Mỹ điều tàu ngầm hạt nhân đến bán đảo Triều Tiên
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, để giảm khả năng bộc lộ trước các loại radar và thiết bị săn ngầm của đối phương, các tàu ngầm trên thế giới thường sử dụng một số phương thức tàng hình chính sau:
Tàng hình bằng độ sâu
Khi một tàu ngầm hoạt động càng sâu thì cũng có nghĩa là cơ hội mà lực lượng đối phương có được để đối phó và phát hiện cũng bị hạn chế.
Thông thường, lực lượng chống ngầm sử dụng hai phương thức để phát hiện tàu ngầm. Một là, sử dụng sonar thụ động để phát hiện dấu hiệu âm thanh bất cẩn của tàu ngầm. Hai là sử dụng sonar chủ động để phát và thu tín hiệu phản xạ từ vỏ tàu ngầm. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của công nghệ hiện nay, các tàu ngầm ngày càng chạy êm hơn, ít tiếng ồn từ động cơ hơn.
Các nhà khoa học cho rằng, tất cả các tàu ngầm mới đưa vào hoạt động trong vài năm trở lại đây có các mức tiếng ồn dưới 100dB, do đó dựa vào các đặc tính vật lý lan truyền sóng âm trong môi trường nước và mức tiếng ồn trung bình xung quanh, thì việc phát hiện một tàu ngầm hiện đại không thể thực hiện được ở khoảng cách hơn 1km.
Tàu ngầm hạt nhân của Mỹ. Ảnh: Thenationalinterest.com |
Sử dụng sơn phủ hấp thụ sóng âm
Cũng giống như máy bay, để giảm khả năng phản xạ lại sóng radar thăm dò của đối phương, các tàu ngầm hiện đại còn được phủ một lớp sơn hấp thụ sóng âm. Trở kháng âm học tương đương của các lớp phủ trong nước cho phép tiếng động dễ dàng hòa nhập vào lớp phủ này để chúng có thể giảm tới mức tối thiểu cường độ tín hiệu của tàu ngầm mục tiêu phản hồi về. Thông thường, các lớp phủ ban đầu có độ dày vào cỡ 5 - 7,5cm. Trong khi đó, đối với các tàu ngầm hiện đại, lớp phủ có thể dầy hơn một chút và dùng một loại vật liệu có tốc độ truyền âm chậm hơn, do đó làm cho lớp phủ có khả năng đối phó với các bước sóng lớn hơn mà các sonar 2 trạm và đa trạm sử dụng.
Lắp đặt thiết bị chống ồn trong thân tàu
Để giảm bộc lộ tiếng ồn, khi thiết kế tàu ngầm người ta còn lựa chọn những thiết bị chạy êm và được lắp thêm bệ chống rung, các bộ giảm thanh, các đường ống linh động và các đệm hấp thụ âm thanh để ngăn cản tiếng ồn do thiết bị đó phát ra.
Trong quá trình tàu ngầm di chuyển, nếu như bị rung lắc thì toàn bộ tiếng ồn từ các thiết bị này phát ra sẽ được khử rung và dẫn động qua các kết cấu để lan tỏa vào phần vỏ chịu áp và truyền lan vào nước.
Sử dụng phương thức triệt tiếng ồn chủ động
Bản chất của kỹ thuật này là bằng cách đo những tín hiệu phát chủ động của đối phương va đập vào thân tàu và sau đó phát lại lệch pha 180 độ nhằm xóa đi tín hiệu âm đó. Khó khăn trong việc áp dụng kỹ thuật này là sau một khoảng cách tương đối ngắn, các tín hiệu âm truyền tới mạn của tàu ngầm sẽ đập vào vỏ tàu từ nhiều hướng và ở các góc tới khác nhau do đó sẽ gây khó khăn cho việc phát lại tín hiệu một cách chính xác. Chính vì vậy, người ta thường áp dụng kỹ thuật này ở những cự ly xa.
Kết cấu bên trong tàu ngầm của Nga. Ảnh: Spacepropulsion.com |
Hạn chế tối đa nổi lên mặt nước
Các tính toán chỉ ra rằng, việc nhô ống thông hơi lên có thể làm tăng tiếng ồn lên từ 20 - 30dB và cự ly bị phát hiện cũng tăng lên từ 8 - 16 lần. Việc nhô ống thông hơi lên làm lộ diện tàu ngầm trước các phương tiện quan sát bằng mắt và bằng radar. Do đó, hạn chế tới mức tối đa việc phải nhô ống thông hơi thường xuyên lên mặt nước khi không cần thiết, bằng cách lắp đặt hệ thống đẩy không lệ thuộc vào không khí (AIP) đang là giải pháp được các cường quốc về tàu ngầm như Mỹ, Anh lựa chọn.
Ngoài ra, việc nhô ống thông hơi lên khỏi mặt nước được thực hiện rất nhanh bằng cách khi sử dụng các động cơ điêzen tua bin nạp tích điện công suất cao, các máy phát hiệu suất cao và ác quy Lithium-Ion cũng là một giải pháp đang được tính đến đối với các tàu ngầm thông thường hiện nay.