Số đồng tiền vừa được phát hiện
Nghiên cứu bước đầu của Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, đây là những đồng xu bằng đồng niên đại thế kỷ X-XVIII. Các đồng tiền dạng hình tròn tượng trưng cho trời, giữa đục lỗ vuông tượng trưng cho đất; được đúc thủ công khá tinh xảo.
Tiền có hai mặt, một mặt để trơn, một mặt đúc nổi bốn chữ Hán cổ thể chân thư ghi niên hiệu đời vua, triều đại đúc tiền và loại tiền lưu thông, kích thước đường kính đồng tiền bình quân 2,5cm, lỗ vuông cạnh 0,5cm.
Trong số tiền trên, chủ yếu là tiền niên hiệu thời Cảnh Hưng, vua Lê Hiển Tông, thời Lê Trung Hưng, Việt Nam được đúc vào giai đoạn 1740 - 1780 và tiền xuất xứ Trung Quốc, Nhật Bản.
Tiền Việt Nam có tiền Cảnh Hưng thông bảo, Cảnh Hưng đại bảo, Cảnh Hưng tuyền bảo, Cảnh Hưng cự bảo, Cảnh Hưng vĩnh bảo, Cảnh Hưng trọng bảo; Chiêu Thống thông bảo (1786-1788), vua Lê Chiêu Thống, vị vua cuối cùng của nhà Lê Trung Hưng.
Tiền Trung Quốc có tiền Càn Long thông bảo (1736 - 1795), đời vua Thanh Cao Tông, thời nhà Thanh, Lợi Dụng thông bảo, Hồng Hóa thông bảo (=>1644), thời mạt Minh sơ Thanh, Khang Hy thông bảo (1662 1722), đời vua Thanh Thánh Tổ; Tường Phù thông bảo, nhà Bắc Tống (960-1127).
Tiền mậu dịch Nhật Bản Nguyên Phong thông bảo, thế kỷ XVI-XVII được đúc chỉ dùng để lưu thông, trao đổi với ngoại quốc.
Việc phát hiện số tiền xu trên giúp các nhà nghiên cứu khảo cổ, lịch sử, bảo tàng tìm hiểu quá trình giao thương buôn bán, trao đổi hàng hóa, tiền tệ nội địa cũng như ngoại thương cách ngày nay hơn 200 năm tại địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.