Cựu Tổng thống Brazil Lula da Silva. (Nguồn: AP)
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, việc ông Lula bị tòa án Brazil triệu tập để lấy lời khai vì tình nghi nhận hối lộ trong vụ Petrobras đã không được truyền hình trực tiếp và các phóng viên cũng không được vào dự vì lý do an ninh. Nội dung cuộc chất vấn sẽ chỉ được phát lại sau cuộc chất vấn kết thúc.
Cựu Tổng thống Lula tới tòa án theo triệu tập của ông Moro, để trả lời về những cáo buộc ông đã nhận một căn hộ hạng sang ở Sao Paulo là tiền hối lộ của công ty xây dựng để trả công vì đã giúp công ty này trong các hợp đồng làm ăn với Petrobras. Truyền hình Brazil đã đưa hình cựu Tổng thống Lula khi tới tòa án với sự hộ tống của cảnh sát.
Bên ngoài tòa án ở thành phố Curitiba, miền Nam Brazil, hàng nghìn người ủng hộ ông Lula đã tập trung nhằm bày tỏ tình đoàn kết với người sáng lập đảng Lao động (PT) và là một trong những ứng cử viên sáng giá của cuộc tổng tuyển cử năm 2018. Hàng trăm cảnh sát chống bạo động cũng được triển khai tại các đường phố lớn dẫn vào tòa án thành phố Curitiba nhằm đảm bảo an ninh.
Sự kiện ông Lula ra hầu tòa thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận bởi nếu bị kết luận có dính líu tới vụ bê bối Petrobras, ông sẽ không được quyền tranh cử vào năm tới, thậm chí có thể bị kết án tù.
Các vụ bê bối tham nhũng tại Petrobras bắt đầu bị phanh phui từ tháng 3/2014. Theo cảnh sát, đường dây này đã dùng khoảng 4 tỷ USD hối lộ nhiều chính trị gia và quan chức lãnh đạo của Petrobras.
Vụ bê bối làm rung chuyển chính trường Brazil và đã khiến nhiều quan chức của Petrobras cũng như nhiều chính trị gia chủ chốt của nước này bị truy tố.
Đến nay, hơn 100 cá nhân đã bị kết tội tham nhũng, rửa tiền và thành lập băng đảng, trong đó có hàng chục lãnh đạo từ các tập đoàn xây dựng và kỹ thuật hàng đầu Brazil. Khoảng 50 chính trị gia, trong đó có các hạ nghị sỹ, thượng nghị sỹ và thống đốc bang, thuộc diện bị điều tra.
Đầu tháng Tư, Tòa án Tối cao Brazil cũng cho phép tiến hành điều tra 8 bộ trưởng trong thành phần nội các của Tổng thống đương nhiệm Michel Temer, 71 nghị sỹ, 3 thống đốc bang, một thẩm phán và 24 chính trị gia khác vì tình nghi nhận hối lộ của tập đoàn xây dựng hàng đầu Brazil Odebrecht, tập đoàn có dính líu nhiều nhất trong vụ bê bối Petrobras./.