Những ông chủ giàu có trên mặt trận kinh tế
Những ngày này, CCB Phan Công Hiền (67 tuổi, thôn Minh Ngọc, xã Thạch Châu) đang tất bật hoàn thiện ngôi nhà 3 tầng, mỗi tầng rộng 160m2 trị giá hơn 4 tỷ đồng của gia đình. Đây là thành quả sau hàng chục năm lăn lộn trên thương trường và bao tháng ngày đổ mồ hôi, công sức với nghề mộc.
CCB Phan Công Hiền (xã Thạch Châu) điều hành xưởng mộc gia đình, mỗi năm cho doanh thu 8-9 tỷ đồng
Ngoài căn nhà to đẹp nhất xóm này, ông Hiền còn có 3 khu nhà xưởng rộng khoảng 3.000 m2, sản xuất đạt mức doanh thu 8 - 9 tỷ đồng/năm, lợi nhuận gần 1 tỷ đồng/năm.
Dù là ông chủ nhưng CCB Phan Công Hiền vẫn luôn hăng say lao động, đam mê với nghề mộc dân dụng.
Ông Phan Công Hiền chia sẻ: “Không được đào tạo bài bản nhưng khi xuất ngũ (cách đây hơn 40 năm) tôi tự mày mò, học hỏi thành nghề, rồi tự tính toán làm chủ xưởng mộc. Hiện tại, tôi đang tạo việc làm cho 7 lao động địa phương và đã giúp đỡ, đào tạo hàng chục người là xóm làng, con em đồng đội trở thành những thợ mộc giỏi”.
Các CCB tham quan, trao đổi kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản quảng canh của ông Lê Thế Liên (xã Hộ Độ).
Sau khi rời quân ngũ, CCB Lê Thế Liên (58 tuổi, thôn Tân Quý, xã Hộ Độ) luôn quyết tâm vươn lên chiến thắng đói nghèo và lạc hậu. Bằng công sức, tâm huyết và tinh thần học hỏi của mình, ông Liên đã trở thành một trong những thành viên làm ăn hiệu quả nhất của Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Hà Vọoc.
Với hơn 3 ha ao hồ nước mặn lợ, mỗi năm, ông Liên xuống giống 2 - 3 vụ tôm, cua, cá vừa thâm canh vừa quảng canh đã cho mức lãi hơn 200 triệu đồng/vụ.
Mô hình vườn mẫu (trồng cây ăn quả và nuôi gà thả vườn) của CCB Trần Thị Bằng ở thôn Hữu Ninh, xã Thạch Mỹ.
Ngoài ra, ở Lộc Hà hiện nay còn có rất nhiều ông chủ, bà chủ các mô hình kinh tế, các vườn mẫu từng mặc áo lính như: CCB Nguyễn Văn Sửu (xã Thạch Châu) hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình, chăn nuôi lợn; CCB Phan Huy Tiến (Thạch Châu) trong lĩnh vực xây dựng công trình; CCB Hoàng Trọng Cường (xã Thịnh Lộc) hoạt động trong lĩnh vực trang trại; CCB Nguyễn Văn Việt (xã Mai Phụ) nuôi ngao; CCB Trần Thị Long (thị trấn Lộc Hà) nuôi tôm công nghệ cao...
Mô hình nuôi lợn Viet GAP của CCB Nguyễn Văn Sửu (Thạch Châu) mỗi năm cho doanh thu từ 30 - 35 tỷ đồng.
Chủ tịch Hội CCB huyện Lộc Hà Nguyễn Thắng Lợi cho biết: Đến thời điểm này, toàn huyện có 88 mô hình do CCB làm chủ có doanh thu từ 300 triệu đến 10 tỷ đồng mỗi năm. Cá biệt, có những mô hình lên đến 30 - 40 tỷ đồng; riêng từ năm 2017 - 2022 có thêm 55 mô hình.
Với tinh thần yêu lao động, quyết tâm vượt qua nghèo đói, hơn 3.000 hội viên Hội CCB huyện đã không ngừng nỗ lực, giúp nhau vươn lên để có cuộc sống ngày càng khấm khá. Hiện nay, mức bình quân thu nhập hơn 45 triệu đồng/người/năm, 465 hội viên có nhà ở cao tầng, hầu hết đều có tiện nghi hiện đại trong nhà; tỷ lệ hội viên nghèo và cận nghèo chỉ còn 4% (chủ yếu già cả, ốm đau).
Hội CCB các cấp đến động viên, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, nuôi dạy con cái với hội viên ở xã Thạch Mỹ.
Luôn xung kích đi đầu các hoạt động vì cộng đồng
Sau 16 năm trong quân ngũ, từng chiến đấu ở nhiều chiến trường ác liệt, nhưng khi trở về đời thường, CCB Nguyễn Công Tứ (67 tuổi, thôn Tây Giang, xã Thạch Mỹ) lại tiếp tục tham gia nhiều hoạt động phong trào tại địa phương.
Ông Nguyễn Công Tứ (thứ 2 từ trái qua) tham quan vườn mẫu và động viên hội viên tích cực làm ăn.
Đến thời điểm này, CCB Nguyễn Công Tứ đã có 23 năm làm bí thư và thôn trưởng, 7 năm tham gia hội CCB xã và hiện đang là Chủ tịch Hội người cao tuổi xã, Phó Chủ tịch Hội CCB xã, Phó Giám đốc HTX Môi trường và Dịch vụ nông nghiệp Thạch Mỹ...
CCB Nguyễn Công Tứ chia sẻ: “Với phẩm chất của một người lính, tôi luôn cố gắng gương mẫu trong mọi phong trào, từ làm vườn mẫu, phát triển sản xuất, tham gia xây dựng NTM đến thực hiện nếp sống lành mạnh, ứng xử văn minh, nuôi dạy con cái, nhiệt tình với việc làng, việc xã. Có vậy mình mới vận động được hội viên, bà con tham gia các phong trào, hoạt động chung”.
CCB Thạch Châu tham gia lao động NTM cùng Nhân dân và các lực lượng hỗ trợ khác.
Cũng như ông Nguyễn Công Tứ, các CCB ở Lộc Hà luôn thể hiện sự nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc chung, nhất là trong xây dựng NTM. Với tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ địa chỉ, rõ kết quả”, từ 2017 đến nay, lực lượng CCB trên địa bàn đã đóng góp gần 40.000 ngày công, hiến 32.453 m2 đất, phá dỡ 24.423m tường rào, nạo vét 57.835m kênh mương, làm 38.736m đường bê tông, chặt bỏ hơn 17.000 cây cối, di dời 189 công trình phụ, xóa bỏ 646 vườn tạp, trồng 22.455 cây ăn quả, làm 102 vườn mẫu, đảm nhận 103 tuyến đường tự quản...
CCB xã Hồng Lộc tham gia làm nhà thờ cúng liệt sỹ không còn bố mẹ, anh em ruột thờ tự.
Chủ tịch Hội CCB huyện Lộc Hà Nguyễn Thắng Lợi cho biết thêm: “Trong 5 năm nay, chúng tôi duy trì tốt 757 tổ tự quản, tham gia giải quyết hàng trăm vụ mâu thuẫn trong Nhân dân, cảm hóa 55 đối tượng lầm lỗi, cung cấp 254 nguồn tin có giá trị về ANTT và nhiều việc làm, hoạt động ý nghĩa hướng về đồng đội, về Nhân dân. Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, các cấp hội đã vận động, kêu gọi hơn 2 tỷ đồng và huy động gần 20.000 ngày công để làm 315 ngôi nhà tình nghĩa, tặng 406 suất quà, góp Quỹ “Nghĩa tình đồng đội”, làm các nhà thờ liệt sỹ, nâng cấp, sửa chữa các nhà bia và nghĩa trang liệt sỹ...”