Người ủng hộ giáo sĩ Sadr tập trung bên ngoài và trên ban công trụ sở chính phủ ở Vùng Xanh, thủ đô Baghdad, ngày 29/8. Ảnh: AFP
Tiếng súng máy và nhiều tiếng nổ vang lên đêm 29/8, đạn vạch đường rực sáng trên bầu trời Vùng Xanh, nơi đặt trụ sở chính phủ Iraq và các đại sứ quán nước ngoài, trong trận giao tranh nghiêm trọng nhất nhiều năm qua tại thủ đô Baghdad.
Các cuộc đụng độ vũ trang nổ ra khi người ủng hộ giáo sĩ Hồi giáo dòng Shi"ite quyền lực Moqtada al-Sadr xông vào phủ tổng thống, khiến ít nhất 17 người chết, hơn 350 người bị thương.
Giới chức an ninh cho hay các thành viên của Lữ đoàn Hòa bình, lực lượng dân quân do Sadr lãnh đạo đã đấu súng với lực lượng an ninh Iraq có nhiệm vụ bảo vệ Vùng Xanh. Một số nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn cũng có thể đã tham gia cuộc đụng độ.
Hiện chưa rõ phe nào nổ súng trước trong trận đụng độ tối 29/8. Quân đội Iraq đã áp lệnh giới nghiêm toàn quốc, kêu gọi người biểu tình rời Vùng Xanh.
Bạo lực nổ ra sau khi giáo sĩ Sadr tuyên bố rút khỏi mọi hoạt động chính trị, nhằm đáp trả việc các lãnh đạo và đảng phái dòng Shi"ite thất bại trong cải tổ hệ thống quản lý đất nước tham nhũng và mục nát.
Sau cuộc đụng độ ở Vùng Xanh, Sadr tuyên bố tuyệt thực để phản đối các bên sử dụng vũ khí.
Giáo sĩ này là một trong những lãnh đạo tôn giáo có ảnh hưởng nhất ở Iraq, dù không giữ bất kỳ chức vụ nào trong chính phủ. Ông thu hút ủng hộ bằng cách phản đối Mỹ và Iran gây ảnh hưởng lên chính trị Iraq.
Phong trào Sadrist, phe do Sadr lãnh đạo, chiếm đa số ghế trong cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 10/2021. Tuy nhiên, Hội đồng Đại biểu Iraq sau đó không thể thành lập chính phủ liên minh ổn định hay bầu ra tân tổng thống, khiến chính trường Iraq lâm vào khủng hoảng.
73 nghị sĩ quốc hội thân Sadr ngày 13/6 từ chức, khiến liên minh các đảng do Iran hậu thuẫn và Thủ tướng Nouri al-Maliki dẫn dắt tăng lên 130 ghế trong quốc hội.
Bế tắc chính trị giữa Sadr và các đối thủ Hồi giáo dòng Shi"ite, chủ yếu được Iran hậu thuẫn, khiến Iraq rơi vào vòng xoáy bạo lực, trong bối cảnh nước này đang chật vật hồi phục sau nhiều thập kỷ chiến tranh, xung đột và nạn tham nhũng.
Theo Hồng Hạnh/VNE (Reuters/AFP)