Đậm tình tết Việt trong lòng những người con xa xứ

(Baohatinh.vn) - Dẫu ở phương xa nhưng những người con Hà Tĩnh nói riêng và người Việt ở nước ngoài nói chung vẫn luôn đau đáu nhớ hương vị, không khí đoàn viên mỗi khi tết đến, xuân về nơi quê nhà yêu dấu. Bởi vậy, tết Việt luôn đậm tình trong lòng những người con xa quê…

Chị Trần Thị Nga (SN 1993, ở tỉnh Saitama, Nhật Bản): Nhớ lắm tết quê nhà!

Đây là năm thứ 3 tôi đón tết xa quê. Nơi đất khách quê người, tôi nhớ da diết cái tết ở quê nhà Kỳ Long (TX Kỳ Anh). Nơi ấy, có gia đình yêu thương của tôi, có những người hàng xóm nghĩa tình.

Dù ở Nhật Bản, tôi cùng với những người bạn đồng hương Hà Tĩnh cũng chuẩn bị các món ăn cổ truyền như: bánh chưng, giò chả, dưa hành... để vơi đi cảm giác nhớ nhà, nhớ tết.

Đậm tình tết Việt trong lòng những người con xa xứ

Chị Trần Thị Nga (tỉnh Saitama, Nhật Bản).

Càng giáp tết, ai cũng ngậm ngùi nỗi nhớ, niềm mong và ước có được những phút giây quây quần bên gia đình. Mỗi lần gọi điện thoại, nhìn thấy đôi mắt buồn của cha mẹ khi biết rằng tết này tôi vẫn chưa về mà lòng ngậm ngùi khôn tả…

Năm qua, khó khăn từ đại dịch COVID-19, rồi đồng yên mất giá đã khiến đời sống của những thực tập sinh như chúng tôi càng thêm phần vất vả, số tiền gửi về giúp đỡ gia đình chẳng được bao nhiêu. Thế nên, dù tết đến, xuân về, tôi cũng chẳng dám ngơi nghỉ mà tự nhủ bản thân phải cố gắng nhiều hơn nữa để sớm trở về quê hương đoàn tụ cùng gia đình, ăn bữa cơm đoàn viên ngày tết.

Chị Nguyễn Thị Hiền (SN 1989, ở tỉnh Cuanza Sul, Angola): Ấm tình người Việt ở châu Phi.

Dẫu đã có vài lần trở về quê thăm các con cùng mẹ già tại quê hương Cẩm Xuyên nhưng vợ chồng tôi chưa có lần nào về quê đúng dịp tết. Cứ thế, 10 cái tết gia đình tôi chưa thể đoàn viên. Mỗi khi xuân về, xem bạn bè đăng ảnh lên mạng, xem báo đài đưa tin, vợ chồng tôi đều thấy nhớ quê vô cùng. Nhưng nhờ sự đùm bọc, tình cảm ấm áp nghĩa tình của cộng đồng người Việt tại Angola, vợ chồng tôi phần nào vơi đi cảm giác nhớ quê nhà.

Đậm tình tết Việt trong lòng những người con xa xứ

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hiền và anh Nguyễn Văn Tùng (tỉnh Cuanza Sul, Angola).

Ở bên này, ngày tết, gia đình tôi sẽ cùng những người Việt khác tự tay ngâm gạo nếp, rửa lá chuối để gói bánh chưng hay trang trí nhà cửa đậm chất tết Việt. Dù xa quê song chúng tôi vẫn giữ phong tục của cha ông khi cúng ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp hay chuẩn bị mâm cơm cúng tất niên và chúc nhau những điều tốt đẹp nhất vào năm mới.

Trong những ngày tết, vợ chồng tôi và nhiều gia đình người Việt có con, cháu được sinh ra tại Angola đều kể cho thế hệ sau hiểu hơn về những phong tục, tập quán đón tết của ông cha; hướng dẫn từ việc gói bánh chưng, dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ gia tiên cho đến việc đi chúc tết, lì xì đầu năm… Nhờ vậy, tết xa mà hóa gần, nỗi nhớ gia đình, quê hương cũng nguôi ngoai phần nào, tết thêm phần ấm áp, trọn vẹn yêu thương.

Chị Lê Thị Hải Hà (SN 1964, Việt kiều ở California, Mỹ): Thích nhất ngày tết được diện áo dài Việt Nam.

Năm nay là năm thứ 10 tôi đón tết Việt ở California. Những năm đầu tôi nhớ da diết khung cảnh tết ở TP Hồ Chí Minh với những đào, mai, cây cảnh và hoa bạt ngàn, với phố xá thân quen và những người thân yêu của mình. Giờ thì tôi đã bắt đầu quen với tết ở nơi này, bởi ở đây cũng có hoa đào, hoa cúc, có không khí tết.

Chúng tôi cũng tổ chức tết Việt tại gia đình, mua bánh chưng, làm các món ăn ngày tết để đỡ nhớ quê. Các con tôi rất thích ăn các món ăn truyền thống Việt Nam như nem rán, giò lụa, thịt đông... Những giờ phút đầu tiên của năm mới, chúng tôi gọi điện về Việt Nam chúc tết ba mẹ, gia đình các em và nhắn tin chúc mừng năm mới bạn bè.

Đậm tình tết Việt trong lòng những người con xa xứ

Gia đình chị Lê Thị Hải Hà (bang California, Mỹ).

Điều tôi thích nhất là được diện những bộ áo dài Việt Nam, đủ các kiểu dáng, màu sắc để vẻ đẹp quê hương luôn ngời lên nơi đất khách. Sưu tập áo dài Việt Nam là niềm đam mê của tôi. Tôi có bộ sưu tập mấy chục chiếc áo dài và đương nhiên, bộ đẹp nhất, sang trọng nhất sẽ được chọn mặc dịp này để dạo chơi, thăm và chúc tết bà con Việt kiều. Con gái tôi và nhiều phụ nữ Việt ở đây cũng diện áo dài trong dịp tết.

Qua Báo Hà Tĩnh, tôi xin gửi lời chúc tết tới bạn bè ở Việt Nam, chúc tất cả mọi người đều mạnh khỏe, an khang, đón năm mới thật nhiều niềm vui. Mong quê hương Việt Nam ngày càng đổi mới và phát triển.

Anh Đào Văn Thuấn (SN 1961, Việt kiều ở thành phố Koblenz, Đức): Tết Việt là dịp để gắn kết bà con xa xứ.

Quê tôi ở Hưng Yên, gia đình tôi định cư hơn 30 năm tại thành phố Koblenz, lâu lắm rồi tôi không có dịp về quê ăn tết. Cộng đồng người Việt ở đây hằng năm vẫn tổ chức đón tết, vui xuân để mọi người thêm gắn kết, trẻ em hiểu về giá trị văn hóa của tết Việt, khích lệ chị em phụ nữ giữ gìn nét đẹp truyền thống Việt Nam, còn các gia đình thì có những giờ phút vui vẻ bên nhau…

Đậm tình tết Việt trong lòng những người con xa xứ

Anh Đào Văn Thuấn (thành phố Koblenz, Đức).

Năm nay, tôi sẽ đến thành phố Frankfurt tham dự ngày tết Việt Nam do Đại sứ quán Việt Nam tại Đức tổ chức. Tôi rất háo hức. Bằng nhiều hoạt động, tôi đã và sẽ góp sức tạo nên tinh thần đoàn kết trong các hội đoàn người Việt tại nơi mình sinh sống, vận động người Việt ủng hộ bằng tinh thần và vật chất cho các phong trào xây dựng đất nước của Nhân dân Việt Nam. Cầu mong quê hương Việt Nam ngày càng thịnh vượng và phát triển.

Chủ đề Người Hà Tĩnh ở nước ngoài

Đọc thêm

Kết nối, lan tỏa nét đẹp người Hà Tĩnh ở muôn phương

Kết nối, lan tỏa nét đẹp người Hà Tĩnh ở muôn phương

Những cuộc gặp mặt, kết nối sinh viên, thanh niên, doanh nhân quê Hà Tĩnh ở 3 miền đất nước không chỉ nối vòng tay thấm đượm nghĩa tình quê hương mà còn lan tỏa giá trị văn hóa, con người mảnh đất núi Hồng, sông La.
Người Hà Tĩnh trên quê hương Bình Thuận

Người Hà Tĩnh trên quê hương Bình Thuận

Trải qua 30 năm thành lập (1994-2024) dù ở đâu, làm việc gì, ở cương vị nào, những người con của Hà Tĩnh tại Bình Thuận cũng luôn yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Nhà vô địch thế vận hội Lê Văn Công: “Tôi muốn tự làm đẹp cuộc đời mình”

Nhà vô địch thế vận hội Lê Văn Công: “Tôi muốn tự làm đẹp cuộc đời mình”

Khép lại một năm thi đấu thành công, đô cử Lê Văn Công giữ vững vị thế thống trị ở hạng cân 49 kg xuyên suốt 7 kỳ ASEAN Para Games liên tiếp từ năm 2007 đến nay. Trong niềm vui đón xuân mới, người đàn ông được mệnh danh là “lực sĩ thép” đặt ra những mục tiêu tiếp tục được khẳng định mình và cống hiến cho quê hương, đất nước.
Những “cánh chim bằng” ở hai ngôi trường bách khoa nổi tiếng

Những “cánh chim bằng” ở hai ngôi trường bách khoa nổi tiếng

Trong những ngày mùa đông phương Nam nắng mưa khoan nhặt, chúng tôi đã có dịp gặp hai “cánh chim bằng” người Hà Tĩnh, là thủ lĩnh những ngôi trường bách khoa ở 2 đầu đất nước. Đó là GS.TS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội và PGS.TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh.
Tết Việt trong lòng người Hà Tĩnh xa quê

Tết Việt trong lòng người Hà Tĩnh xa quê

Tết cổ truyền luôn là dịp lễ trọng đại và thiêng liêng để những người Việt sống, lao động, học tập trên khắp thế giới nói chung và những người con Hà Tĩnh xa quê nói riêng hướng lòng mình về quê cha đất tổ.
Đón tết sớm trên Nhà giàn DK1

Đón tết sớm trên Nhà giàn DK1

Với sự có mặt của đoàn công tác Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, không khí xuân đã rộn ràng trên khắp nhà giàn DK1/10 với những chậu quất, cành mai rực rỡ sắc vàng...