Đại biểu HĐND tỉnh đánh giá dư địa, “hiến kế” phát triển KT- XH năm 2021

(Baohatinh.vn) - Thẳng thắn nêu rõ những băn khoăn về các chỉ tiêu phát triển, đại biểu HĐND tỉnh Hà Tĩnh nhìn nhận thực chất nội tại, căn cứ vào đó để “hiến kế” những giải pháp phát triển sát đúng, phù hợp hơn.

Đại biểu HĐND tỉnh đánh giá dư địa, “hiến kế” phát triển KT- XH năm 2021

Đi từ con số để hoạch định giải pháp

Tham gia thảo luận tại Kỳ họp thứ 18 HĐND, nhiều đại biểu HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã trăn trở về các con số tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh để từ đó có đánh giá chính xác, xây dựng được giải pháp phát triển căn cơ, phù hợp.

Đại biểu HĐND tỉnh đánh giá dư địa, “hiến kế” phát triển KT- XH năm 2021

Đại biểu Đỗ Khoa Văn (Tổ đại biểu Vũ Quang) băn khoăn: công tác thống kê hiện nay vẫn phần nhiều mang tính định tính, độ tin cậy chưa cao. Do vậy, cần quan tâm vấn đề này để tạo độ chính xác trong việc xây dựng các mục tiêu phát triển trong thời gian tới. Đại biểu Trần Hậu Tám đặt câu hỏi liệu số liệu độ che phủ rừng có chính xác? Ngoài ra, một số số liệu báo cáo về thiệt hại mưa lũ, hạn hán chưa được thuyết phục, chưa sát thực tế, cần xem xét lại.

Liên quan đến tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP), tại phiên thảo luận tổ, nhiều ý kiến cho rằng, theo báo cáo, mưa lũ gây thiệt hại 5.327 tỷ đồng nhưng mức tăng trưởng vẫn dương (0,53%), con số này cần nhận định kỹ hơn.

Phân tích từ những con số để có những nhận định đúng trong xây dựng các mục tiêu tăng trưởng cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại kỳ họp. Đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga (Tổ đại biểu huyện Can Lộc) nêu ý kiến: Tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) theo số liệu công bố của Cục Thống kê ước tính là 0,53%; tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 4,42%/năm. Do đó, cần đánh giá đầy đủ các yếu tố tác động đến tăng GRDP để đưa ra mục tiêu tăng trưởng năm 2021 cho phù hợp.

Đại biểu HĐND tỉnh đánh giá dư địa, “hiến kế” phát triển KT- XH năm 2021

Đại biểu Lê Ngọc Huấn (Tổ đại biểu huyện Hương Khê) cũng đề nghị làm rõ thêm kết tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) 0,53% thì trong đó, số liệu về nông nghiệp, công nghiệp xây dựng dịch vụ đóng góp bao nhiêu trong (GRDP).

Các đại biểu cũng đề nghị làm rõ cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn để xây dựng một số chỉ tiêu như: Độ che phủ rừng trên 52% (ổn định qua nhiều năm); sản lượng lương thực trên 51 vạn tấn, trong khi hằng năm số công trình dự án đề nghị thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án phát triển KT-XH ngày càng nhiều, trong đó bao gồm cả một phần diện tích đất trồng lúa; bên cạnh đó, các yếu tố làm tăng năng suất không nhiều. Chính vì vậy, cơ sở để đưa ra các chỉ tiêu này phải được thuyết minh rõ và thuyết phục hơn.

Chỉ tiêu sản lượng lương thực trên 51 vạn tấn không thay đổi qua các năm, điều này đặt ra vấn đề cần khảo sát lại nhu cầu an ninh lương thực để có giải pháp trồng các loại cây khác, phục vụ nhu cầu phát triển - đại biểu Lê Ngọc Huấn (Tổ đại biểu huyện Hương Khê) đề xuất.

Về chỉ tiêu thu ngân sách nội địa của năm 2021 là 7.000 tỷ đồng và đạt trên 28.000 tỷ đồng vào năm 2025 (bình quân hàng năm tăng 34%), đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga (Tổ đại biểu huyện Can Lộc) cho rằng, đây là mức thu cao trong khi nguồn thu từ tiền sử dụng đất của các địa phương ngày càng giảm.

Xây dựng các giải pháp trên cơ sở nhìn nhận đúng dư địa

Trao đổi tại phiên thảo luận tổ, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng đồng tình với ý kiến của đại biểu về việc các số liệu về KT-XH cần đi vào thực chất; cần nhìn nhận rõ dư địa của Hà Tĩnh để xác định các chỉ tiêu, mục tiêu phù hợp với thực tiễn, đánh giá kỹ hạn chế để có quyết tâm, giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo sự phát triển bền vững trong thời gian tới.

Đại biểu HĐND tỉnh đánh giá dư địa, “hiến kế” phát triển KT- XH năm 2021

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga (Tổ đại biểu huyện Can Lộc) việc đánh giá các chỉ tiêu tăng trưởng cần đi vào thực chất, bám sát quy định của Tổng cục Thống kê; đánh giá sát thực tế phát triển của tỉnh, nhất là mức độ đóng góp từ khu vực sản xuất công nghiệp vào thu ngân sách nội địa (đặc biệt từ Formosa Hà Tĩnh, dầu khí Vũng Áng, Công ty Xăng dầu Hà Tĩnh, Bia Sài Gòn...); đồng thời, xem xét kỹ hơn kết quả thu hút đầu tư trong 5 năm vừa qua để làm rõ thuận lợi, khó khăn và giải pháp cho giai đoạn tới.

Nhìn nhận con số thu ngân sách năm 2021 cao so với điều kiện thực tiễn của tỉnh, đại biểu Nga nêu ý kiến: Trước thực trạng thu ngân sách ngày càng khó khăn, phải bổ sung nhóm giải pháp mạnh hơn; trong đó có giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất tạo nguồn thu ngân sách bền vững.

Giải pháp mạnh để thu hút đầu tư, theo cách nói của đại biểu đại biểu Nguyễn Xuân Lâm (Tổ đại biểu thành phố Hà Tĩnh) thì cần trải thảm đỏ với chính sách thông thoáng, đầu tư hạ tầng đường điện để xây dựng các cụm công nghiệp để biến những vùng đất đai bạc màu, khô cằn thành những nhà máy tạo việc làm cho người dân, tăng thu ngân sách.

Đại biểu HĐND tỉnh đánh giá dư địa, “hiến kế” phát triển KT- XH năm 2021

Trong khi đó, đại biểu Đặng Văn Thành (Tổ đại biểu thị xã Kỳ Anh) khi đánh giá lộ trình xây dựng đô thị trung tâm phía Nam của tỉnh đã khẳng định, việc đánh giá đúng tình hình sẽ giúp thị xã Kỳ Anh xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Theo đó, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng theo hướng xây dựng hạ tầng nông thôn tiệm cận các tiêu chí đô thị. Gắn phát triển đô thị với mục tiêu đạt tiêu chí thành phố vào năm 2025. Tìm cơ chế, cách làm, năng động sáng tạo trong huy động nguồn lực xã hội hoá đầu tư xây dựng đô thị, đặc biệt là cơ chế hỗ trợ, khuyến khích Nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh trang đô thị gắn với đẩy mạnh phong trào xây dựng đô thị văn minh, tuyến phố minh đô thị.

Những con số được phân tích, mổ xẻ kỹ càng cũng là cơ sở để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất để gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao đời sống người dân, tích cực nhân rộng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu.

Đại biểu HĐND tỉnh đánh giá dư địa, “hiến kế” phát triển KT- XH năm 2021

Đại biểu Nguyễn Thị Nhi (Tổ đại biểu Nghi Xuân) đề xuất các giải pháp phát triển nông nghiệp.

Theo đó, nhiều đại biểu cho rằng để đạt chỉ tiêu giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích trên 93 triệu đồng/ha là không dễ, cần có các giải pháp quyết liệt, sáng tạo. Đại biểu Nguyễn Thị Nhi (Tổ đại biểu Nghi Xuân) đề xuất: Cần có chính sách đẩy mạnh các ứng dụng sản xuất công nghệ cao như nuôi tôm trên cát, chăn nuôi trang trại tập trung; phát triển kinh tế cần có chính sách coi trọng phát triển sản xuất nông nghiệp, tích tụ ruộng đất, chú trọng đưa các loại giống, cây con có chất lượng, phù hợp với từng vùng, miền, đưa các hệ thống thiết bị công nghệ kỹ thuật cao vào sản xuất nông nghiệp đem lại giá trị sản phẩm có tính hàng hóa, mang lại lợi ích kinh tế cao.

Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu Đỗ Khoa Văn (Tổ đại biểu huyện Vũ Quang) cho rằng: Cần đổi mới căn bản, lấy giá trị làm chuẩn trong sản xuất nông nghiệp, cần một ngành nông nghiệp thực sự “thông minh”.

Đại biểu HĐND tỉnh đánh giá dư địa, “hiến kế” phát triển KT- XH năm 2021

Bên cạnh đó, một số ý kiến thảo luận của các đại biểu HĐND tỉnh đề nghị cần đánh giá chính xác mức độ ảnh hưởng của bão lũ đến xây dựng NTM, phát triển sản xuất, hoạt động của doanh nghiệp để có chính sách hỗ trợ hiệu quả, đồng thời cần tập trung nhiều giải pháp mạnh mẽ để tạo sức bật mới cho phát triển KT-XH tỉnh nhà trong năm 2021- năm tạo đà cho cả nhiệm kỳ 2020-2025.

Chủ đề HĐND tỉnh Hà Tĩnh

Chủ đề Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh Hà Tĩnh

Đọc thêm

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải ghi nhận các ý kiến tâm huyết của cử tri và giao các sở, ngành Hà Tĩnh và các địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân

Chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân

Lãnh đạo tỉnh, ngành cấp tỉnh mong muốn bà con nhân dân tiếp tục xây dựng khối đại đoàn kết ngày càng bền vững, cùng nhau góp sức xây dựng đô thị thị xã Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh văn minh, hiện đại.