Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Sáng 20/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị công bố và triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030. Tham dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương. Tại điểm cầu Hà Tĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải chủ trì. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trầu Báu Hà, Thượng tá Nguyễn Xuân Thắng - Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự. |
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.
Phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã công bố Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng nêu các nội dung chính của quy hoạch: Quan điểm phát triển, mục tiêu phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển quốc gia; các định hướng phát triển không gian KT-XH, phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia, phát triển không gian biển, phát triển và phân bố không gian các ngành quan trọng, phát triển hạ tầng cấp quốc gia...
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng tóm tắt các nội dung Quy hoạch tổng thể quốc gia. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Quy hoạch xác định rõ mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững; hình thành các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại; bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế; môi trường sinh thái được bảo vệ; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm.
Cụ thể, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước bình quân đạt khoảng 7%/năm giai đoạn 2021 - 2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD. Quy mô dân số đến năm 2030 đạt khoảng 105 triệu người.
Lãnh đạo các sở, ban, ngành Hà Tĩnh dự hội nghị.
Tầm nhìn đến năm 2050, trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Các vùng phát triển hài hoà, bền vững, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh. Hệ thống đô thị thông minh, hiện đại, giàu bản sắc, xanh. Giữ gìn bản sắc văn hóa, phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc. Môi trường có chất lượng tốt, xã hội hài hòa với thiên nhiên, phát triển hiệu quả theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, cac-bon thấp.
Quy hoạch vạch rõ tổ chức không gian phát triển đất nước thành 6 vùng, gồm: Vùng trung du và miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đại biểu Hà Tĩnh theo dõi hội nghị.
Tiếp đó, hội nghị đã nghe Bộ KH&ĐT báo cáo tình hình triển khai công tác quy hoạch theo nhiệm vụ được Chính phủ phân công.
Báo cáo nêu rõ, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tiến độ quy hoạch đã được đẩy nhanh, chất lượng quy hoạch từng bước được nâng cao. Đặc biệt, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Quốc hội thông qua có ý nghĩa trong việc định hình không gian phát triển dài hạn của đất nước; là cơ sở để các ngành, các vùng, địa phương triển khai lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 đảm bảo thống nhất, đồng bộ. Nội dung quy hoạch thời kỳ 2021-2030 ngày càng chú trọng hơn về tính đa ngành, lĩnh vực, sự liên kết liên ngành, liên tỉnh và đã áp dụng công nghệ mới, tiên tiến vào công tác quy hoạch.
Hệ thống chính sách, pháp luật về quy hoạch đang từng bước được hoàn thiện để triển khai công tác lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch.
Hội nghị kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố. Ảnh chụp màn hình.
Về lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, đến thời điểm hiện tại đã có 58/111 quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong; 16 quy hoạch đang được thẩm định; 29 quy hoạch đang trong quá trình xây dựng dự thảo và lấy ý kiến; 7 quy hoạch đang lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch và 1 quy hoạch chưa thực hiện do không đủ điều kiện.
Ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tổng thể quốc gia
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Quy hoạch tổng thể quốc gia vừa mang tính tổng thể, vừa mang tính chiến lược, có thể được đúc kết lại trong 12 chữ “Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới”.
Quy hoạch là căn cứ pháp lý giúp Nhà nước hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển, bảo đảm tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch cấp quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước để phát triển KT-XH nhanh, bao trùm và bền vững; đẩy nhanh việc thực hiện đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng; phát huy tối đa các nguồn lực trong hoạt động đầu tư và phát triển của cả đất nước, của từng vùng và từng địa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc triển khai Luật Quy hoạch là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp chính quyền, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ: rà soát, cập nhật và cụ thể hóa các nội dung của Quy hoạch tổng thể quốc gia vào các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch cấp tỉnh đã phê duyệt hoặc đang thẩm định, đang lập, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của các cấp quy hoạch; ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tổng thể quốc gia; xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển các vùng động lực, phát triển các hành lang kinh tế ưu tiên, hỗ trợ nâng cao năng lực cơ sở đào tạo các ngành ưu tiên;
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế; đổi mới chính sách và cách thức thu hút đầu tư nước ngoài; tập trung phát triển nguồn nhân lực bền vững; chăm lo công tác an sinh xã hội; triển khai nghiên cứu ứng dụng phát triển công nghệ cho một số ngành, lĩnh vực then chốt; tăng cường hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế, tổ chức tài chính; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan Trung ương, các địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện có hiệu quả, thực chất, toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội; khẩn trương xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Về tiến độ triển khai quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành việc lập, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác, thống nhất trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện định hướng quy hoạch và thực hiện chính sách liên quan để đảm bảo sự đồng bộ của các cấp quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia;
Bố trí nguồn lực, đề xuất các cơ chế chính sách để thực hiện hiệu quả các mục tiêu quy hoạch; chịu trách nhiệm việc quản lý, thanh quyết toán nguồn vốn tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về ngân sách nhà nước; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ nâng cao năng lực của cán bộ trong công tác lập, thẩm định, thực hiện và quản lý quy hoạch; chủ động xử lý các vấn đề liên quan quy hoạch. Các bộ, cơ quan ngang bộ cho ý kiến đúng thời hạn đối với các quy hoạch, ý kiến thẩm định quy hoạch và ý kiến rà soát quy hoạch.
Thủ tướng và các đại biểu bấm nút khai trương Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Hà Tĩnh là tỉnh thứ hai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch xác định mục tiêu xây dựng tỉnh Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn cao nhất cả nước; phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại ổn định, bền vững. Và đến năm 2050, Hà Tĩnh là tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững, trở thành một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước. Sau khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt, Hà Tĩnh đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với công tác quy hoạch như: rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phù hợp Quy hoạch tỉnh; tăng cường quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý quỹ đất theo quy hoạch; khẩn trương triển khai lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để tạo thuận lợi trong thu hút, triển khai dự án đầu tư... Tỉnh đã và đang phối hợp tích cực với Bộ KH&ĐT, các bộ, ngành trong việc góp ý các quy hoạch quốc gia; góp ý hồ sơ quy hoạch của các tỉnh trong khu vực theo quy định của Luật Quy hoạch. |