Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm trong chuyển đổi số và Đề án 06

(Baohatinh.vn) - Việc thực hiện chuyển đổi số và Đề án 06 tại Hà Tĩnh đã đưa lại những kết quả tích cực, góp phần phục vụ phát triển KT-XH, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

88888.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị sơ kết 6 tháng Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chiều 10/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải - Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 tỉnh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu - Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

IMG_9902 copy.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải - Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 tỉnh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Quyết liệt chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số và Đề án 06

Khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số nhấn mạnh, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu và Đề án 06 được xác định là nhiệm vụ then chốt, quan trọng của chuyển đổi số quốc gia.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện hiệu quả công cuộc chuyển đổi số quốc gia; đẩy mạnh chuyển đổi số trên hầu hết các lĩnh vực; tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số.

Đồng thời, triển khai quyết liệt Đề án 06 từ Trung ương đến cơ sở; góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân; tạo nền tảng quan trọng để triển khai các dịch vụ công trực tuyến.

Thủ tướng khẳng định, để hoàn thành các mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06, phía trước còn rất nhiều việc phải làm. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá quá trình thực hiện; nhận diện các tồn tại, hạn chế, yếu kém, điểm nghẽn; chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện...

Nhiều kết quả nổi bật trong thực hiện chuyển đổi số quốc gia

Trong 6 tháng đầu năm, chuyển đổi số quốc gia đã đạt được kết quả nổi bật như: Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình cả nước đạt 42%; bộ, ngành đạt 61%; địa phương đạt 17%; tốc độ tăng trưởng doanh số trên sàn giao dịch bán lẻ trực tuyến tăng 80% so với cùng kỳ năm 2023; số lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tăng 8% so với cùng kỳ; giao dịch chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng, hệ thống thông tin qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia 6 tháng đầu năm tăng mạnh...

852d6f872d658f3bd674.jpg
Đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Thời gian qua, thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số đã được hoàn thiện; công tác chỉ đạo, điều hành chuyển đổi số được tăng cường; hoạt động chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương được quan tâm đẩy mạnh.

Dữ liệu số, hạ tầng số được tập trung thực hiện. Việc phát triển Chính phủ số đã góp phần cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Theo đó, tỷ lệ thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 48%; 17/20 bộ, ngành đã công bố danh mục thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý có đủ điều kiện thực hiện.

Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước, 100% văn bản gửi/nhận giữa các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện, 95% giữa cơ quan cấp xã với các cơ quan cấp tỉnh và huyện được thực hiện qua môi trường mạng. 100% cơ quan cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, ứng dụng đồng bộ chữ ký số.

UBND tỉnh đã chỉ đạo tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế; 100% các huyện, thành phố, thị xã đã ban hành kế hoạch triển khai tổ chuyển đổi số cộng đồng trên địa bàn… Về đô thị thông minh, hệ thống Giám sát và Điều hành thông minh tỉnh (IOC) đã được triển khai...

Triển khai quyết liệt Đề án 06 từ Trung ương đến cơ sở

IMG_9910 copy.jpg
Toàn cảnh điểm cầu Hà Tĩnh.

Sau 6 tháng thực hiện, Đề án 06 đã đạt kết quả đột phá. Theo đó, đã đơn giản hóa 793/1.084 thủ tục hành chính; có 63/63 địa phương tham mưu HĐND cấp tỉnh ban hành nghị quyết miễn giảm phí, lệ phí; Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp hơn 4.500 dịch vụ công trực tuyến và 43 dịch vụ công thiết yếu.

Truy thu thuế, triển khai thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh. Các dữ liệu tạo lập đã góp phần phục vụ phát triển KT-XH trên các lĩnh vực.

Công an các địa phương trực tiếp thu nhận hơn 5.300 hồ sơ cấp thẻ căn cước. Bộ Công an thu nhận trên 75,7 triệu hồ sơ định danh điện tử...

6 tháng đầu năm, tổng số hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, cập nhật lên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh là 256.544 hồ sơ. Các sở, ngành, phòng ban cấp huyện và UBND cấp xã đã tiếp nhận 281.607 hồ sơ. Các ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân, định danh điện tử phục vụ phát triển KT-XH tiếp tục được đẩy mạnh. Tích hợp thông tin thẻ BHYT trong thẻ căn cước công dân gắn chip, tổ chức triển khai tại 252 cơ sở khám chữa bệnh với 1.911.166 lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước… Trên địa bàn tỉnh đã thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho 86.163/105.554 đối tượng...

Tại hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế; chia sẻ những cách làm hay, sáng tạo trong quá trình thực hiện. Qua đó, đưa ra các giải pháp tháo gỡ "điểm nghẽn", góp phần thực hiện hiệu quả Đề án.

Nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt trong thực hiện chuyển đổi số và Đề án 06

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương, ghi nhận những nỗ lực, kết quả các bộ, ngành, địa phương đã đạt được; sự chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia; sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp trong thực hiện chuyển đổi số và Đề án 06. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng nghiêm khắc phê bình những bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Chinhphu.vn)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Chinhphu.vn)

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, chuyển đổi số đã thực sự "đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người"; Đề án 06 đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, được triển khai quyết liệt từ Trung ương đến cơ sở.

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số và Đề án 06, các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt. Theo đó, tiếp tục nâng cao nhận thức, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số và Đề án 06 đối với sự phát triển KT-XH, đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, nhất quán, đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở. Quá trình thực hiện cần tăng cường chia sẻ kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm sáng tạo trong phát triển hạ tầng số; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, kết nối chia sẻ thông tin, hình thành dữ liệu lớn; đào tạo và phát triển nhân lực; mô hình, cách làm hay của một số bộ, ngành, địa phương.

Có chương trình kế hoạch cụ thể, bám sát chỉ đạo, bố trí nguồn lực thực hiện; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, giải quyết kịp thời các vướng mắc, "điểm nghẽn".

Lấy người dân, doanh nghiệp là trọng tâm, chủ thể trong chuyển đổi số; luôn cầu thị, lắng nghe trên tinh thần "nói thật, làm thật, hiệu quả thật" để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng những giá trị chuyển đổi số và Đề án 06 mang lại.

Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu của từng bộ, ngành, địa phương; kết nối, chia sẻ dữ liệu trên nền tảng số, tạo sự thống nhất đối với cơ sở dữ liệu quốc gia.

Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách trong quá trình thực hiện; đẩy mạnh số hóa, làm giàu cơ sở dữ liệu...

Chủ đề Chuyển đổi số

Đọc thêm