp (giáo viên môn Toán - Trường THPT Phúc Trạch - Hương Khê), Tâm An - anh thợ sửa chữa điện tử ở thị trấn Tiên Điền - Nghi Xuân; Huy Linh - chàng trai sửa chữa điện lạnh ở Cẩm Xuyên...
Đó còn là câu chuyện về rất nhiều người trẻ, ngoài thời gian làm việc ở cơ quan, công sở, họ tích cực tham gia những chương trình ca nhạc, sự kiện với các vai trò khác nhau như: ca sỹ, nhạc công, người thiết kế nội dung chương trình, chụp ảnh, trang điểm...
Cũng có những bạn trẻ thử sức mình ở lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh online. Và không ít người trong số đó có duyên với nghề, buôn bán “mát tay”, giúp gia đình tăng thu nhập, bản thân cũng trở nên năng động, nhạy bén hơn.
Thực tế cho thấy “nghề tay trái” đã trở thành khái niệm quen thuộc và là “mảnh đất” cho những con người năng động, có đam mê, khát khao thay đổi chính mình “chăm bón, cày xới, vun trồng”. Học thêm được một nghề mới, mỗi cá nhân đang tự mở ra cho mình một lối đi, một cơ hội trở thành con người đa năng, hội nhập sâu với xã hội ngày càng phát triển. Đó cũng là cơ hội để mỗi người khai phá khả năng tiềm ẩn của chính mình, làm giàu chính đáng cho bản thân và gia đình.