Trẻ em rước đèn kéo quân trong đêm Trung thu. Ảnh internet.
Đời sống hiện đại đã “mang đi” rất nhiều tập tục, nhiều nét văn hóa truyền thống. Nếu như trước đây, mỗi dịp trung thu về, người người, nhà nhà làm trống bọc da cóc, đèn ông sao, đèn cá, đèn kéo quân cho con cháu chơi thì giờ đây, người ta chỉ cần ra phố là đã có thể mua được rất nhiều thứ. Tuy nhiên, đâu đó trong các làng quê Hà Tĩnh, vẫn còn những con người lặng lẽ gìn giữ những giá trị văn hóa ấy.
Chiếc đèn kéo quân được cất giữ nhiều năm của ông Hà Văn Thuận (Thôn Đông Thịnh, Hồng Lộc, Lộc Hà).
Là con trai của cụ Phan Trọng Cẩu (1911-1994) - nghệ nhân làm đèn kéo quân nức tiếng vùng hạ Can Lộc một thời, ông Phan Trọng Tọa (70 tuổi, thôn Yến Giang, xã Hồng Lộc, Lộc Hà) vẫn lặng lẽ gìn giữ nghề của cha. Ông Tọa cho biết: “Cố tôi và cha tôi ngày xưa làm đèn kéo quân rất giỏi. Cứ mỗi mùa trung thu tới, rất nhiều người đến đặt mua. Có năm làm không xuể. Đèn các cụ làm đẹp, chắc chắn, có hình ảnh sống động, gắn với những tích truyện dân gian và lịch sử nên có nhiều người thích. Không chỉ người trong xã này, nhiều người từ các xã khác ở vùng thượng Can hay Thạch Hà cũng tìm đến mua. Hồi đó, mấy anh em tôi thấy cha làm đèn thì thích lắm, vừa phụ giúp cha, vừa học hỏi. Nên sau này, người nào cũng biết làm đèn”.
Ông Phan Trọng Tọa kể về một thời “vàng son” của đèn kéo quân và chỉ cách làm đèn cho con cháu.
Cây đèn kéo quân trong truyền thống văn hóa Việt Nam thường có hình ảnh nói về việc nghĩa, về những đoàn quân lính xung trận. Những hình ảnh ấy nhằm mục đích giúp trẻ em nhớ về lịch sử cũng như giáo dục lòng yêu nước. Về sau, hình ảnh trên những chiếc đèn kéo quân được mở rộng thêm nhiều đề tài khác như thêm ông quan trạng vinh quy bái tổ, cảnh tứ linh nhảy múa, bác nông dân làm ruộng, mục đồng chăn trâu...
Ông Phan Trọng Tự - con trai ông Tọa nhớ lại: “Hồi đó, tôi thường phụ giúp ông nội làm những việc như chẻ nứa làm khung, cắt hình người, hình con vật để làm quân chạy trong lồng đèn… Giờ ông nội mất rồi, không khí làm đèn không còn như trước nữa. Tuy nhiên, mỗi mùa trung thu đến, tôi và cha đều sửa soạn, làm một cái đèn kéo quân để cho con, cháu tôi được biết về truyền thống của gia đình, biết về những nghi lễ cổ truyền của Tết Trung thu. Ngắm nhìn các con chơi đèn kéo quân, tôi lại như được trở về những ngày thơ ấu của mình. Với tôi, lúc bấy giờ trung thu nhiệm màu lắm, ánh đèn kéo quân cũng nhiệm màu lắm”.
“Cây đèn kéo quân trong truyền thống văn hóa Việt Nam thường có hình ảnh nói về việc nghĩa, về những đoàn quân lính xung trận”. Ảnh: Ông Phan Trọng Tự (thôn Yến Giang, xã Hồng Lộc, Lộc Hà) làm đèn kéo quân cho các cháu vui trung thu.
Theo truyền thống, đèn kéo quân thường được làm bằng khung gỗ hoặc nứa. Đèn khung gỗ thường đẹp và có giá thành đắt hơn đèn khung nứa. Đèn khung gỗ cũng bền hơn. Gia đình anh Tự thường chọn làm đèn bằng nứa để năm nào bọn trẻ cũng có đèn mới chơi rằm.
Ông Phan Trọng Tự thường chọn nứa làm khung cho đèn kéo quân.
Năm nay, do mưa lũ bất ngờ nên việc làm đèn ở gia đình Ông Tự bị chậm so với kế hoạch. Gần sát trung thu rồi, anh mới bày nguyên liệu ra để chẻ nứa, đo khung. Ông Tự cho biết: “Năm nay, tôi quyết định làm một chiếc đèn kéo quân cỡ đại cho các cháu vui trung thu”.
Cũng mang những ký ức đẹp về chiếc đèn kéo quân, ông Hà Văn Thuận (thôn Đông Thịnh, xã Hồng Lộc) lại có một “gia tài” gồm 5 chiếc đèn kéo quân bằng gỗ được làm khá cầu kỳ. Với ông Thuận, đó là một trong những báu vật của gia đình. Ông Thuận cho biết: “Thuở nhỏ, tôi không có đèn đi chơi trung thu như các bạn cùng trang lứa nên chỉ chạy theo chơi ké các bạn. Có lẽ vì thế, đèn kéo quân luôn là một cái gì đó rất lung linh, rất màu nhiệm trong ký ức của tôi. Cách đây chừng 8 năm, tôi nhìn thấy đèn kéo quân trong một chương trình ti vi, bèn đi tìm người chỉ cho cách làm”.
Mỗi năm đến mùa trung thu, ông Thuận lại đưa đèn kéo quân tự mình làm ra sửa sang để phục vụ các cháu.
Đèn kéo quân ông Thuận làm là loại đèn bằng gỗ tốt nên rất bền. Dù vậy, vài năm ông lại làm một cái đèn mới cho con cháu. Mỗi mùa trung thu, ông lại mang ra lau chùi, điểm tô lại cho cháu và trẻ con trong xóm chơi.
So với đèn kéo quân bằng nhựa bán trên thị trường hiện nay thì đèn kéo quân cổ truyền không màu mè bằng nhưng lại ẩn chứa nhiều giá trị giáo dục. Mỗi chiếc đèn chứa đựng cả tình cảm, cả tâm huyết của người làm. Mỗi chiếc đèn cũng mang theo trong nó bao nhiêu giấc mơ ấu thơ trong trẻo…
Các cháu bé ở thành phố Hà Tĩnh thích thú với đèn lồng, đèn cá truyền thống của ông Trương Việt Dũng (P.Bắc Hà,Tp Hà Tĩnh).
Hiện nay, ở một số vùng trên đất nước ta, nhiều nghệ nhân vẫn bền bỉ giữ nghề truyền thống. Mỗi dịp trung thu về, họ vẫn cần mẫn ngồi làm từng chiếc đèn đem bán. Đó là việc làm cần được tiếp sức nhằm gìn giữ, phát huy nét văn hóa truyền thống của cha ông. Để những chiếc đèn kéo quân cổ truyền lại có cơ hội được lung linh trong đêm hội trăng rằm, được kể cho trẻ thơ nghe về những tích xưa, chuyện cũ và giáo dục lòng yêu nước cho con trẻ…