Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh thảo luận góp ý về Luật Thanh tra

(Baohatinh.vn) - Tại hội nghị đại biểu hoạt động chuyên trách thảo luận một số dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia đã tham gia góp ý một số nội dung cụ thể vào dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)

Sáng 7/9, tại Hội trường Diên Hồng, Quốc hội tổ chức khai mạc hội nghị đại biểu hoạt động chuyên trách thảo luận một số dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Dự phiên khai mạc có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và phát biểu khai mạc hội nghị.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Trần Đình Gia cùng tham gia.

Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh thảo luận góp ý về Luật Thanh tra

Toàn cảnh hội nghị

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách không chỉ là một quy trình trong hoạt động lập pháp, mà còn là diễn đàn thể hiện rõ nhất quyền và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Việc tổ chức hội nghị là cần thiết, thể hiện quyết tâm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm phát huy tối đa vai trò, trí tuệ, tính dân chủ của đại biểu Quốc hội chuyên trách trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật; phù hợp với xu hướng đổi mới, hoạt động ngày càng chuyên nghiệp của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh thảo luận góp ý về Luật Thanh tra

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khai mạc hội nghị.

Sau phiên khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

Các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận một số nội dung như: Hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính; giải pháp đảm bảo tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động thanh tra; việc thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành tại tổng cục, cục thuộc bộ và tại cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác của Nhà nước được giao thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước; tiêu chí thành lập cơ quan thanh tra tại một số sở và thẩm quyền thành lập; quy trình thanh tra, cơ chế phối hợp, xử lý để tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra, kiểm toán…

Tham gia thảo luận tại hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia thống nhất cao với nội dung trong báo cáo tiếp thu, giải trình chỉnh lý và bản dự thảo luật cập nhập gửi đến ĐBQH; đồng thời, tham gia góp ý một số nội dung cụ thể vào dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

Về hệ thống cơ quan thanh tra, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh nhất trí việc giữ nguyên hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, trong đó có thanh tra huyện như hiện hành. Đồng thời, đề xuất chuyển thanh tra một số sở hiện tại về thanh tra tỉnh để thành lập các phòng thanh tra chuyên ngành; quy định chỉ thành lập thanh tra sở tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định ngay trong luật.

Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh thảo luận góp ý về Luật Thanh tra

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Trần Đình Gia phát biểu tham gia góp ý Luật Thanh tra (sửa đổi)

Đại biểu cho rằng bộ máy thanh tra của một số sở, ngành hiện tại số lượng ít, trình độ chuyên sâu và hiệu lực hiệu quả còn hạn chế, hoạt động chồng chéo, gây phiền hà, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra.

Vì vậy, đề nghị phân cấp nhiều hơn cho thanh tra huyện; sớm hướng dẫn về tổ chức bộ máy, bố trí tăng đủ biên chế và tập trung nâng cao chất lượng để đảm bảo hiệu quả cho thanh tra huyện hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Về thẩm quyền, đề nghị xem xét không quy định thẩm quyền của chánh thanh tra sở, chánh thanh tra tổng cục và chánh thanh tra cục trong việc ban hành quyết định thanh tra và kết luận thanh tra, theo đó quy định vai trò tham mưu để tổng cục trưởng, cục trưởng và giám đốc sở ban hành quyết định thanh tra, kết luận thanh tra.

Về bổ nhiệm chánh thanh tra, trích dẫn điều 26 dự thảo quy định “Chánh thanh tra tỉnh do chủ tịch UBND cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Tổng Thanh tra Chính phủ”, Phó Trưởng đoàn đề nghị cần xem xét lại vì theo Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về luân chuyển cán bộ thì tiến tới lộ trình quy định chánh thanh tra tỉnh không phải là người địa phương nên sẽ khó khăn trong tổ chức thực hiện.

Về thông báo công bố quyết định thanh tra, tại điều 61 dự thảo quy định “Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến đối tượng thanh tra về việc công bố quyết định thanh tra; văn bản thông báo phải nêu rõ thời gian, địa điểm, thành phần tham dự”.

Đại biểu Trần Đình Gia cho rằng, nội dung này quy định đối với các cuộc thanh tra chuyên ngành là chưa phù hợp vì đặc thù của cuộc thanh tra chuyên ngành là để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý, nếu thông báo trước cho đối tượng thanh tra thì dễ xảy ra việc đối tượng sẽ tẩu tán, phi tang các chứng cứ vi phạm.

Ngoài ra, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đề nghị xem xét bổ sung điều khoản về trường hợp, phạm vi, thẩm quyền, quy trình sửa đổi kết luận thanh tra, do trong thực tế nhiều kết luận thanh tra phải điều chỉnh, sửa đổi vì lý do khách quan và chủ quan để đảm bảo tính khả thi trong thực tế.

Sau phiên thảo luận, cơ quan trình, cơ quan chủ trì thẩm tra đã báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, đồng thời tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4.

Chủ đề HĐND tỉnh Hà Tĩnh

Đọc thêm