Cuộc gặp gỡ xúc động của những nữ dân quân gái Kỳ Phương anh hùng

(Baohatinh.vn) - Đã trở thành thông lệ, ngày truyền thống Thương binh - Liệt sỹ 27/7 hằng năm, những thành viên trong Tiểu đội Dân quân gái Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) lại gặp nhau trong bùi ngùi xúc động.

Căn nhà nhỏ của bà Tưởng Thị Diên (SN 1941 - nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội Dân quân gái Kỳ Phương) nằm sâu trong một con ngõ nhỏ của tổ dân phố Hồng Sơn - phường Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh).

Cuộc gặp gỡ xúc động của những nữ dân quân gái Kỳ Phương anh hùng

Các bà Trần Thị Lan, Tưởng Thị Diên, Lê Thị Lương (từ trái sang phải) trong cuộc gặp mặt truyền thống năm nay.

Cuộc hội ngộ truyền thống năm nay của những nữ dân quân gái có phần trầm lắng hơn bởi chỉ có sự góp mặt của 3 thành viên: bà Tưởng Thị Diên, bà Trần Thị Lan (SN 1951) và bà Lê Thị Lương (SN 1954).

Cuộc gặp gỡ xúc động của những nữ dân quân gái Kỳ Phương anh hùng

Bức ảnh kỷ niệm về 9 nữ dân quân gái Kỳ Phương anh hùng.

Bà Diên trầm ngâm: “Tổ thanh niên xung phong ngày ấy được thành lập năm 1966 có 13 người gồm 9 nữ, 4 nam, đến năm 1967, được tách riêng nam, nữ và Tiểu đội Dân quân gái thành lập từ đó. Năm 1969, do yêu cầu của tình hình mới, tiểu đội được bổ sung thêm 12 người. Sau chiến tranh, người còn, người mất. Giờ đây, tiểu đội còn 6 người, 3 người theo con đi sinh sống ở các tỉnh phía Nam, nay dịch bệnh không thể về, chỉ có thể gặp nhau qua điện thoại”.

Cuộc gặp gỡ xúc động của những nữ dân quân gái Kỳ Phương anh hùng

Ánh mắt trìu mến, cái nắm tay thật chặt, ký ức ùa về trong những câu chuyện của các bà.

Vắng bóng những người đồng đội thân yêu, bữa cơm gặp mặt của các bà cũng có phần đạm bạc hơn nhưng vẫn ấm áp và đầy ắp nghĩa tình. Ánh mắt trìu mến, cái nắm tay thật chặt, ký ức về những trận đánh hào hùng, những ngày tháng thanh xuân sôi nổi, nhiệt huyết trở về trong từng câu chuyện của các nữ dân quân anh hùng.

Với thân hình nhỏ nhắn nhưng bà Diên được biết đến là một tiểu đội trưởng gan dạ và lối chỉ huy sáng tạo. Bằng chiến thuật “bắn chẻ đầu”, bà đã chỉ huy chị em trong tiểu đội bắn rơi 3 máy bay trong vòng 27 ngày (từ 26/7 - 21/8/1968), phối hợp với các lực lượng khác bắn rơi 12 máy bay của đế quốc Mỹ và trở thành một trong 3 đơn vị tiêu biểu của cả nước được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lúc bấy giờ.

Cuộc gặp gỡ xúc động của những nữ dân quân gái Kỳ Phương anh hùng

Những kỷ vật thời chiến tranh được bà Diên gìn giữ gần nửa thế kỷ nay.

Lần dở những bức ảnh kỷ niệm, những huân huy chương ghi dấu chiến công của tiểu đội, bà Lê Thị Lương không khỏi bùi ngùi xúc động: “Bước ra từ cuộc chiến tàn khốc, được trở về cuộc sống hòa bình, với chúng tôi là niềm hạnh phúc, may mắn hơn rất nhiều đồng đội. Nhìn Kỳ Phương đổi mới, chúng tôi càng thêm tự hào về quá khứ hào hùng của quê hương”.

Dù được sống sót trở về nhưng các bà đều mang trong mình di chứng của chiến tranh, sức khỏe nay đã giảm sút nhiều. Hầu hết các chị em đều sống neo đơn khi chồng mất sớm, con cái làm ăn xa. Hoàn cảnh đó càng khiến họ xích lại gần nhau hơn.

“Ngày còn mười tám đôi mươi thì đùm bọc nhau trong mưa bom bão đạn, nay già rồi thì chia sẻ với nhau buồn vui trong cuộc sống hằng ngày. Dù không nhiều nhưng chị em vẫn lập được một quỹ chung, thường xuyên cho gia đình các thành viên vay vốn làm ăn, hỗ trợ con cháu học hành, thăm hỏi nhau khi ốm đau” - bà Trần Thị Lan chia sẻ.

Tuổi cao, không còn tham gia công tác đoàn thể tại địa phương nhiều như trước nhưng thành viên tiểu đội vẫn thường xuyên được mời tham dự các chương trình giao lưu, tọa đàm lịch sử với thế hệ trẻ. Từ những buổi nói chuyện đó, các bà đã trao truyền nhiệt huyết của tuổi trẻ, tình yêu đất nước cho thế hệ sau.

Cuộc gặp gỡ xúc động của những nữ dân quân gái Kỳ Phương anh hùng

Thành viên Tiểu đội Dân quân gái Kỳ Phương trong một buổi giao lưu với học sinh Trường Tiểu học Kỳ Phương (Ảnh tư liệu).

Rời căn nhà nhỏ của nữ tiểu đội trưởng anh hùng khi bóng chiều đã ngả, đi trên những cung đường bê tông dài rộng, phóng tầm mắt ra xa là những nhà máy, khu công nghiệp đang mọc lên trên mảnh đất Kỳ Phương nắng và gió, chúng tôi càng trân trọng hơn những sự hy sinh, mất mát lớn lao của thế hệ những người đi trước để cho quê hương đổi thay như ngày hôm nay.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.