Du khách thăm bảo tàng Louvre tại thủ đô Paris, Pháp, ngày 6/7/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 7/7 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 11.704.312 ca, trong đó có 539.550 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 6.616.301 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm đang là 58. 676 ca và 4.548.461 ca đang điều trị tích cực.
Ngày 6/7, thế giới có 141 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 77 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. Nhiều nước ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày tăng cao nhất kể từ khi dịch bùng phát.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Brooklyn, New York, Mỹ, ngày 6/4/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN
Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm Mỹ (41.866 ca), Ấn Độ (22.510 ca) và Brazil (18.699 ca); trong khi các nước Brazil (587 ca), Ấn Độ (474 ca), Mexico (273 ca) và Mỹ (259 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, vẫn tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến dịch bệnh cực đoan, đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai.
Số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nơi ở châu Á, trong đó phải kể đến một số điểm nóng từng kiểm soát tốt dịch bệnh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong khi Ấn Độ hiện đã đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc bệnh COVID-19.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Colombo, Sri Lanka, ngày 5/6/2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Châu Âu tiếp tục xu thế “hạ nhiệt”, tạo điều kiện để các quốc gia tại châu lục này nới lỏng các biện pháp phòng dịch và từng bước mở cửa biên giới, khôi phục hoạt động kinh tế. Nga với 6.611 ca COVID-19 phát sinh là quốc gia châu Âu ghi nhận thêm nhiều trường hợp mắc bệnh nhất trong 24 giờ qua.
Mỹ Latinh tiếp tục là điểm nóng của đại dịch COVID-19 với số ca nhiễm đặc biệt tăng mạnh trong những ngày gần đây tại Brazil, Mexico...
Brazil hiện cũng là nước có số ca mắc và tử vong vì COVID-19 cao thứ hai thế giới.
Trong khi Peru và Chile cũng chứng kiến diễn biến dịch cực đoan, số người mắc bệnh và tử vong vì đại dịch liên tục tăng nhanh mấy ngày qua.
Một quán bar đóng cửa do dịch COVID-19 tại Los Angeles, bang California, Mỹ ngày 4/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Mỹ là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới với 3.024.794 ca nhiễm và 132.828 ca tử vong.
Trong khi tâm dịch New York dường như đang hạ nhiệt thì tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp và ngày càng nghiêm trọng ở các bang miền Nam hay bờ Tây như Florida, Arizona, California, Texas…
Đại dịch cũng có xu hướng xấu đi ở các bang miền Trung Tây từng ghi nhận số ca nhiễm giảm như Iowa, Ohio và Michigan.
Tiểu bang Florida hai ngày qua đều chứng kiến số bệnh nhân mới cao kỷ lục kể từ đầu đại dịch, với xấp xỉ 10.000 ca bệnh/ngày.
Tại California, chính quyền tiểu bang đang phải tái áp đặt một số lệnh phong tỏa cục bộ, theo đó các nhà hàng và quán rượu sẽ phải đóng cửa hoặc giới hạn số lượng khách.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Santiago, Chile, ngày 4/6/2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Khu vực Mỹ Latinh tiếp tục là điểm nóng của dịch COVID-19, trong đó Brazil là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng thứ 2 trên thế giới.
Peru xếp sau Brazil tại khu vực Mỹ Latinh khi ngày 5/7, tổng số bệnh nhân COVID-19 tại Peru đã vượt 300.000 người - nhiều thứ 5 thế giới, trong khi tổng số ca tử vong tại nước này là 10.589 ca - thứ 10 thế giới.
Tại Bolivia, ngày 5/7, giới chức nước này thông báo Bộ trưởng Y tế có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, trở thành thành viên thứ 3 trong nội các nhiễm virus nguy hiểm này trong 4 ngày qua.
Tại châu Âu, Hy Lạp thông báo nước này sẽ nối lại các đường bay thẳng từ Anh vào tuần tới trong bối cảnh Athens đang nỗ lực “cứu vãn” mùa du lịch Hè vô cùng quan trọng.
Trong khi đó, Chính phủ Thụy Sĩ đã ban hành chỉ thị yêu cầu tất cả các hành khách sử dụng các phương tiện công cộng như tàu hỏa, tàu điện, xe buýt... trên khắp cả nước phải đeo khẩu trang.
Tại châu Á, Ủy ban y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo đã ghi nhận 4 ca nhiễm mới tại Trung Quốc đại lục, trong đó có 1 ca lây nhiễm trong nước được ghi nhận tại thủ đô Bắc Kinh. Không có trường hợp tử vong nào trong ngày 5/7.
Tổng số ca nhiễm tại Trung Quốc hiện là 83.557 ca, trong đó có 4.634 ca tử vong.
Tại Hàn Quốc, Ủy ban đối sách phòng dịch trung ương thuộc Cơ quan phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (CDC) cho biết, bắt đầu từ ngày 6/7, đơn vị này sẽ phối hợp với Bộ Hải dương và Thủy sản và Bộ Tư pháp triển khai xét nghiệm COVID-19 đối với tất cả các thuyền viên xuống tàu vào đất liền, đồng thời tiến hành cách ly thuyền viên người nước ngoài tại cơ sở chỉ định từ ngày 13/7 tới.
Trong khi đó, Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan đang xúc tiến thành lập lực lượng đặc nhiệm để truy dấu khách du lịch nhiễm virus SARS-CoV-2, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này chuẩn bị mở cửa không phận trở lại.
Tại Indonesia, Bộ Y tế ngày 6/7 thông báo có thêm 1.209 ca nhiễm mới và 70 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này lên 64.958 ca và 3.241 ca tử vong.
Cùng ngày, Philippines thông báo có thêm 2.099 ca nhiễm mới và 6 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 46.333 ca và 1.303 ca tử vong.
Tại Pakistan, Bộ trưởng Y tế Pakistan Zafar Mirza (Da-pha Mi-da) cho biết ông có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Đây là quan chức cấp cao mới nhất của Pakistan mắc COVID-19.
Tại Saudi Arabia, chính phủ ngày 6/7 đã ban hành hướng dẫn y tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 trong mùa lễ hành hương về Thánh địa Mecca năm 2020, theo đó cấm các cuộc tụ họp và gặp mặt giữa những người hành hương.
Tại châu Phi, Ai Cập ngày 5/7 đã ghi nhận số bệnh nhân COVID-19 bình phục theo ngày cao nhất từ trước đến nay - với 623 trường hợp, nâng tổng số bệnh nhân được chữa khỏi và xuất viện ở nước này lên 20.726 người.
Theo Bộ Y tế Ai Cập, cũng trong ngày 5/7 nước này ghi nhận thêm 1.218 ca nhiễm mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 lên 75.253 ca. Đây là mức tăng ca nhiễm mới theo ngày thấp nhất kể từ ngày 19/6. Số ca tử vong tại Ai Cập tăng lên 3.343 người, sau khi có thêm 63 người tử vong - con số thấp nhất kể từ ngày 14/6.
Tại Australia, Thủ hiến bang Victoria (Vích-to-ri-a) của Australia, ông Daniel Andrews (Đa-ni-en An-đriu) thông báo ranh giới giữa bang này và bang New South Wales (Niu Xao Uên) sẽ đóng vô thời hạn từ ngày 7/7, sau một đợt bùng phát mới của COVID-19 ở bang Victoria. Quyết định trên đánh dấu lần đầu tiên sau 100 năm ranh giới giữa hai bang đông dân nhất Australia này đóng cửa.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 6/7, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thêm 3.498 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng trên 4.750 người.
Trong 24 giờ qua, khối ASEAN vẫn chỉ có hai quốc gia Indonesia và Philippines ghi nhận các ca tử vong vì virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19). Indonesia tình hình tiếp tục diễn biến xấu khi số bệnh nhân mắc và số ca tử vong vẫn ở mức cao. Hiện “quốc gia vạn đảo” đang dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân cũng như nạn nhân tử vong do đại dịch.
Trong ngày, khu vực ASEAN có 7 nước phát sinh các ca mắc COVID-19. Philippines chứng kiến xu thế dịch leo thang khi nước này ghi nhận số ca mắc bệnh/ngày cao đột biến.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 4.758 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 76 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 169.147 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 95.267 trường hợp.
Trái với tình hình ở Indonesia hay Philippines, các nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt địch bệnh và đời sống kinh tế-xã hội bắt đầu trở lại nhịp. Nhiều nước ASEAN tiến tục xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội, dù vẫn đề cao cảnh giác trước nguy cơ làn sóng dịch thứ hai.