Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trao quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh, tặng hoa chúc mừng Hà Tĩnh tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh (tháng 5/2023)
Hà Tĩnh khép lại vòng quay 365 ngày của năm 2023 với nhiều dấu ấn quan trọng. Đặc biệt, hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh diễn ra vào cuối tháng 5 đã trở thành sự kiện có ý nghĩa đối với tỉnh nhà, tạo động lực và niềm tin cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trên hành trình hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững.
TP Hà Tĩnh được định hướng là đô thị hạt nhân của một trong 3 trung tâm đô thị tạo đột phá phát triển cho tỉnh.
Thành phố Hà Tĩnh được định hướng là đô thị hạt nhân của một trong ba trung tâm đô thị tạo đột phá phát triển cho tỉnh. Xác định được tầm quan trọng đó, thời gian qua, thành phố đã tập trung triển khai các phần việc theo định hướng của quy hoạch, từng bước tiến dần đến mục tiêu hiện thực hóa quy hoạch.
Theo ông Nguyễn Duy Đức - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh, thành phố đã triển khai nhiều dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án giao thông chiến lược kết nối liên vùng, làm tiền đề kết nối các khu vực đô thị mới, tạo động lực phát triển. Có thể kể đến tuyến đường vành đai phía Đông thành phố (tiến độ đạt 40%), đường Nguyễn Du kéo dài (đạt khoảng 40%), tuyến Xuân Diệu kéo dài đến đường Ngô Quyền (đạt khoảng 35%), tuyến Ngô Quyền kéo dài kết nối với trục đường cao tốc Bắc - Nam đã hoàn thành GPMB và đang triển khai thi công... Đồng thời, đầu tư chỉnh trang, nâng cấp các tuyến đường trung tâm như: Phan Đình Phùng, Lê Duẩn, Nguyễn Thị Minh Khai...
Trong năm 2023, thành phố được ví như một đại công trường. Khi các dự án hoàn thành, thành phố mang một diện mạo hoàn toàn mới. Bên cạnh tập trung hoàn thiện hạ tầng, thành phố cũng đặc biệt chú trọng nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho Nhân dân...
TP Hà Tĩnh đã triển khai nhiều dự án giao thông chiến lược kết nối liên vùng, làm tiền đề kết nối các khu vực đô thị mới. Trong ảnh: Thi công dự án đường vành đai phía Đông TP Hà Tĩnh.
TX Kỳ Anh là địa phương có vị trí chiến lược với nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế, được Quy hoạch tỉnh xác định là hạt nhân trung tâm đô thị phía Nam gắn với Khu kinh tế Vũng Áng và các vùng phụ cận. Do đó, sau khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt, cụ thể hóa quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của địa phương. Hiện nay, TX Kỳ Anh đang tập trung rà soát, điều chỉnh, lập mới các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung thị xã đến năm 2035 phù hợp với Quy hoạch tỉnh.
Đồng thời, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh tăng cường xúc tiến đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; huy động các nguồn lực tập trung xây dựng hạ tầng đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông trọng yếu gắn với xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch, phát huy tốt lợi thế là trung tâm công nghiệp, cảng biển, logistics trên địa bàn...
Thị xã Kỳ Anh được Quy hoạch tỉnh xác định là hạt nhân Trung tâm đô thị phía Nam gắn với KKT Vũng Áng và các vùng phụ cận
Trong 4 ngành kinh tế trọng điểm được Quy hoạch tỉnh định hướng tạo đột phá phát triển thì Sở Công thương “chủ trì” 2 ngành, gồm công nghiệp luyện thép, chế tạo sau thép, sản xuất điện và dịch vụ, logistics. Do đó, bám sát đường hướng của quy hoạch, từng nhiệm vụ, kế hoạch được đơn vị vạch rõ để triển khai.
Ông Hoàng Văn Quảng - Giám đốc Sở Công thương cho biết: Để từng bước thực hiện quy hoạch, sở đã rà soát các quy hoạch ngành quốc gia, đề xuất sửa đổi những nội dung Quy hoạch tỉnh không phù hợp và góp ý các quy hoạch ngành liên quan đồng bộ với Quy hoạch tỉnh; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phương án phát triển cụm công nghiệp theo lộ trình mà Quy hoạch tỉnh đặt ra; tham mưu tích hợp phương án phát triển điện lực trên địa bàn tỉnh vào kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đồng bộ với Quy hoạch điện VIII quốc gia...
Song song với đó, ngành công thương tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2, tạo điều kiện để Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đầu tư nâng công suất; đề xuất các chính sách hỗ trợ phát triển xuất khẩu và logistics...
Công nghiệp luyện thép, chế tạo sau thép, sản xuất điện là một trong bốn ngành trọng điểm tạo đột phá phát triển, thực hiện mục tiêu Quy hoạch tỉnh.
Xác định xúc tiến đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm trong hiện thực hóa quy hoạch, tạo nguồn lực phát triển nhanh và bền vững, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành liên quan đã tích cực, quyết liệt trong các hoạt động xúc tiến, quảng bá tiềm năng, lợi thế của tỉnh và đưa các dự án quy mô về với Hà Tĩnh.
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Bắc Thạch Hà với tổng vốn gần 1.600 tỷ đồng do Công ty CP Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP) làm chủ đầu tư được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương là một trong những kết quả rõ nét cho những nỗ lực đó. Đây cũng là dự án đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư.
Theo Sở KH&ĐT, trong số các dự án ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tại hội nghị, đến nay đã có 3 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và 30 dự án đang tiến hành các thủ tục để trình chủ trương.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án tại Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Thái Bình và Bình Thuận (tháng 8/2023). Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Bên cạnh những nhiệm vụ mang tính chiến lược, dài hơi, nhìn lại một năm qua, cả hệ thống chính trị đã từng ngày nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, nhất là trong điều kiện tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động, kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn để đạt được những kết quả tốt nhất trong phát triển KT-XH của năm giữa nhiệm kỳ..., tạo bước đệm vững chắc từng bước thực hiện mục tiêu quy hoạch.
Ông Trần Việt Hà - Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: "Sau khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt và đặc biệt là sau hội nghị công bố, các ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung tất cả các quy hoạch liên quan phù hợp, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh. Cùng đó, tập trung tham mưu, thực hiện có hiệu quả các đột phá phát triển KT-XH; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; huy động mọi nguồn lực để hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh. Sở KH&ĐT cũng đã tập trung hoàn thiện dự thảo kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh, hiện nay đang xin ý kiến góp ý của các bộ, ngành trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt".
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Hà Tĩnh đang từng bước khẳng định tầm vóc, tạo nền tảng, nâng sức bật cho tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn tới. Với mỗi người dân, những đổi mới của quê hương là “ngọn lửa” bồi đắp, hun đúc thêm niềm tự hào, khát vọng cống hiến để xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh, hướng tới mục tiêu xây dựng Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.