Coca-Cola Việt Nam từng dính nghi án chuyển giá, trốn thuế trong nhiều năm khi báo lỗ lớn trong khi liên tục mở rộng sản xuất, kinh doanh. |
Trong thông cáo gửi Zing.vn rạng sáng 10/1, Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam (Coca-Cola Việt Nam) xác nhận việc bị phạt và truy thu thuế số tiền hơn 821 tỷ đồng cũng như thông tin về việc doanh nghiệp bị loại trừ khoản lỗ lớn.
Báo Tuổi Trẻ dẫn thông tin từ Tổng cục Thuế cho biết chi tiết về các khoản bị phạt và truy thu của Coca-Cola Việt Nam. Trong đó, số tiền thuế bị truy thu với doanh nghiệp này là hơn 471 tỷ đồng, bao gồm gần 360 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp, 60 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng, và gần 52 tỷ đồng thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài.
Đồng thời, Coca-Cola Việt Nam cũng phải chịu số tiền nộp chậm gần 289 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng bị phạt vi phạm hành chính gần 62 tỷ đồng.
Coca-Cola Việt Nam: Không bao giờ gian lận hay trốn thuế
Sau thanh tra, Tổng cục Thuế cũng giảm số lỗ phát sinh trong thời gian thanh tra số tiền hơn 762 tỷ đồng. Coca-Cola Việt Nam cũng đã xác định số lỗ của giai đoạn trước (từ 2002-2006) không được chuyển lỗ là hơn 202 tỷ đồng.
Đại diện Coca-Cola Việt Nam cho biết “sẽ hoàn toàn tuân thủ quy định và pháp luật Việt Nam”. Tuy nhiên, công ty này vẫn giữ nguyên quan điểm rằng doanh nghiệp đã hoạt động hoàn toàn tuân thủ theo pháp luật.
“Quan điểm này được thể hiện rõ ràng trong tất cả văn bản giải trình và tài liệu được chuẩn bị và nộp lên Tổng cục Thuế theo quy định thường kỳ và trong đợt thanh tra”, ông Peeyush Sharma, Tổng giám đốc Coca-Cola Việt Nam, cho biết trong thông cáo phát ra rạng sáng 10/1.
Ông cũng cho biết công ty sẽ tiếp tục làm việc sâu sát cùng các cơ quan chính phủ cho vấn đề này, để phù hợp với cam kết vững chắc của công ty trong việc hoạt động kinh doanh tại Việt Nam với tinh thần trung thực và tuyệt đối tuân thủ pháp luật địa phương.
Trao đổi với Zing.vn, bà Vũ Thanh Trúc - Trưởng phòng Đối Ngoại và Phát triển bền vững Coca-Cola khu vực Đông Dương, cho biết doanh nghiệp sẽ chấp nhận một phần các khoản truy thu và phạt của cơ quan thuế. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn còn các nội dung cần tiếp tục trao đổi với cơ quan chức năng.
Liên quan đến câu hỏi về nghi vấn chuyển giá, trốn thuế từ khoản loại trừ lỗ hơn 762 tỷ đồng và việc không được chuyển lỗ hơn 202 tỷ của kỳ trước đó, bà Trúc khẳng định “danh tiếng của Coca-Cola Việt Nam là điều rất quan trọng, do vậy chúng tôi tuyệt đối không bao giờ thực hiện các hành động gian lận hay trốn thuế, những việc có thể gây tổn hại tới danh tiếng công ty”.
Đại diện doanh nghiệp nói thêm, cơ quan thuế đã thanh tra lượng hồ sơ trong suốt thời kỳ 9 năm hoạt động của công ty, từ năm 2007 - 2015. Doanh nghiệp đã tích cực hợp tác với Tổng cục Thuế, cung cấp những thông tin được yêu cầu và các tài liệu cần thiết cho việc kiểm toán.
“Trong quá trình thanh tra, công ty nhận ra đã mắc phải những sai sót nhỏ, và đã thông báo với Tổng cục Thuế sẽ hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ được yêu cầu”, ông Peeyush Sharma cho biết.
30 triệu USD thuế thu nhập doanh nghiệp trong tổng 150 triệu USD tiền thuế
Trước đó, Coca-Cola từng bị cơ quan thuế đưa vào diện nghi thực hiện chuyển giá sau khi liên tiếp báo lỗ trong khi liên tục mở rộng mạng lưới kinh doanh, bán hàng tốt.
Tháng 10/2015, Coca-Cola Việt Nam cho biết công ty này đã đóng 20 triệu USD tiền thuế các loại trong năm 2014. Và đây là lần đầu tiên ông lớn ngành giải khát này đóng thuế sau 20 năm hiện diện ở thị trường này, trong đó có hàng chục năm báo lỗ lớn dù vẫn liên tục mở rộng sản xuất kinh doanh.
Giải thích về việc này, đại diện Coca-Cola Việt Nam nói doanh nghiệp đã chịu thua lỗ trong thời gian dài, nên không thuộc đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
“Hoạt động kinh doanh của chúng tôi đem lại lợi nhuận từ năm 2013 trở đi, và chúng tôi bắt đầu nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2015 sau khi đã khấu trừ các khoản lỗ được kết chuyển theo luật Việt Nam”, vị này nói.
Theo Coca-Cola Việt Nam, doanh nghiệp đã đóng góp khoảng 150 triệu USD vào ngân sách Nhà nước thông qua các hình thức thuế khác nhau như thuế nhập khẩu, VAT, thuế khấu trừ tại nguồn, thuế thu nhập cá nhân, thuế tài nguyên tự nhiên, chi phí bản quyền và thuê đất... Trong số đó còn bao gồm khoảng 32 triệu USD tiền thuế thu nhập doanh nghiệp.