Quen biết chị khá lâu nhưng gần đây tôi mới hiểu về chị. Một cô giáo từng dạy Toán lại có thể thuộc làu 3.254 câu Kiều, đạt giải xuất sắc cuộc thi “Bạn đọc thuộc Kiều” toàn quốc. Một người phụ nữ kiên cường, vượt lên căn bệnh hiểm nghèo để có thể sống vui tươi, lạc quan và đóng góp cho xã hội. Chị là cựu giáo chức Bùi Thị Lan (SN 1952) - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng(TP Hà Tĩnh), hội viên Hội Kiều học Việt Nam.
Video: Cô Bùi Thị Lan lẩy Kiều trích đoạn Hoạn Thư ghen
Căn nhà của gia đình anh Hà Huy Lợi và chị Bùi Thị Lan đã trở nên quen thuộc với rất nhiều người dân tổ dân phố 4, phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh. Ở đây, bà con ai cũng gọi chị là “cô Lan” với thái độ kính trọng và quý mến, bởi người cựu tổ trưởng tổ dân phố ấy ngay sau khi nghỉ hưu đã nhận trách nhiệm “vác tù và hàng tổng”. Cô Lan đã đến từng nhà, tìm hiểu từng hoàn cảnh người dân, đem trí tuệ, sức lực và cả tiền của làm đẹp phố phường, nâng cao đời sống Nhân dân, xây dựng mối đoàn kết toàn dân.
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh con phố trước nhà, anh Trương Quang Hoàng - Bí thư chi bộ tổ dân phố 4 kể: “Tổ dân phố chúng tôi tuy là dân thành phố nhưng hộ nghèo, cận nghèo chiếm phần lớn của phường. Trước đây, đường sá chưa sạch đẹp, đèn đường chưa có, việc đi lại khá vất vả. Cái hồ nước và tiểu công viên này, trước là ao tù nước đọng, người ta định bán làm nhà ở. Cô Lan lúc đó đã cùng cấp ủy đấu tranh quyết liệt để giữ lại cái hồ và đề đạt với cấp trên xây dựng không gian xanh. Sau đó, nhờ có nguồn đầu tư của cấp trên, nơi đây đã trở thành hồ nước và công viên thoáng đẹp. Cô Lan cũng bỏ tiền, vận động thêm các “mạnh thường quân” làm hệ thống đèn chiếu sáng cho thôn. Giờ do bệnh tật, cô ấy nghỉ làm tổ trưởng nhưng vẫn thường xuyên tư vấn, trao đổi kinh nghiệm cho cán bộ tổ dân phố. Cô ấy là một đảng viên tiên phong, mẫu mực”.
Năm 2012, chị Lan phát hiện mình bị bệnh. Dù vậy, chị vẫn đảm nhận công việc Tổ trưởng Tổ dân phố. Mãi đến năm 2015, cái u lành tính chuyển thành ác tính, bác sĩ kết luận chị bị ung thư dạ dày giai đoạn đầu, biết không thể tham gia công việc xã hội, chị xin phường và bà con được nghỉ việc ở tổ dân phố. Tiếp đó là chuỗi ngày đấu tranh với bệnh tật để giữ được thăng bằng cho cuộc sống, theo đuổi những đam mê của riêng mình. Từ năm 2017, sau khi ra viện, chị bắt đầu tập trung tìm hiểu, nghiền ngẫm từng câu chữ của Truyện Kiều.
“Vì sao chị có thể thuộc lòng 3.254 câu của Truyện Kiều, trong khi nhiều người học Văn, dạy Văn, nghiên cứu văn học không thuộc hết?”. Trả lời câu hỏi của tôi, chị cười hiền: “Mình đã nghe mẹ ru Kiều từ thuở bé, lớn lên đi học, mình chỉ giỏi Toán, các bài làm Văn khác đều điểm thấp nhưng những bài về Truyện Kiều mình đều điểm cao. Có lẽ do đam mê và yêu mến Truyện Kiều từ ấu thơ”.
Năm 2015, kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, chị Lan tham gia một cuộc thi về Truyện Kiều và được Giáo sư Phong Lê - Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam mời vào Hội, trở thành hội viên. Năm 2020, kỷ niệm 255 năm ngày sinh, tưởng niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du, Hội Kiều học phát động rộng rãi trong toàn quốc cuộc thi “Bạn đọc thuộc Kiều”. Ở Hà Tĩnh, huyện Nghi Xuân hưởng ứng đầu tiên với đông đảo người mê Kiều trong và ngoài tỉnh tham gia. Chị Lan đăng ký và trở thành người đạt giải xuất sắc. Tiếp đó, chị được lựa chọn là một trong những gương mặt sáng giá tham gia cuộc thi toàn quốc.
“Trong nhiều câu hỏi của Ban giám khảo, có một câu rất khó mà mình đã trả lời được: Trong Truyện Kiều, chỉ thấy những câu tả Thúy Kiều khóc. Câu nào tả Thúy Kiều cười? Mình trả lời liền: Đến bây giờ mới thấy đây/ Mà lòng đã chắc những ngày một hai/ Cùng nhau trông mặt cả cười/ Dang tay về chốn trướng mai tự tình. Đoạn này là lúc Từ Hải thắng trận trở về đón Kiều như đã hẹn ước. Và giải thưởng xuất sắc là phần thưởng xứng đáng dành cho chị. Cả nước chỉ có một người đạt giải đặc biệt xuất sắc, 3 người đạt giải xuất sắc. Chị là 1 trong 3 người này.
Để thuộc Kiều ở cái tuổi 68, chỉ đam mê thôi chưa đủ, còn phải có phương pháp. Chị đã chép tay trọn vẹn 3.254 câu Kiều với nét chữ nắn nót, đánh dấu số câu ở ngoài lề để vừa nhớ số câu vừa thuộc nội dung. Chép rồi, hằng ngày lại ngâm nga đọc, lẩy Kiều. Càng đọc càng thấm thía cái hay của từng cảnh huống và cái đẹp lung linh của ngôn ngữ thơ lục bát. Mê Kiều, chị cũng dùng chất giọng âm vang của mình để “lẩy” Kiều, ngâm Kiều. Tôi đã nghe chị “lẩy” trích đoạn Hoạn Thư ghen. Rất “nhập hồn”, không khác gì nghệ nhân dân gian. Đam mê Truyện Kiều, chị cũng tham gia các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, các chương trình nghệ thuật về Nguyễn Du và Truyện Kiều, tranh luận về Truyện Kiều còn rành rẽ hơn cả “dân Văn”. Có lúc chị còn “giận Kiều, trách Kiều”, rồi so sánh: Kim Trọng yêu Kiều nhiều hơn cả Kiều yêu Kim Trọng. Cứ như Kiều là một cô gái nào đó quen biết chị trong đời thường vậy.
Trong tất cả những thành công và đam mê của chị, phải kể đến sự trân trọng, ủng hộ của người chồng - anh Hà Huy Lợi, một cựu chiến binh, một doanh nhân, từng “xông pha” nhiều “chiến trường”. Anh chị yêu nhau ngày còn đi học và đôi “trai tài gái sắc” ấy đến nay vẫn mặn nồng như thuở ban đầu. Biết chị làm Tổ trưởng dân phố, anh động viên chị đóng góp cho thôn xóm, giúp đỡ bà con nghèo, ủng hộ quỹ học sinh nghèo Trường THPT Phan Đình Phùng. Giây phút anh lo lắng đến quặn thắt là giây phút đứng ngoài phòng mổ, chờ đợi ca mổ của chị thành công. Anh muốn bù đắp cho chị nhiều, thật nhiều những năm tháng anh xa nhà công tác, mình chị đảm đang việc nước, việc nhà, nuôi dạy 3 con trưởng thành. Thật đúng như câu Kiều “Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng”.
Bài: Bùi Minh Huệ
Ảnh: Đình Nhất
Thiết kế: Huy Tùng