Sáng 10/12, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức tổng kết thực hiện đề án xuất khẩu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2007 – 2010, định hướng đến năm 2020. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh - Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện đề án và Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng chủ trì cuộc họp. |
Theo báo cáo, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tăng từ 46,5 triệu USD năm 2007 lên 125,6 triệu USD năm 2015. Dự ước năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 1.200 triệu USD, vượt chỉ tiêu đề ra (chỉ tiêu đề ra tại đề án kim ngạch xuất khẩu đến năm 2020 đạt 800 – 1.000 triệu USD). Tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2007 - 2020 đạt 4.058 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 27,5%/năm.
Phó Giám đốc Sở Công thương Võ Tá Nghĩa báo cáo kết quả thực hiện đề án xuất khẩu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2007 – 2010, định hướng đến năm 2020.
Tỷ trọng thu từ hoạt động xuất khẩu trên tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng từ 5,2% năm 2008 lên 40,7% năm 2014 và lên 45,6% năm 2020. Tính cả giai đoạn 2008 – 2020, tổng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 38.950,7 tỷ đồng.
Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, ở giai đoạn 2001 - 2006 có 3 nhóm sản phẩm chủ yếu chiếm trên 90% kim ngạch xuất khẩu là khoáng sản, lâm sản và nông sản. Giai đoạn 2013 – 2020, cơ cấu mặt hàng thay đổi đáng kể, các nhóm mặt hàng công nghiệp mới (sợi, hàng may mặc, thép) chiếm tỷ trọng lớn. Năm 2017 đến nay, giá trị xuất khẩu thép và các sản phẩm phụ từ Formosa chiếm tỷ trọng trên 80% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Đại biểu các sở, ngành, doanh nghiệp xuất khẩu tham gia cuộc họp.
Thị trường xuất khẩu ngày càng đa dạng, các doanh nghiệp chủ động nắm bắt các ưu đãi từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết. Giai đoạn 2015 đến nay, sản phẩm của tỉnh đã xuất khẩu trên 20 thị trường các nước trong và ngoài khu vực. Trong đó, tỷ trọng xuất khẩu sang các nước ASEAN chiếm hơn 52%; thị trường Trung Quốc chiếm 16,49%; các nước Nhật, Trung Đông, Úc, Hàn Quốc, Ấn Độ… chiếm 31,3%.
Trong những năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các dịch vụ công được đẩy mạnh; hệ thống giao thông, cảng biển trên địa bàn từng bước được hoàn thiện; công tác xúc tiến thương mại được quan tâm, chú trọng… đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Ông Phạm Hoành Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn: Vị trí địa lý, tiềm năng xuất khẩu hàng hóa của tỉnh qua Lào, Thái Lan là rất thuận tiện và lớn, tuy nhiên hiện vẫn chưa khai thác được nhiều.
Ông Trần Công Lệ – Giám đốc Công ty CP Chè Hà Tĩnh: Cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong việc đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn xuất khẩu vào những thị trường khó như châu Âu.
Tại cuộc họp, đại diện các doanh nghiệp, địa phương đã thảo luận về những tồn tại, hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm và kiến nghị các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu.
Các đại biểu cũng đã góp ý vào dự thảo đề cương đề án đẩy mạnh phát triển xuất khẩu gắn với dịch vụ logistics giai đoạn 2021 – 2025 và kế hoạch phát triển xuất khẩu gắn với dịch vụ logistics trong năm 2021.
Trưởng phòng Nghiệp vụ Cục Hải quan Hà Tĩnh Đào Chí Thành: Thời gian qua, Cục Hải quan đã đẩy mạnh các hoạt động tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu như thực hiện các khâu quản lý bằng phương pháp điện tử.
Theo dự thảo đề án đẩy mạnh phát triển xuất khẩu gắn với dịch vụ logistics giai đoạn 2021 – 2025 và kế hoạch phát triển xuất khẩu gắn với dịch vụ logistics trong năm 2021, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được tập trung chỉ đạo thực hiện như: Xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch phát triển xuất khẩu tỉnh giai đoạn 2021 – 2025; trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ xuất khẩu gắn với phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2021 – 2025; ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện chính sách đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu; hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, tận dụng tối đa các ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết…
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh đánh giá cao kết quả thực hiện đề án xuất khẩu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2007 – 2010, định hướng đến năm 2020. Qua đó, đóng góp vai trò nhất định cho phát triển KT-XH của tỉnh và hoạt động xuất khẩu chung của cả nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh yêu các sở, ngành tiếp thu ý kiến các doanh nghiệp nêu để rà soát lại.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã phân tích các vấn đề vướng mắc mà doanh nghiệp xuất khẩu kiến nghị và giao các sở, ngành xem xét, rà soát những nội dung này để có hướng giải quyết.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đặt ra chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2025 là 2 tỷ USD. Đây là nhiệm vụ lớn, vì vậy Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị tập trung các giải pháp để thực hiện đề án đẩy mạnh xuất khẩu.
Bên cạnh xuất khẩu của Formosa, các sở, ngành, doanh nghiệp cần tập trung cao đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm trọng điểm của tỉnh. Cùng với đó, hỗ trợ, tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp; xây dựng, cải thiện hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh nói chung và xuất khẩu nói riêng.
Công tác cải cách hành chính theo hướng phục vụ doanh nghiệp; quản lý Nhà nước về các mặt: thị trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường...; cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu; công tác xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp, kết nối thị trường mới; đào tạo tập huấn cho các cán bộ quản lý Nhà nước nói chung, lĩnh vực xuất khẩu nói riêng và tập huấn cho doanh nghiệp... cần chú trọng, tập trung.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục làm rõ, cụ thể hóa các đầu việc thực hiện đề án đẩy mạnh xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2025 đối với từng cơ quan, địa phương và có đánh giá hiệu quả từng năm.