Video: Ông Đoàn Đức Hiền chia sẻ về niềm đam mê khắc, vẽ truyền thần.
Khác với hình dung về một phòng tranh khang trang, chúng tôi được gặp người cựu sỹ quan quân đội Đoàn Đức Hiền trong một căn nhà nhỏ nép bên sườn núi. Ở tuổi 72, ông được mọi người nhắc nhớ là người điêu khắc, vẽ truyền thần duy nhất trong vùng.
Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề vẽ truyền thần, ông Đoàn Đức Hiền cho rằng đó là một thú vui cho những năm tháng an dưỡng tuổi già. Dù vậy, khi nhìn ông tỉ mỉ chuẩn bị từng cây bút, chăm chút từng tờ giấy vẽ, người ta dễ nhận thấy ở ông bóng dáng của họa sĩ thực thụ.
Sau khi trở về quê hương Hà Tĩnh, ông dành trọn thời gian cho niềm đam mê vẽ truyền thần của mình.
Ngay từ khi còn nhỏ, vào những năm 1960 ông đã đam mê với hội họa và nặn tượng. Ông tìm các loại giấy nâu, lõi xoan... để vẽ Bác Hồ, Lê-nin hoặc những nhân vật nổi tiếng khác.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Xây dựng và bắt đầu tham gia chiến trường từ năm 1972, người sỹ quan quân đội (Binh đoàn 11 thuộc Bộ Quốc phòng) thời ấy đã không biết bao lần “vào sinh ra tử” nhưng vẫn luôn nuôi dưỡng trong mình tình yêu với hội họa.
Sau chiến trận, ông không trở thành họa sỹ mà bước vào lĩnh vực xây dựng. Khi tuổi đã cao, năm 2016, ông Đoàn Đức Hiền nghỉ hưu và trở về quê hương Hà Tĩnh, dành trọn thời gian cho niềm đam mê của mình.
Bên cạnh vẽ, ông Đoàn Đức Hiền còn điêu khắc tượng, phù điêu.
Xuất phát từ mong muốn ghi lại hình ảnh của các bậc sinh thành khi còn sống, ông đã truyền lại cái thần thái của con người vào bức vẽ, làm các sản phẩm sống động “như có thể trò chuyện cùng mình”. Sau dần, nhiều người quen trong vùng biết đến, nhờ ông vẽ lại ảnh của người đã khuất để thờ và lưu giữ kỉ niệm...
Đưa những nét bút tỉ mỉ trên bức tranh chân dung đen trắng đầy hoài cổ, ông Đoàn Đức Hiền chia sẻ về những bức tranh mình vẽ. Với ông, mỗi bức tranh đều là tâm huyết của người “thợ vẽ”. Bởi tranh truyền thần đòi hỏi tính kiên trì, tỉ mỉ, nhất là mắt, vòm râu, khuôn miệng… Mỗi bức tranh truyền thần đơn giản, ông Hiền cũng phải mất đến hai ngày, bức phức tạp thì mất nhiều thời gian hơn.
Những bức tượng truyền thần được nhiều người đặt hàng để lưu giữ kỷ niệm.
Rồi cũng vì say mê, ông lại bắt đầu điêu khắc tượng truyền thần. Không qua trường lớp nào nhưng mỗi tượng gỗ truyền thần được ông Hiền thể hiện với thần thái riêng. Có những bức tượng làm thâu đêm, không có thời gian nghỉ ngơi. Mỗi lần làm xong, ông như bừng tỉnh khỏi một giấc mơ bởi hình ảnh, sự tỉ mẩn, cẩn thận cứ in sâu trong tâm trí.
Bức tượng độc đáo trên thân cây “như có thể trò chuyện cùng mình”.
Ông Đoàn Đức Hiền tâm sự: “Vẽ hay điêu khắc truyền thần không chỉ là giống mà còn phải thể hiện được thần thái của người được vẽ. Sau mỗi sản phẩm không phải là tiền mà cảm xúc, thỏa mãn của người nhận mới là điều quan trọng. Thấy họ bật khóc khi nhận ảnh, tượng vì quá giống người thân, bản thân tôi cũng xúc động vô bờ...".
Các tác phẩm thể hiện tài năng của người sỹ quan quân đội về hưu
Luôn mang trong mình “nhịp đập” của một người nghệ sỹ, vì vậy, ông Hiền luôn mong muốn lưu giữ lại những vẻ đẹp, hình ảnh của các danh nhân văn hóa, các nhà thơ, nhạc sỹ nổi tiếng... Đó không chỉ là niềm vui lúc về già mà còn là mong muốn truyền lại văn hóa cho thế hệ trẻ.
“Tôi luôn mong rằng thông qua các tác phẩm nghệ thuật của mình sẽ lưu giữ lại những nét đẹp văn hóa để khơi dậy niềm đam mê, sáng tạo cho thế hệ trẻ. Từ đó, mỗi người biết hướng đến những giá trị chân - thiện - mỹ, luôn cố gắng và phấn đấu cho những điều tốt đẹp hơn”- ông Đoàn Đức Hiền bộc bạch.