Cuộc sống hạnh phúc của người đàn ông khiếm thị giàu nghị lực

(Baohatinh.vn) - Căn bệnh bong võng mạc cướp đi ánh sáng đôi mắt nhưng bằng sự nỗ lực và tinh thần lạc quan, ông Phạm Văn Hòa (thôn Trung Văn, xã Thạch Văn, Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã vươn lên xây dựng cuộc sống khá giả, hạnh phúc.

Cuộc sống hạnh phúc của người đàn ông khiếm thị giàu nghị lực

Ông Phạm Văn Hòa ở thôn Trung Văn (xã Thạch Văn, Thạch Hà).

Tháng 4/1981, ông Phạm Văn Hòa (SN 1960) lên đường nhập ngũ, biên chế vào đơn vị Lữ đoàn 146, vùng 4 Hải quân, làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ở quần đảo Trường Sa.

Tháng 8/1984, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông Hòa trở về địa phương tham gia lao động sản xuất, lấy vợ sinh con. Cuộc sống đang yên bình thì đầu năm 2002, mắt ông bị đau liên tục và có dấu hiệu kém dần.

Hai vợ chồng gửi 3 đứa con (2 trai, 1 gái) cho người thân rồi đưa nhau ra Hà Nội thăm khám. Các bác sỹ Bệnh viện Mắt Trung ương kết luận ông bị bong võng mạc. Mặc dù gia đình dốc hết tiền bạc, vay mượn khắp nơi để chữa trị nhưng trải qua 3 lần mổ, bác sỹ vẫn không thể cứu được đôi mắt cho ông.

Cuộc sống hạnh phúc của người đàn ông khiếm thị giàu nghị lực

Dù bị mù 2 mắt nhưng cựu binh Phạm Văn Hòa vẫn nỗ lực vươn lên, trở thành người chăn nuôi giỏi.

Ông Phạm Văn Hòa kể: “Đó là thời điểm bi quan nhất của cuộc đời tôi. Vợ sức khỏe kém, 3 con đều đang ở độ tuổi học hành, bản thân là trụ cột gia đình bỗng nhiên bị mù lòa, tôi vô cùng tuyệt vọng. Nhưng rồi nghĩ đến bao nhiêu người cùng cảnh ngộ họ cũng tìm cách vươn lên, lẽ nào mình không làm được, tôi lạc quan lấy lại niềm tin để vượt qua những ngày gian khó nhất, tiếp tục làm điểm tựa cho cả gia đình”.

Tranh thủ thời gian khi đôi mắt còn thị lực 10%, trước khi mù hẳn vào 2 năm sau đó, ông Phạm Văn Hòa tập làm quen và dần thích nghi với không gian sống trong bóng tối. Ông đi làm đồng cùng vợ, vay mượn mua một con trâu cái chăn dắt, nuôi thêm ít gà... Nhờ nỗ lực lao động, sau 3 năm, vợ chồng ông Hòa đã trả hết số tiền vay mượn đi chữa bệnh, cuộc sống dần ổn định.

Cuộc sống hạnh phúc của người đàn ông khiếm thị giàu nghị lực

Vợ chồng ông Hòa chăm sóc đàn gà 1.000 con sắp đến kỳ xuất bán.

Dù “chăm con gì thắng con đó” nhưng do thiếu vốn nên việc chăn nuôi của ông Hòa vẫn nhỏ lẻ với con lợn nái và đàn gà mỗi lứa chỉ vài chục con, thu nhập mỗi năm chỉ vừa đủ để trang trải trong gia đình. Đang lúc mong muốn mở rộng quy mô chăn nuôi thì vào đầu năm 2019, thông qua Hội Người mù của huyện, ông được vay 50 triệu đồng vốn lãi suất thấp.

Với kinh nghiệm tích lũy và kiến thức học được qua những chương trình tập huấn về chăn nuôi của Hội Người mù, ông Hòa mạnh dạn chỉnh trang chuồng trại, đầu tư nuôi 5 con lợn nái, 500 con gà cùng thức ăn, thuốc men phòng dịch cho vật nuôi...

Cuộc sống hạnh phúc của người đàn ông khiếm thị giàu nghị lực

Với kiến thức từ các lớp tập huấn chăn nuôi do Hội Người mù huyện tổ chức cùng kinh nghiệm, ông Hòa mạnh dạn xây dựng mô hình nuôi lợn nái kết hợp lợn thịt, nuôi gà... cho thu nhập khá.

Vừa chú trọng kỹ thuật để đạt hiệu quả cao, ông Hòa vừa mở rộng dần quy mô đàn vật nuôi để tăng thu nhập, nhờ đó chỉ trong năm đầu tiên, gia đình ông đã trả hết số nợ được vay. Tiếp tục tăng gia sản xuất, năm 2021, thu nhập từ chăn nuôi của gia đình ông Phạm Văn Hòa đạt trên 200 triệu đồng, trừ chi phí lãi đạt 120 triệu đồng. 6 tháng đầu năm 2022, gia đình xuất bán 2 lứa lợn con và lợn thịt, 3 lứa gà thu về tiền lãi trên 60 triệu đồng. Hiện, trong các chuồng trại chăn nuôi của ông đang có đàn lợn thịt 10 con, trung bình mỗi con đạt 1,3 tạ, 5 con lợn nái đang vào kỳ sinh sản và đàn gà 1.000 con sắp xuất bán...

Tiếp sức cho những bước phát triển kinh tế của hội viên, đầu tháng 6/2022 vừa qua, Hội Người mù tiếp tục tạo điều kiện để ông Hòa vay 50 triệu đồng mở rộng thêm quy mô chăn nuôi, dự kiến thu nhập của gia đình ông năm 2022 sẽ tăng lên gấp 1,5 lần so với năm 2021.

Ngoài chăn nuôi, ông Hòa còn cùng vợ làm 8 sào ruộng, phát triển thêm nguồn thu từ làm vườn và tận dụng tre trong vườn vót đũa bán để có thêm thu nhập...

Cuộc sống hạnh phúc của người đàn ông khiếm thị giàu nghị lực

Ông Phạm Văn Hòa luôn lạc quan, tích cực hăng say lao động và tham gia các hoạt động tập thể, truyền năng lượng tích cực tới các hội viên người mù. Trong ảnh: Vợ chồng ông Hòa cùng nhau làm vườn.

Bà Nguyễn Thị Khánh (SN 1964, vợ ông Hòa) bày tỏ: “Trong những thời điểm khó khăn nhất, ông ấy động viên vợ con, nỗ lực thích nghi trong sinh hoạt và có kế hoạch nuôi con gì, làm việc gì để đưa gia đình vượt qua khó khăn, con cái được học hành... May mắn là gia đình chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm của cộng đồng, nhất là Hội Người mù các cấp đã kết nối, tạo điều kiện về nguồn vốn vay để vợ chồng tôi mở rộng sản xuất”.

Sau nhiều năm nỗ lực vượt lên hoàn cảnh, vợ chồng ông Phạm Văn Hòa và bà Nguyễn Thị Khánh đã nuôi các con khôn lớn trưởng thành. Đến nay, 3 người con của ông bà đã có nghề nghiệp ổn định, 2 người con đầu đã lập gia đình. Niềm vui đang nhân lên khi vợ chồng ông Hòa, bà Khánh đã xây dựng được căn nhà khang trang kiên cố, hiện đang hoàn thiện những khâu cuối cùng trước khi dọn vào ở.

Cuộc sống hạnh phúc của người đàn ông khiếm thị giàu nghị lực

Vợ chồng ông Phạm Văn Hòa và bà Nguyễn Thị Khánh phấn khởi trước ngôi nhà khang trang sắp hoàn thành sau nhiều nỗ lực lao động.

Hội viên Phạm Văn Hòa luôn sống lạc quan, nỗ lực vượt qua khó khăn, nhiệt tình tham gia các hoạt động của hội và truyền năng lượng tích cực đến các hội viên khác vượt qua hoàn cảnh, cùng phấn đấu vươn lên.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch Hội Người mù huyện Thạch Hà

Chủ đề Nông dân khởi nghiệp

Đọc thêm

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.