Sáng ngày 8/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Hội nghị đại biểu hoạt động chuyên trách đã thảo luận về Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Sau khi Trưởng ban Soạn thảo Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình tóm tắt và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo tóm tắt một số ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận. |
Trưởng ban Soạn thảo Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình tóm tắt Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) được xây dựng nhằm quy tắc hóa những cải tiến, đổi mới trong công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, quy trình, thủ tục xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp đã được thực tiễn kiểm nghiệm; bảo đảm tăng cường tính dân chủ, pháp quyền, tính chuyên nghiệp, chủ động trong hoạt động của Quốc hội; phân định rõ thẩm quyền, đề cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia kỳ họp Quốc hội, tạo thuận lợi cho ĐBQH thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tại kỳ họp.
Các đại biểu cho rằng, việc tiếp tục đổi mới, cải tiến quy trình, cách thức tiến hành kỳ họp (hình thức hoạt động chủ yếu, quan trọng nhất của Quốc hội) là nhân tố quan trọng đóng góp vào quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Quang cảnh phiên họp sáng nay.
Các đại biểu tập trung cho ý kiến về: Quyền tranh luận của ĐBQH; nguyên tắc, tiêu chí tranh luận trong hoạt động chất vấn; tiêu chí, điều kiện để điều hành phiên họp được linh hoạt điều chỉnh, rút ngắn thời gian phát biểu của ĐBQH, mời ĐBQH phát biểu, chất vấn, tranh luận không theo thứ tự đã đăng ký; thẩm quyền tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết về các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội; nội dung, quy trình, thủ tục xây dựng Nghị quyết kỳ họp của Quốc hội…
Tham gia góp ý, Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cơ bản thống nhất với Tờ trình và báo cáo một số ý kiến về dự thảo, đồng thời tham gia góp ý một để điều chỉnh kết cấu của dự thảo Nghị quyết phù hợp và đầy đủ hơn.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ tham gia góp ý một số nội dung quan trọng vào dự thảo Nghị quyết.
Theo đại biểu Luật tổ chức Quốc hội quy định chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội (Điều 4 đến Điều 20), dự thảo Nghị quyết Nội quy kỳ họp cũng đã quy định chi tiết các nội dung về quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế xã hội, bầu các chức danh trong bộ máy nhà nước, phê chuẩn các chức danh, bổ nhiệm, miễn nhiệm, tín nhiệm, quyết định thành lập, bãi bỏ cơ quan chính quyền, thành lập, giải thể, nhập, chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính, quyết định chiến tranh hòa bình.
Tuy nhiên, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng làm luật, sửa đổi luật và giám sát tối cao là hai nội dung quan trọng của đất nước, chiếm phần lớn thời gian đồng thời được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân thì chưa được Dự thảo Nghị quyết quy định cụ thể.
Đồng thời, đại biểu cho rằng hồ sơ trình Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế xã hội không liên quan nhiều đến nội quy kỳ họp nhưng lại được quy định chi tiết trong dự thảo.
Từ những phân tích đó, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị Ban soạn thảo nên cân nhắc, bổ sung quy định về nội dung làm, sửa đổi luật và hoạt động giám sát, trong đó nêu rõ các nội dung này đã được quy định tại văn bản pháp luật khác để đảm bảo tính toàn diện, bao quát hơn.
Sau phiên thảo luận, cơ quan trình sẽ thiếp thu, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu để hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4.