Thôn Bắc Châu, xã Kỳ Châu có địa bàn khá rộng, trước đây, để thông báo họp dân, triển khai các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, lao động, bí thư, thôn trưởng hay lãnh đạo các tổ chức, đoàn thể phải đến nhà văn hoá thôn, chuẩn bị loa máy, âm thanh để đọc thông báo. Nhưng từ khi triển khai xây dựng mô hình thôn thông minh, được lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống truyền thanh thông minh tại nhà văn hóa, mọi việc được đơn giản và hiệu quả hơn rất nhiều.
Bí thư Chi bộ thôn Bắc Châu Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Với hệ thống này, chỉ cần có một điện thoại thông minh kết nối mạng, cán bộ có thể đọc, phát các thông báo ở bất cứ nơi đâu. Hệ thống này cũng dễ dàng chuyển và tự động đọc văn bản bằng ngôn ngữ lập trình AI. Với sự kết nối đồng bộ đến tận mỗi người dân có sử dụng internet, việc chuyển, phát và tiếp nhận thông tin thực sự trở nên đơn giản, thuận tiện và hiệu quả”.
Ngoài hệ thống truyền thanh thông minh, hiện nay 100% cán bộ thôn Bắc Châu đã ứng dụng các nền tảng số qua Zalo để cung cấp thông tin và tiếp nhận các ý kiến, phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Thôn cũng thành lập các nhóm điều hành, trao đổi công việc trên ứng dụng zalo để kết nối thông tin giữa chính quyền và người dân; lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân về xây dựng NTM.
Với mục tiêu: “Phát triển chính quyền số giúp người dân, doanh nghiệp và tổ chức đơn vị làm việc, hoạt động một cách hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn”, công tác chuyển đổi số, xây dựng xã thông minh đã được cấp uỷ, chính quyền và cả hệ thống chính trị xã Kỳ Châu vào cuộc quyết liệt và đã đạt được những kết quả quan trọng.
Đến thời điểm này, toàn xã đã có 4 thôn xây dựng thôn thông minh. Việc trang bị các trang thiết bị, cơ sở vật chất về hạ tầng công nghệ thông tin cho các phòng ban, đơn vị được thực hiện đảm bảo; 100% cán bộ, công chức, ứng dụng các phần mềm dùng chung, phần mềm chuyên ngành và chữ ký số để thực hiện tác nghiệp hoàn toàn bằng văn bản điện tử…
100% thủ tục hành chính đủ điều kiện thực hiện cung cấp dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 được triển khai tích hợp trên cổng dịch vụ công của tỉnh và cổng dịch vụ công của huyện; có 100% thủ tục được thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến; bộ thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa đã được số hóa bằng mã QR.
Theo thống kê của xã Kỳ Châu, hiện nay trên địa bàn có 1.920 thuê bao di động có sử dụng mạng internet. Số lượng người dân được làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử là 2.738/2.962 người (đủ từ 14 tuổi trở lên), chiếm tỷ lệ 92.44%. Tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên thường xuyên giao dịch tại các ngân hàng đạt 53,17%.
Để tạo sự thuận lợi cho bà con tham gia hoạt động kinh doanh, xã đã vận động và hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sử dụng mã QR trong giao dịch thanh toán, hạn chế việc sử dụng tiền mặt. Ngay những ngày đầu triển khai, Tổ chuyển đổi số xã đã ra quân hướng dẫn làm mã QR cho 275/275 hộ kinh doanh cố định trên địa bàn và Trung tâm thương mại Phú Nhân Nghĩa, đạt tỷ lệ 100%.
Việc thanh toán các chi phí sinh hoạt như điện, nước, thuế, bảo hiểm... trên các ứng dụng số của ngân hàng cũng được triển khai sớm, đến nay đã có 502/1.020 hộ tham gia, chiếm tỷ lệ 49,21%. Gần đây, sản phẩm OCOP Bánh đa, bánh mướt Kỳ Châu cũng đã được xã hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử postmart.vn.
Để giữ vững và phát huy các tiêu chí xã NTM kiểu mẫu (Kỳ Châu đạt chuẩn xã NTM vào cuối năm 2023), địa phương đang tiếp tục phát huy tốt mô hình “dịch vụ bưu chính công ích” với việc bố trí máy tính kết nối internet để hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC cho người dân. Hiện nay, xã có 8 điểm Internet wifi miễn phí tại các cơ quan, trường học, trạm y tế, hội quán các thôn được duy trì và hoạt động thường xuyên.
“Kỳ Châu xác định, chuyển đổi số và cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong xây dựng và phát huy các tiêu chí xã NTM kiểu mẫu. Trong đó, xã đặc biệt chú trọng việc triển khai xây dựng thôn thông minh, thực hiện phần mềm điện tử một cửa cấp xã, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và chứng thực điện tử, hóa đơn điện tử vào giải quyết các TTHC. Cùng với đó, việc chấn chỉnh thái độ giao tiếp trong thực hiện các giao dịch ... đã được Nhân dân đồng tình và đánh giá cao”, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Châu Nguyễn Đình Sơn chia sẻ.
Với việc triển khai chuyển đổi toàn diện trên các lĩnh vực, bước đầu, công tác chuyển đổi số ở Kỳ Châu đã làm thay đổi căn bản từ phong cách làm việc đến hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức.
Đặc biệt, nhiều ứng dụng số đã phát huy tác dụng rõ rệt trong sản xuất và đời sống, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con. Cũng từ đó, nhận thức của người dân về chuyển đổi số cũng được nâng lên, góp phần giúp chính quyền các cấp thực hiện công vụ một cách hiệu quả hơn. Từ mô hình ở Kỳ Châu, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo, nghiên cứu và nhân rộng trên địa bàn.