Hà Tĩnh đang sở hữu một hệ thống cảng biển để trở thành vùng trung chuyển hàng hóa và dịch vụ của cả khu vực.
Theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, khu vực cảng biển Hà Tĩnh thuộc nhóm II, trong đó, Sơn Dương - Vũng Áng là cảng chuyên dùng và tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực gồm các bến chức năng. Ngoài ra, Hà Tĩnh còn có hệ thống cảng chuyên dùng, vệ tinh cho cảng chính như: Xuân Hải (công suất 250.000 tấn/năm, trọng tải tàu tối đa cho phép là 2.000 DWT), Cửa Sót, Cửa Hội.
Cảng Vũng Áng nằm trong Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là 1 trong 5 KKT ven biển của cả nước để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, giai đoạn 2013 - 2015. Khu bến này hiện có 6 cầu cảng đang hoạt động.
Bến (cầu) số 1 và 2 cảng Vũng Áng được xây dựng, đưa vào khai thác năm 2001 và năm 2010 với tổng công suất thiết kế 1,32 triệu tấn hàng hóa thông qua/năm, cho phép tàu có trọng tải đến 45.000 DWT hoạt động, với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Theo ông Dương Thế Cường - Giám đốc Công ty CP Cảng Vũng Áng Việt - Lào: Những năm gần đây, bến số 1 và 2 cảng Vũng Áng luôn trong tình trạng quá tải, vượt công suất thiết kế...
Được biết, từ năm 2013 - 2016, bình quân bến cảng số 1 và 2 đạt công suất gần 2,5 triệu tấn với gần 300 lượt tàu/năm. 5 tháng đầu năm 2017 đã có trên 51 lượt tàu ra vào cảng với trên 843.636 tấn hàng hóa thông qua. Ngoài hàng hóa Việt Nam, mỗi năm, cảng Vũng Áng đã tiếp nhận gần 1 triệu tấn hàng hóa của nước bạn Lào qua cảng... Đặc biệt, hiện có nhiều doanh nghiệp của Thái Lan, Trung Quốc cùng một số nước khác đang tìm hiểu cảng Vũng Áng để mở tuyến hàng…
Xếp dỡ hàng container tại Cảng Vũng Áng
Bằng sự nỗ lực, tạo mọi điều kiện thuận lợi, Hà Tĩnh đã thu hút, lựa chọn được nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đầu tư vào KKT Vũng Áng, như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa (Đài Loan), Samsung (Hàn Quốc), Mishubishi (Nhật Bản)… Và từ đó, Vũng Áng đã, đang hình thành một KKT động lực, đa ngành (luyện thép, nhiệt điện, hóa lọc dầu…) với tổng số vốn lên đến 17 tỷ USD của gần 600 doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có tổ hợp liên hợp gang thép lớn nhất Đông Nam Á và cảng nước sâu Sơn Dương do Formosa đầu tư giai đoạn 1 lên đến 10 tỷ USD…
Nhằm tiếp tục đầu tư mở rộng cảng Vũng Áng, những năm qua, Hà Tĩnh đã thực hiện xã hội hóa đầu tư bến số 3, 4, 5, 6... theo quy hoạch. Theo đó, Công ty CP Cảng Vũng Áng Việt - Lào chính thức khởi công xây dựng bến số 3 với tổng mức đầu tư 999,9 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2016 bằng chính nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp. Sau khi hoàn thành, bến số 3 có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 45.000 DWT, đồng thời, đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng lượng hàng hóa và hấp dẫn hơn nữa quá trình đầu tư vào KKT Vũng Áng.
Cụm cảng nước sâu Vũng Áng đang tiếp tục được nối dài theo đúng quy hoạch, khi Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn (một doanh nghiệp lớn của Hà Tĩnh) cũng đang gấp rút triển khai đầu tư bến số 4. Bên cạnh đó, Công ty Freight Link Capital (Singapore) cũng đang chuẩn bị các bước đầu tư bến số 5 và 6 với tổng số vốn 115 triệu USD. Đây là dự án 100% vốn đầu tư nước ngoài. Khi hoàn thành, các bến cảng này có thể đón tàu 50.000 DWT vào làm hàng và công suất thông qua bến số 5 và 6 khoảng 5 triệu tấn/năm.
Theo quy hoạch trung tâm Logistics Vũng Áng, dự báo sản lượng (tính cho toàn bộ các bến cảng khu cảng Vũng Áng) hàng tổng hợp và hàng container qua cảng Vũng Áng vào năm 2020 đạt 10 triệu tấn và năm 2030 là 16,10 triệu tấn.
Cụm cảng Sơn Dương được Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) đầu tư hệ thống cảng nước sâu hiện đại và lớn nhất Việt Nam với số vốn khoảng 1 tỷ USD để làm bến chuyên dùng cho tàu trọng tải 300.000 DWT nhập than, quặng, dầu thô và các sản phẩm khác phục vụ trực tiếp cho liên hợp thép, lọc hóa dầu và cơ sở công nghiệp khác xây dựng tại KKT Vũng Áng, KKT Hòn La (Quảng Bình).
Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh Trương Minh Tuấn cho biết: Tại đây, FHS đã quy hoạch, đầu tư toàn bộ 32 cầu cảng chuyên dùng, trong đó, 6 bến cho tàu 20-30 vạn DWT; 20 bến cho tàu 3-5 vạn DWT và 6 bến tàu 6.000 - 10.000 DWT. Tổng chiều dài bến sau khi hoàn thành là 6.600m. Lượng hàng thông qua khoảng 85 triệu tấn/năm. Hiện tại, có 5 cầu cảng đã được Cục Hàng hải Việt Nam cho phép tạm thời khai thác phục vụ dự án, tàu từ 1-5 vạn DWT vào làm hàng...
Với tầm nhìn chiến lược, Hà Tĩnh đang sở hữu một hệ thống cảng biển nước sâu để trở thành vùng trung chuyển hàng hóa và dịch vụ logistics của cả khu vực, từ đó, trở thành một địa chỉ thân thuộc của nhiều hãng tàu và chủ hàng nổi tiếng trong nước và thế giới.