Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith phát biểu tại Đại hội XI.
Báo cáo tại Đại hội về việc tổ chức thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia 5 năm lần thứ VIII (2016 - 2020), Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith nhấn mạnh, trong 5 năm qua (nhiệm kì đại hội X), nền kinh tế cả nước tiếp tục tăng trưởng bình quân 5,8%/năm, riêng tăng trưởng của lĩnh vực công nghiệp đã kéo theo sự phát triển ổn định của đất nước. Thu nhập bình quân đầu người đạt 2.664 USD/người/năm vào năm 2020.
Theo Thủ tướng Lào, năm 2020, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế giảm dần và không đạt so với kế hoạch, trong đó khu vực nông nghiệp chỉ tăng 2,1%, dịch vụ chế biến tăng 4,8%. Tuy nhiên, lĩnh vực công nghiệp lại tăng 9,1%, và lĩnh vực thuế, phí tăng 5,2%.
Ông Thongloun Sisoulith phân tích, nguyên nhân chính dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm lại và không theo được mục tiêu kế hoạch đề ra là do ngành nông nghiệp gặp phải tác động tiêu cực của thiên tai. Ngoài ra, việc khai thác khoáng sản và ngành công nghiệp chế biến từ năm 2017-2019 có diễn biến chậm lại. Bên cạnh đó, các lĩnh vực dịch vụ chế biến, tài chính, bảo hiểm được duy trì một cách cầm cự, không có đóng góp nhiều. Trong khi đại dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế.
Tuy nhiên, chính phủ đã biến nguy cơ thành cơ hội, giảm việc khai thác tài nguyên mỏ và cấm xuất khẩu gỗ nguyên cây để tập trung nâng cao dịch vụ sản xuất và chế biến nông sản xuất khẩu, sản xuất linh kiện điện tử, đồ điện và các dịch vụ gắn với du lịch.
Đối với việc cấm khai thác và xuất khẩu gỗ nguyên cây đã làm cho tăng trưởng nền kinh tế của Lào giảm nhưng lại có nhiều chuyển biến tích cực, tạo đà cho tương lai phát triển bền vững hơn.
Mặc dù có nhiều sự tác động tiêu cực khách quan, nhưng dưới sự chỉ đạo mạnh mẽ, sát sao của chính phủ, cùng sự nỗ lực cao của các ngành, các địa phương và nhân dân các dân tộc và sự hỗ trợ, giúp đỡ của các quốc gia bầu bạn, các đối tác chiến lược, đã làm cho kinh tế - xã hội Lào phát triển một cách ổn định, đời sống của nhân dân được cải thiện và giảm nghèo có hiệu quả.
Hiện nay, các dự án đầu tư quy mô lớn trên nhiều lĩnh vực tại Lào vẫn đang tiếp tục được triển khai, như dự án xây dựng đường sắt Lào – Trung Quốc; dự án đường cao tốc Vientiane - Vangvieng; dự án năng lượng và khai thác mỏ; dự án phát triển đặc khu kinh tế và dự án phát triển du lịch.
Thành tựu nổi bật nhiệm kì qua đó là Lào đã thực hiện được các mục tiêu quan trọng, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng lạc hậu, kém phát triển; xã hội yên bình, ổn định bền vững và tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm.
Mục tiêu mà Đại hội toàn quốc Đảng nhân dân cách mạng Lào khóa XI đề ra là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, tăng cường khối đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm ổn định chính trị sâu rộng, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, quyết tâm đưa Lào nhanh chóng thoát khỏi danh sách các quốc gia kém phát triển và đi lên Chủ nghĩa xã hội”
Một thông tin khác có liên quan, tại phiên họp chính phủ Lào mới đây, ông Khammany Inthirath, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào cho biết, thực hiện kế hoạch phát triển năng lượng và khai thác mỏ giai đoạn 5 năm lần thứ VIII đã đóng góp cho ngân sách Lào hơn 1.754 triệu USD (tương đương khoảng 16% vào GDP của Lào).
Hiện nay, Lào có 78 nhà máy điện với tổng công suất là 9.972 MW, có thể sản xuất được 52,211 tỷ kWh mỗi năm. Ngoài ra, Lào còn có 1 nhà máy nhiệt điện, 4 nhà máy điện sinh khối, 5 nhà máy điện năng lượng mặt trời, 4 nhà máy điện gió.
Cùng với đó, Lào đã xây dựng được hệ thống truyền tải cao thế, trung thế và hạ thế trên cả nước, với tổng chiều dài 65.563 km, có 71 trạm điện.
Đối với việc xuất khẩu điện đã đạt 6.457 MW, trong đó, bán cho Thái Lan 5.620 MW. Đến năm 2022, Lào sẽ xuất khẩu điện thêm từ nguồn của 2 nhà máy thủy điện Nậm Theun 1 và Nậm Ngừm 3.