Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải |
Thẩm tra định hướng kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, Uỷ ban Tài chính Ngân sách (TCNS) đã báo cáo Quốc hội quan điểm về điều chỉnh tiền lương.
Về bố trí điều chỉnh tiền lương cơ sở, một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, trong điều kiện giá cả tăng cao, đời sống của cán bộ, công chức gặp không ít khó khăn, vì vậy, tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc tăng mức lương cơ sở 7% (đạt mức 1.300.000 đồng/tháng).
Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính ngân sách cũng lưu ý, việc điều chỉnh tiền lương phải đi đôi với tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính nhà nước, nâng cao hiệu quả công việc, đẩy mạnh cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công.
Tăng mức lương cơ sở 7% cho năm 2017 là hợp lý (Ảnh minh họa: Internet) |
Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách cho biết, một số ý kiến trong uỷ ban này cho rằng, trong điều kiện giá cả tăng cao, đời sống của cán bộ, công chức gặp không ít khó khăn thì đề xuất tăng mức lương cơ sở 7% cho năm 2017 là hợp lý.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, mức chi điều chỉnh tiền lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công tăng khoảng 7 - 8%/năm là hợp lý.
Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị Chính phủ cần đưa chỉ tiêu này thành mục tiêu thực hiện, không mang tính chất định hướng, gắn với yêu cầu kiên quyết thực hiện tinh giản biên chế và sắp xếp lại bộ máy, đẩy mạnh việc thực hiện tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, điều chỉnh tiền lương theo lộ trình đã được đề ra.