Trong khuôn khổ chuyến thăm Lào từ ngày 11-12/7 theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Thongloun Sisoulith, sáng 12/7, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam đã đến thăm cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Lào; gặp gỡ hơn 100 bà con là đại diện các tổ chức hội đoàn, doanh nghiệp và cộng đồng người Việt Nam tại Lào.
Tại buổi gặp gỡ Chủ tịch nước Tô Lâm, ông Phạm Văn Hùng (Khamhoung Xaychaleun) - Chủ tịch Tổng hội người Việt Nam tại Lào đã báo cáo Chủ tịch nước về tình hình cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm việc tại nước CHDCND Lào.
Ông Phạm Văn Hùng cho biết, cộng đồng người Việt Nam tại Lào được hình thành qua nhiều thế hệ, là một trong những cộng đồng ngoại kiều đông nhất tại Lào. Cộng đồng người Việt Nam tại Lào có truyền thống yêu nước, đoàn kết, giữ gìn bản sắc dân tộc; có quan hệ tốt với chính quyền và Nhân dân nước sở tại; chấp hành nghiêm pháp luật của Lào; có nhiều đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của hai nước Lào - Việt Nam; là sợi dây gắn kết Nhân dân hai nước, góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt - Lào.
Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam tại Lào có 3 bộ phận chính hợp thành: người Việt đã nhập quốc tịch Lào, được gọi là người Lào gốc Việt; người Việt làm ăn lâu dài hoặc sinh ra trên đất Lào, được chính quyền Lào cấp hộ khẩu và chứng minh thư Lào, trong đó có ghi quốc tịch Việt Nam; người Việt Nam sang cư trú tại Lào chưa lâu hoặc sang làm ăn theo thời vụ.
Thời gian qua, cộng đồng người Việt Nam tại Lào tích cực tham gia vào các hoạt động chung của nước sở tại, góp phần tích cực vào phát triển KT-XH; tham gia các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo cho một số khu vực gặp nhiều khó khăn của bạn… Những ngày lễ, tết quan trọng của Lào và Việt Nam luôn được Tổng hội người Việt Nam tại Lào được tổ chức trang trọng, góp phần tăng thêm tính đoàn kết gắn bó trong cộng đồng.
Thay mặt cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm việc tại Lào, ông Phạm Văn Hùng đã gửi lời cảm ơn chân thành đến Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đã luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến bà con cộng đồng người Việt Nam tại Lào; ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện cho kiều bào thuận lợi trong đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam..; đồng thời luôn động viên, hỗ trợ cộng đồng đoàn kết, phát triển, hội nhập vào nước sở tại.
Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Tổng hội người Việt Nam tại Lào Phạm Văn Hùng cũng đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm, thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận hợp tác lao động mở rộng, bao gồm một số lĩnh vực lao động phổ thông giữa hai nước, nhằm tạo điều kiện cho một bộ phận bà con người Việt được sinh sống, làm việc hợp pháp lâu dài ở Lào. Bên cạnh đó, tạo điều kiện giúp đỡ để các tỉnh, thành tại Lào chưa có trụ sở hội và trường học dành cho con em người Việt Nam được có trụ sở hội cho bà con sinh hoạt, giao lưu, phát triển văn hóa truyền thống của người Việt và trường học để các cháu được phát triển tiếng Việt.
Tổng hội người Việt Nam tại Lào cũng mong muốn chính quyền nước sở tại công nhận cộng đồng người Việt Nam là dân tộc thiểu số (tương tự như cộng đồng người Việt tại CH Séc và Slovakia) để bà con có thêm nhiều quyền lợi và giúp xây dựng cộng đồng vững mạnh hơn. Cộng đồng người Việt Nam tại Lào mong muốn được Đảng, Nhà nước, các cấp lãnh đạo quan tâm, xem xét và hỗ trợ cho nguyện vọng trên.
Tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch nước Tô Lâm đã ân cần thăm hỏi bà con; khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến kiều bào ta tại nước ngoài - một bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết dân tộc, trong đó có cộng đồng người Việt ở Lào; hoan nghênh, đánh giá cao tấm lòng yêu nước và những đóng góp quan trọng của kiều bào và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như quan hệ hai nước.
Chủ tịch nước chỉ rõ quan hệ Việt Nam - Lào ngày càng tốt đẹp và gắn bó trên cơ sở truyền thống lâu đời, được nhiều thế hệ hai nước vun đắp, đóng góp xây dựng và ngày càng phát triển. Đây là những tiền đề rất quan trọng cho sự ổn định và phát triển của hai nước. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước và Nhân dân đều có trách nhiệm xây dựng, vun đắp, gìn giữ, củng cố và phát triển mối quan hệ đặc biệt này.