Cô giáo Phạm Thị Lương (bên phải) dạy chữ Braille cho người khiếm thị tại Trung tâm Dạy chữ, dạy nghề và phục hồi chức năng của Hội Người mù tỉnh.
Ước mơ trở thành giáo viên, năm 2001 sau tốt nghiệp THPT, chị Phạm Thị Lương (quê xã Phù Lưu, Lộc Hà) theo ngành sư phạm tại Trường Cao đẳng Sư phạm Cà Mau.
Ra trường, chị Lương dạy ở một trường học ở tỉnh Cà Mau. Năm 2006, sau một vụ tai nạn giao thông, chị đã vĩnh viễn mất đi đôi mắt của mình.
Cô giáo Lương tận tụy dạy chữ cho những học trò không may mắn như mình.
Từ đó, chị Lương sống âm thầm trong bóng tối. Nhưng vốn yêu thích nghề dạy học lại không muốn buông xuông trước số phận, năm 2008, chị tham gia lớp học chữ Braille (chữ nổi) do Trung ương Hội Người mù Việt Nam tổ chức.
Tư chất thông minh, lại đã tốt nghiệp ngành sư phạm từ trước nên bảng chữ cái Braille dành cho người khiếm thị học 3 tháng thì chị Lương chỉ học trong 3 tuần và nhanh chóng trở thành người đọc thông viết thạo loại chữ này.
6 tháng sau, với sự kiên trì, nỗ lực, phấn đấu không ngừng, chị Lương đã trở thành giáo viên dạy chữ Braille tại Trung tâm Bảo trợ khiếm thị Nhật Hồng (TP Hồ Chí Minh).
Chị Lương hướng dẫn học viên đọc chữ Braille bằng những đầu ngón tay.
Năm 2014, chị trở về quê ở xã Phù Lưu (Lộc Hà) sinh sống và tham gia lớp dạy chữ Braille cho người khiếm thị tại Trung tâm Dạy chữ, dạy nghề và phục hồi chức năng của Hội Người mù tỉnh từ đó đến nay. Hiện, đã có hàng trăm người khiếm thị được chị xóa mù và trở thành người đọc thông viết thạo chữ Braille.
Khó khăn nhất khi dạy chữ cho người khiếm thị chính là các học viên ở nhiều độ tuổi khác nhau, nhận thức không đồng đều nên không dễ truyền đạt bài giảng để người học hiểu ngay. Chữ Braille là loại chữ nổi dành cho người mù được viết ngược, đọc xuôi. Người học dùng “ngòi viết” là một thỏi sắt nhọn đâm xuống miếng giấy được lót sẵn vào tấm bảng nhựa có lỗ. Viết xong, các học viên cầm trang giấy lên lật ngược lại rồi mò mẫm đọc bài bằng cảm giác từ các đầu ngón tay của mình.
Mỗi lớp học chữ Braille thường dưới 20 người
Chị Lương chia sẻ: “Dạy người khiếm thị đòi hỏi người truyền đạt phải kiên trì, nhẫn nại, phải cảm thông, yêu thương, thấu hiểu, đặt mình vào hoàn cảnh, suy nghĩ của họ để lựa chọn những cách giảng dễ hiểu nhất. Điều quan trọng nhất là người thầy, người cô phải trao đến cho người khiếm thị tình yêu, niềm đam mê với môn học, giúp họ thấy được mục đích, ý nghĩa của việc học tập..."
Điều may mắn nhất của học trò cô Lương đó là kiến thức cô mang đến không chỉ trong sách vở mà cô còn còn dành nhiều thời gian để tâm sự với học viên. Cô trò đều đặc biệt, thấu hiểu lẫn nhau. Nhiều học viên đã xem cô như một người bạn tri âm tri kỷ, gửi gắm những suy nghĩ, tâm tư nguyện vọng của các em.
“Với tôi, món quà lớn nhất, hạnh phúc nhất nhân ngày 20/11 chính là thấy các em khiếm thị ngày càng bắt nhịp nhanh hơn, hòa đồng với bạn bè hơn để vươn lên trong học tập”, cô Lương xúc động.
Chỉ một thời gian ngắn theo học, em Võ Công Tuấn (SN 2007, ở xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh) đã đọc thông viết thạo chữ Braille.
Từ khi được học chữ Braille tại Trung tâm Dạy chữ, dạy nghề và phục hồi chức năng của Hội Người mù tỉnh, em Võ Công Tuấn (SN 2007) ở huyện Kỳ Anh như bước sang một trang mới của cuộc đời. Nhờ sự động viên, dạy dỗ của các cô giáo, cùng với ý chí và nghị lực, Tuấn đã hòa nhập với môi trường học tập mới.
Tuấn chia sẻ: “Đôi mắt không nhìn thấy gì khiến em rất buồn. Khi em đến với trung tâm, được học chữ Braille, em cảm thấy rất vui khi được hòa nhập với các anh, chị, không còn mặc cảm tự ti về hoàn cảnh của mình nữa”.
Cô Lương là một giáo viên có nghị lực và ý chí tuyệt vời mà rất ít người khiếm thị có được. Cô rất yêu nghề và thực sự muốn gắn bó với nghề, gắn bó với người khiếm thị. Những gì mà chị đã trải qua cùng với lòng hăng say lao động, cảm thông, chia sẻ cho thấy chị thực sự là một tấm gương sáng của nhà giáo dạy chữ Braille.
Với người khiếm thị, việc biết chữ Braille cũng quan trọng như người bình thường biết chữ. Ở Hà Tĩnh mấy năm gần đây, những lớp dạy chữ Braille của chị Lương đã đem lại cơ hội và hy vọng cho nhiều người khiếm thị.