ĐB Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) chất vấn Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư. Ảnh: QH
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm, công tác chuẩn bị dự án của chúng ta thật sự có vấn đề, nhiều dự án còn tồn tại những điểm chưa tốt, lỏng lẻo, chưa nghiêm trong công tác chuẩn bị.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận, một thực tế tồn tại lâu nay là việc đề xuất dự án thường gấp 3 lần số vốn có thể cân đối, dẫn đến vốn bị dàn trải. Từ khi có Luật Đầu tư công, số này đã giảm, ví dụ giai đoạn 2012 – 2013 có khoảng 15.000 dự án thì nay chỉ còn 4.000 – 5.000 dự án.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu về kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Bộ xây dựng từ tháng 8.2014, sau đó được Quốc hội thông qua. Hiện số vốn này đã giao được 88% và chỉ còn gần 200.000 tỷ đồng chưa giao. Số vốn còn đọng lại do một số dự án chưa đủ thủ tục, dự án đầu tư đường ven biển, vốn điều lệ cho các ngân hàng, các dự án trọng điểm quốc gia như cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành…
Trao đổi thêm về việc phân bổ vốn đầu tư chậm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, do thủ tục thực hiện dự án thay đổi: Trước đây giải ngân theo dự án, cam kết nhà tài trợ; còn hiện theo quy định vốn ODA được giải ngân theo kế hoạch sử dụng vốn, tuy nhiên vừa qua, các Bộ, ngành không quan tâm, chưa xây dựng kế hoạch.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, quá trình phân giao, phân bổ vốn là: Bộ, ngành xây dựng kế hoạch chi tiết, đề xuất phân bổ vốn. Bộ Kế hoạch & Đầu tư hướng dẫn tiêu chí, định mức phân bổ, sau đó tổng hợp, rà soát và trình Chính phủ quyết định báo cáo Quốc hội. Quốc hội phê chuẩn thông qua thì Chính phủ giao vốn, và Bộ Kế hoạch & Đầu tư có nhiệm vụ thông báo. "Không có chuyện xin cho, toàn bộ do các bộ ngành quyết định" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.