Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (Ảnh: Reuters)
Người đứng đầu Lầu Năm Góc cho biết ông lấy làm tiếc vì quan hệ giữa NATO và Nga xấu đi. “25 năm trước, NATO không hề đặt ra ưu tiên ngăn chặn Nga ở phía đông châu Âu, nhưng giờ thì buộc phải có” – ông cho biết.
“Chúng tôi không tìm cách biến Nga thành kẻ thù” – ông Carter nói trong lễ bổ nhiệm Tướng Curtis M. Scaparrotti làm Tư lệnh Bộ Chỉ huy châu Âu của Mỹ (EUCOM) ở Stuttgart (Đức) kiêm Tư lệnh Tối cao NATO hôm thứ Ba tại Tổng hành dinh của liên minh quân sự này ở thủ đô Brussels của Bỉ.
“Tuy nhiên để tránh mắc sai lầm, chúng tôi sẽ bảo vệ các đồng minh của mình, trật tự thế giới dựa trên các quy định quốc tế cũng như tương lai tươi sáng cho tất cả chúng ta” – ông nói thêm.
Phát biểu của ông Carter phản ánh sự khó chịu của Mỹ với Moscow trên nhiều phương diện, trong đó có sự can thiệp của Nga ở miền Đông Ukraine, việc chiếm đóng Crimea hồi năm 2014, cũng như hành động của Nga mà theo cách gọi của ông Carter là đang đe dọa đến các quốc gia láng giềng ở vùng Baltic – đây đều là các nước thành viên của NATO và đều nằm trong hiệp ước ràng buộc dưới sự bảo vệ của Mỹ.
Ông Carter cho biết “điều đáng lo ngại nhất” về Nga là việc sử dụng vũ khí hạt nhân. “Hành động đe dọa hạt nhân của Moscow làm dấy nên các hoài nghi về các cam kết của giới lãnh đạo nước này đối với sự ổn định chiến lược và tôn trọng nguyên tắc không sử dụng vũ khí hạt nhân” – ông nói thêm.
Giai đoạn kết thúc Chiến tranh Lạnh cùng với sự tan rã của Liên bang Xô viết vào cuối 1991 được cho là gần như đã kết thúc viễn cảnh về một cuộc xung đột hạt nhân lần nữa giữa Mỹ và Moscow. Nhưng những phát biểu mới đây của người đứng đầu Lầu Năm Góc đã khiến kịch bản về việc lặp lại lịch sử càng có thêm sức nặng hoặc ít nhất là kết thúc giai đoạn quan hệ ấm lên giữa Nga và Mỹ.
Các quan chức cấp cao Nhà Trắng cho biết Mỹ cùng các đồng minh đang chuyển sang giai đoạn mới tập trung vào việc sử dụng quân sự để ngăn cản Moscow.
Một quan chức dấu tên tiết lộ với Hãng thông tấn AP cho biết, NATO sẽ tăng cường sự hiện diện dọc sườn phía Tây của Nga đề phòng trường hợp Nga tấn công các quốc gia NATO từ hướng này.
Nhà Trắng mới đây cũng lên kế hoạch chi ngân sách hơn 3,4 tỷ USD cho các hoạt động quân sự ở châu Âu vào năm 2017. Thêm nữa, hôm 2/4, NATO cho biết đang xem xét việc điều 4.000 quân đến Ba Lan và nhiều quốc gia Baltic khác sát biên giới với Nga. Kế hoạch này dự kiến sẽ được đưa ra bàn luận tại cuộc họp quốc phòng NATO vào tháng 6 tới. Các quan chức Mỹ cho biết, binh sĩ nước này có thể sẽ tham gia vào lực lượng trên đồng thời khuyến khích các nước thành viên NATO khác cam kết đem quân gia nhập lực lượng.
Tuy vậy, theo AP, những nỗ lực của Mỹ nhằm kiểm soát hoặc tác động trực tiếp lên Nga không đem về kết quả như ý muốn. Mỹ không thể ngăn cản việc bán đảo Crimea tách ra khỏi Ukraine và sát nhập vào Nga, bên cạnh đó, mới đây, Washington đành bất lực và phải bắt tay với Moscow để thực thi một lệnh ngừng bắn ở Syria.