Chiều 19/7, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương chủ trì buổi làm việc với Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh về kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác và hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.
Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ Hà Tĩnh đã đồng hành với Ngân hàng CSXH và Agribank tỉnh triển khai, phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng đến tận cán bộ, hội viên phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý các nguồn vốn tín dụng tại cơ sở; chăm lo, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Qua theo dõi, hiện nay, tại Ngân hàng CSXH, các cấp hội phụ nữ đang quản lý 978 tổ tiết kiệm và vay vốn với 33.921 thành viên, số dư nợ trên 2.256 tỷ đồng (chiếm 33% tổng dư nợ ủy thác); nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,029%; 100% tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện tiết kiệm, tỷ lệ tổ viên gửi tiết kiệm đạt trên 99% .
Đối với hoạt động phối hợp với Agribank theo thỏa thuận liên ngành, tính đến thời điểm hiện tại, có 9/13 hội LHPN huyện, thành phố, thị xã và 108/216 xã, phường, thị trấn quản lý hoạt động ủy thác Agribank; thành lập được 1.228 tổ/18.728 thành viên với tổng dư nợ gần 4.097 tỷ đồng. Tỷ lệ thu lãi thường xuyên đạt trên 98%; nợ xấu 22.287 triệu đồng, chiếm 0,54%...
Hoạt động hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ được các cấp hội phụ nữ Hà Tĩnh tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện, gắn với Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” và Đề án 01 “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” của Chính phủ.
Theo đó, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội thực hiện tốt việc hỗ trợ hội viên phụ nữ tự tin, mạnh dạn khởi nghiệp, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Đến nay, các cấp hội đã tiếp nhận hơn 1.300 ý tưởng phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; 100% ý tưởng đã tiếp nhận được hỗ trợ, giúp đỡ theo nhu cầu.
Toàn tỉnh có 77 hợp tác xã, 359 tổ hợp tác, trên 5.000 mô hình kinh tế cho thu nhập ổn định và 159 sản phẩm do phụ nữ làm chủ được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên do các cấp hội vận động, hỗ trợ thành lập…
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung phân tích những hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai tại địa phương; đồng thời, đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động ủy thác và hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ trong thời gian tới như: tăng cường công tác phối hợp với các ngân hàng; phủ sóng hoạt động ủy thác Ngân hàng CSXH đến tất cả các xã trên địa bàn.
Đề xuất giải pháp giảm tỷ lệ dư nợ quá hạn; hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo; nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lý ủy thác và tổ trưởng tổ vay vốn và tiết kiệm; tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển các mô hình khởi nghiệp...
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương đánh giá cao vai trò phối hợp của các ngân hàng và biểu dương những kết quả Hội LHPN tỉnh đạt được trong thực hiện ủy thác tín dụng chính sách và hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam đề nghị, thời gian tới, Hội LHPN tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai các đề án, chính sách về hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác vốn vay từ các ngân hàng; thực hiện các giải pháp hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ gắn với các chương trình, đề án của trung ương và của tỉnh, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong xã hội.
Đồng thời, đề nghị các ngân hàng tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ hội phụ nữ các cấp thực hiện tốt các chương trình ủy thác và hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ tại địa phương.