Nhìn vào gương mặt đen sạm vì nắng gió của anh Phạm Văn Cường (SN 1984, ở xã Cẩm Trung, Cẩm Xuyên), chứng kiến anh cặm cụi vá lốp xe ô tô cho khách hàng, tôi không ngờ anh đã từng có quá khứ lầm lỗi.
Trở về từ quá khứ lầm lỡ, được cán bộ Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và HTTP huyện Cẩm Xuyên giúp đỡ, anh Phạm Văn Cường đã vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Hơn 20 tuổi, bị bạn xấu rủ rê, Cường sa vào đường dây cướp giật trên địa bàn. Chỉ sau vài ba vụ trót lọt, nhóm cướp của Cường bị bắt. Sau hơn 2 năm chấp hành án phạt tù, trở về địa phương, được sự giúp đỡ của lực lượng cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (HTTP) Công an huyện Cẩm Xuyên, anh đã hoàn toàn rũ bỏ quá khứ lầm lỗi để trở thành một công dân lương thiện.
Anh Cường chia sẻ: “Lúc mới ra tù, cảm giác mặc cảm và tự ti, không muốn tiếp xúc với ai. Thời gian đó, ngoài gia đình, người thân động viên thì cán bộ Đội Cảnh sát Thi hành án hình sự và HTTP Công an huyện Cẩm Xuyên thường xuyên qua lại, hướng dẫn, tạo điều kiện nhập hộ khẩu, cấp đổi chứng minh nhân dân và phối hợp với cơ quan, ban ngành, đoàn thể giới thiệu việc làm, hỗ trợ vay vốn”.
Từ nghề học được trong trại, được Công an huyện Cẩm Xuyên đứng ra bảo lãnh, anh Cường vay 200 triệu đồng từ Quỹ Tín dụng nhân dân Cẩm Trung (nay là Quỹ Tín dụng nhân dân Lạc Trung) để mở xưởng lốp ô tô. Hiện tại, xưởng đã tạo việc làm cho 3 lao động với thu nhập hơn 5,5 triệu đồng/tháng. Ngoài xưởng lốp ô tô, anh Cường còn góp vốn với người thân mở cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng (gạch ốp lát, thiết bị phòng tắm...). Đặc biệt, tài sản vô giá mà anh Cường có được là 2 đứa con kháu khỉnh, ngoan ngoãn cùng người vợ hết mực yêu thương anh.
Theo chân Đại úy Nguyễn Lộc Bình - Đội trưởng Đội Cảnh sát Thi hành án hình sự và HTTP Công an huyện Cẩm Xuyên, tôi “mục sở thị” quán cháo đêm của anh Ngô Anh Đức (SN 1974, ở thị trấn Cẩm Xuyên) - một người đã từng có hơn 20 năm “vào tù ra tội”.
Anh Ngô Anh Đức (ngồi giữa) tâm sự với cán bộ Công an huyện Cẩm Xuyên
Trong hành trình hoàn lương của anh Đức, tôi cảm nhận được sự quyết tâm, khao khát làm người lương thiện mãnh liệt nhưng cũng đầy chông gai, vất vả. Anh Đức tâm sự: “Mình ra trại đã được 2 tháng 28 ngày. Lúc mới về, đám bạn xấu cứ đến chở đi, đưa tiền cho tiêu xài. Được dăm ba bữa, mình thấy không ổn. May thay, lúc ấy, Đại úy Bình có mặt kịp thời”.
Được Đại úy Nguyễn Lộc Bình “đưa đường chỉ lối”, anh Đức bắt đầu cuộc sống mới nơi quán cháo đêm bên QL 1A. Nhờ sự chăm chỉ, nỗ lực của bản thân, hiện tại, anh Đức đã kiếm cho mình được một số vốn nho nhỏ để sửa sang, mở quán tại nhà. Anh còn đón cậu con trai về chăm sóc, quyết tâm làm lại cuộc đời.
“Bây giờ, tôi chỉ có nhìn vào con để sống cho tốt thôi. Tôi vào tù thì mẹ nó cũng sang Thái Lan làm ăn, để cháu cho bà dì ở tận Nghi Xuân chăm sóc. Đợt vừa rồi làm thủ tục chuyển trường cho cháu cũng gặp một số khó khăn, may nhờ Đại úy Bình giúp đỡ nên giờ cũng ổn rồi” - anh Ngô Anh Đức kể.
Nói về công tác giúp đỡ người phạm tội tái hòa nhập cộng đồng, Đại úy Nguyễn Lộc Bình chia sẻ: “Từ khi Nghị định 80 ra đời (năm 2013), công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù về địa phương có sự vào cuộc nhiều hơn của chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể. Tuy nhiên, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế cho đối tượng hiện đang gặp nhiều khó khăn”.
Phần lớn những người mãn hạn tù trở về địa phương đều gặp khó khăn trong vấn đề vay vốn hoặc tìm kiếm việc làm. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tái phạm.
Theo báo cáo của Công an tỉnh, từ 16/11/2016 - 15/5/2017, toàn tỉnh có 270 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, trong đó có 126 người có việc làm. Trong số 126 người có việc làm, không có trường hợp nào được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội hay các nguồn quỹ khác. Những người chưa tìm được việc làm, chủ yếu là do thiếu vốn đầu tư SXKD hoặc không có nghề nghiệp.
Thượng tá Nguyễn Văn Chương - Trưởng phòng Cảnh sát thi hành án dân sự và HTTP (PC81) Công an tỉnh lý giải: “Nếu ngân hàng cho người đi tù về vay vốn thì họ cũng sợ. Các cơ sở SXKD lúc tuyển dụng nhân sự thì đều phải qua vòng phỏng vấn và hầu như những người có quá khứ lầm lỡ đều khó lọt qua. Để giúp đỡ họ, công an thường xuống trực tiếp bảo đảm uy tín”. Được biết, PC81 hiện đang quản lý gần 5.000 người trong thời gian chưa được xóa án tích”.
Làm tốt công tác giúp đỡ những người phạm tội tái hòa nhập cộng đồng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần giảm tỷ lệ tái phạm. Công tác này cần sự chung tay của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội, nhất là trong việc tạo việc làm và sinh kế.