Nhu cầu mua sắm cho dịp tết của người dân Hà Tĩnh đang dần nhộn nhịp.
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là tới tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, hoạt động mua sắm ở Hà Tĩnh đang “nóng” lên từng ngày. Để phục vụ nhu cầu của người dân, chủ kinh doanh các cửa hàng, chợ hay siêu thị đều dự trữ khá lớn lượng hàng hóa. Điều này dẫn tới nguy cơ cao xảy ra cháy, nổ tại vào dịp cận tết.
Trưởng ban Quản lý chợ thành phố Hà Tĩnh Nguyễn Thăng Long cho hay: Chợ hiện có hơn 2.000 hộ kinh doanh buôn bán. Càng những ngày giáp tết, số lượng người mua, người bán và hàng hóa càng nhộn nhịp, đông đúc, do đó, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) là nhiệm vụ “sống còn”, bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ của bất kỳ một người dân nào đã có thể dẫn tới hậu quả khó lường.
Theo ông Long, thời gian qua, đơn vị đã tăng cường kiểm tra công tác quản lý điện, nước cùng thiết bị, dụng cụ PCCC; rà soát, sửa chữa hệ thống điện, nhất là với đình chợ 2 tầng, đình nông sản thực phẩm khô, hàng hoa quả… Thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn bà con kinh doanh nâng cao ý thức, chấp hành tốt các quy định về phòng chống cháy nổ; không tự ý kéo thêm dây điện, bắt bóng điện chiếu sáng tại quầy, ki-ốt; dẹp bỏ việc cơi nới, lấn chiếm để hàng hóa ngoài quầy kinh doanh, lấn chiếm lối đi...
Hệ thống báo cháy tự động ở chợ TP Hà Tĩnh giúp phát hiện sớm các sự cố.
“Chợ thành phố đã từng xảy ra sự cố, gây thiệt hại nặng cho tiểu thương nên họ đã dần ý thức được trách nhiệm của mình trong việc phòng tránh cháy, nổ. Các trường hợp cố tình vi phạm công tác PCCC thì ban quản lý sẽ xử lý nghiêm”, ông Trần Thăng Long thông tin.
Còn tại siêu thị như Co.opmart, Vinmart, công tác PCCC luôn được coi trọng và đặt lên hàng đầu với các phương tiện chữa cháy như vòi phun, bình cứu hỏa được trang bị đầy đủ.
Tối 30/11/2020, cơ sở kinh doanh thiết bị y tế ở số 89, đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh bốc cháy, thiêu rụi nhiều tài sản.
Thượng tá Hoàng Văn Long – Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Hà Tĩnh cho hay: Trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 66 vụ cháy, trong đó có 55 vụ cháy cơ sở, nhà dân và phương tiên giao thông, 11 vụ cháy rừng làm 3 người chết, 4 người bị thương, thiệt hại về tài sản khoảng 10,3 tỷ đồng và 125 ha rừng.
Trong số các địa bàn xảy ra cháy nổ thì TP Hà Tĩnh là địa phương có số vụ cháy nhiều nhất với 19 vụ, tiếp đó là Hương Sơn 9 vụ, Can Lộc và Thạch Hà 7 vụ, huyện Kỳ Anh, TX Kỳ Anh và Hương Khê 5 vụ... Nguyên nhân chủ yếu dẫn các vụ cháy nổ là do sự cố hệ thống, thiết bị điện; sơ suất trong sử dụng nguồn nhiệt; vi phạm quy trình, quy định an toàn PCCC; sự cố kỹ thuật…
Theo Thượng tá Hoàng Văn Long, không chỉ vào mùa hè mà dịp tết Nguyên đán cũng là thời điểm tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra cháy nổ, bởi đây là khoảng thời gian mà các chợ, cửa hàng, siêu thị tập trung nhiều hàng hóa phục vụ tết và số lượng người tham gia mua bán cũng tăng đột biến.
Ngoài ra, nhu cầu sử dụng lửa, điện, khí đốt hóa lỏng phục vụ sản xuất kinh doanh hay việc thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã tại các gia đình, đền chùa cũng tăng lên, trong khi kiến thức, ý thức về PCCC của một bộ phận người dân còn hạn chế.
Cửa hàng tạp hóa cũng là một trong những lựa chọn của người dân khi đi mua sắm cho dịp Tết.
Để giảm thiểu nguy cơ, các đơn vị, tiểu thương, người dân cần thực hiện nghiêm các quy định về an toàn PCCC&CNCH như: không tàng trữ, kinh doanh trái phép các mặt hàng, các chất nguy hiểm về cháy, nổ như xăng, dầu, gas… Thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện để kịp thời phát hiện các nguy cơ phát sinh cháy, nổ; ngắt tất cả các thiết bị sử dụng điện trước khi ra khỏi khu vực kinh doanh; không tự ý câu mắc thêm các thiết bị điện chiếu sáng, tránh hiện tượng quá tải, gây cháy.
Quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt khi đun nấu, thắp hương thờ cúng, sửa chữa, thi công; sắp xếp đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt.
Việc tác riêng các hệ thống điện giúp ứng phó tốt hơn khi xảy ra cháy nổ.
Với các chợ, siêu thị, cửa hàng cần phân công lực lượng thường trực 24/24h; tách riêng hệ thống điện kinh doanh, chiếu sáng với hệ thống điện phục vụ công tác PCCC; hướng dẫn tiểu thương bố trí, sắp xếp hàng hóa hợp lý, không bố trí gần nơi có các hệ thống điện, trên lối đi, hành lang, cầu thang, lối thoát nạn...
Để bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ hiện nay, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng thì mỗi người dân cần nâng cao ý thức thực hiện công tác phòng ngừa để bảo vệ tính mạng và tài sản của mình và mọi người xung quanh.