Bảo hiểm Xã hội huyện Lộc Hà hiện có 18 cán bộ, nhân viên (CBNV). Địa bàn đông dân cư, khối lượng công việc nhiều khiến CBNV của đơn vị thường xuyên phải làm việc ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ.
Cán bộ, nhân viên BHXH huyện Lộc Hà phải đảm nhận một khối lượng công việc khá lớn.
Giám đốc BHXH huyện Lộc Hà - Ngô Đức Quyền cho biết: “Để thực hiện các chiến dịch về bảo hiểm, hầu hết CBNV đều được huy động tham gia. Do thường xuyên phải triển khai trong các ngày nghỉ, dịp lễ nên lãnh đạo đơn vị và BCH Công đoàn phải phối hợp thông báo công khai kế hoạch công việc, lấy ý kiến đóng góp từ người lao động để bố trí hợp lý, thuận tình nhất”.
Cán bộ, nhân viên BHXH huyện Lộc Hà được phổ biến thông tin, tham gia đóng góp ý kiến trong các cuộc họp.
Bên cạnh đó, sự dân chủ trong quá trình làm việc ở đơn vị còn được thể hiện thông qua việc CBNV được nắm bắt, bàn bạc, cho ý kiến về quy chế chi tiêu và các hoạt động chung của cơ quan; hằng tháng, bảng lương và các chế độ chính sách được gửi công khai lên nhóm nội bộ. Nhờ đó, những vướng mắc phát sinh trong quá trình làm việc kịp thời được giải quyết, tư tưởng của CBNV ổn định để tập trung cho công việc chuyên môn. Nhiều năm liền, BHXH huyện Lộc Hà là đơn vị nằm trong top dẫn đầu của BHXH toàn tỉnh; được nhận cờ thi đua của BHXH Việt Nam.
Những năm qua, việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở Trường Hội nhập quốc tế Ischool Hà Tĩnh cũng được thực hiện nghiêm túc, bài bản dù đây là cơ sở giáo dục tư thục thuộc hệ thống tập đoàn có trụ sở chính tại TP Hồ Chí Minh.
Hội nghị người lao động được Trường Hội nhập quốc tế iSchool Hà Tĩnh tổ chức hàng năm là diễn đàn quan trọng để cán bộ, giáo viên đề xuất ý kiến lên lãnh đạo.
Cô Nguyễn Thị Thủy - Chủ tịch Công đoàn, Trường Hội nhập quốc tế iSchool Hà Tĩnh cho biết: “Tại hội nghị người lao động hằng năm hay các cuộc họp định kỳ, cán bộ, giáo viên được thoải mái bày tỏ tâm tư nguyện vọng, đóng góp ý kiến. Ban giám hiệu và ban chấp hành công đoàn trường có trách nhiệm tiếp thu và đề xuất lên lãnh đạo tập đoàn để kịp thời giải đáp”.
Những năm gần đây, trong khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, cán bộ, giáo viên nhà trường được tập đoàn quan tâm, hỗ trợ; được đóng 100% bảo hiểm, các chế độ phúc lợi đều đảm bảo. Nhờ đó, tỷ lệ cán bộ, giáo viên gắn bó với nhà trường ngày càng cao và cống hiến hết mình cho công tác dạy học.
Bên cạnh các cơ quan, trường học, các doanh nghiệp cũng đặc biệt chú trọng thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, đối thoại tại nơi làm việc.
Trong thời kỳ dịch bệnh, Công ty CP Bao bì Sông La Xanh không bị biến động lớn về lao động.
Công ty CP Bao bì Sông La Xanh (Đức Thọ) thành lập và đi vào hoạt động hơn 3 năm nay. Đó cũng là quãng thời gian mà hầu hết các doanh nghiệp chịu tác động lớn bởi dịch COVID-19. Trong thời điểm khó khăn đó, lãnh đạo công ty, BCH công đoàn luôn sâu sát, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của công nhân. Các bên liên quan cũng thường xuyên phối hợp tổ chức các cuộc đối thoại định kỳ theo quý, hội nghị người lao động hằng năm để giải quyết những vướng mắc.
Công đoàn thường xuyên sâu sát nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động của công ty.
Chị Nguyễn Thị Mai Phương - công nhân bộ phận dệt đai chia sẻ: “Chương trình đối thoại và hội nghị người lao động là diễn đàn để chúng tôi được bày tỏ ý kiến, đề xuất những quyền lợi chính đáng. Sau mỗi lần đối thoại, lãnh đạo công ty tiếp thu rất nghiêm túc và giải đáp các vấn đề thỏa mãn mong muốn của người lao động”.
Nhờ thực hiện quy chế dân chủ một cách công khai, thẳng thắn, người lao động yên tâm gắn bó hơn với doanh nghiệp. Ông Phan Trí Tâm - Phó Giám đốc Công ty cho biết: “Trong thời gian dịch bệnh, doanh nghiệp gần như không biến động về lao động. Từ đầu năm đến nay, công ty đã nhận được hơn 100 hồ sơ xin tuyển dụng của lao động địa phương và các vùng lân cận. Năm nay, công ty phấn đấu đạt chỉ tiêu 200 triệu vỏ bao, doanh thu 230 tỷ đồng; đảm bảo việc làm, thu nhập khá cho người lao động”.
Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở là yếu tố quan trọng để người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp
Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở là một trong những yếu tố quan trọng để duy trì môi trường làm việc an toàn, ổn định tại cơ quan, doanh nghiệp. Theo thống kê của LĐLĐ tỉnh, từ đầu năm đến nay, đã có 1.062 cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và 324 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phối hợp xây dựng quy chế dân chủ cơ sở. Trong đó, 1.034 đơn vị tổ chức hội nghị CBCCVC; 308 doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động; hơn 300 đơn vị đối thoại với người lao động; 29 đơn vị ký kết thỏa ước lao động tập thể...
LĐLĐ huyện Thạch Hà tổ chức tập huấn cho lãnh đạo và cán bộ công đoàn các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn về nội dung triển khai quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc.
Đa số các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã quan tâm thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc. Hội nghị CBCCVC - NLĐ ngày càng được nâng cao chất lượng, thực hiện tốt quyền được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra của đoàn viên, người lao động. Thời gian tới, LĐLĐ tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp hiệu quả với chuyên môn, triển khai các giải pháp thực hiện có hiệu quả nội quy, quy chế, nghị quyết; khắc phục tình trạng dân chủ hình thức nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người lao động.
Tin liên quan: