Dịch vụ công trực tuyến ở Hà Tĩnh vì sao còn “ế khách”!?

(Baohatinh.vn) - Mặc dù thời gian qua, Trung tâm Phục vụ hành chính công Hà Tĩnh và cấp huyện đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp thực hiện các giao dịch dịch vụ công (DVC) trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ sử dụng vẫn còn khiêm tốn.

Kết quả còn... hạn chế

Trung tâm Phục vụ hành chính công (HCC) tỉnh Hà Tĩnh là nơi các sở, ban ngành cấp tỉnh trực tiếp đến giao dịch, tiếp nhận hồ sơ, TTHC và trả kết quả cho người dân và doanh nghiệp. Nơi đây, mỗi ngày thu hút đông đảo tổ chức, cá nhân đến giải quyết TTHC.

Cùng với nâng cao tinh thần, trách nhiệm phục vụ thì các sở, ngành còn đưa trên 531 dịch vụ mức độ 3 và 6 dịch vụ mức độ 4 vào phục vụ nhằm rút ngắn thời gian, công sức cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công mức độ 3 và 4 còn rất thấp.

Dịch vụ công trực tuyến ở Hà Tĩnh vì sao còn “ế khách”!?

5,6% hồ sơ giao dịch trực tuyến là một kết quả còn thấp của Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh Hà Tĩnh

Theo thống kê từ Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh Hà Tĩnh, từ đầu năm đến ngày 16/9, trong 31.834 hồ sơ được tiếp nhận thì chỉ có 1.721 hồ sơ giao dịch trực tuyến (chiếm 5,64%).

Theo anh Hoàng Tùng Phong – Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh, với số lượng hồ sơ giao dịch trực tuyến như vậy là thấp. Trong đó, rất nhiều sở, ngành có tỷ lệ cực thấp như: Sở Y tế chỉ 0,88%, Sở Xây dựng 1,94%, Sở TN&MT 1,84%... Thậm chí có nhiều đơn vị chưa phát sinh hồ sơ trực tuyến nào như: Sở NN&PTNT, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, BQL Khu kinh tế tỉnh…

Còn các sở, ngành có tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến cao như: Sở TT&TT, Sở KH&CN, Sở GD&ĐT… thì đây lại là những đơn vị có khối lượng hồ sơ giao dịch không lớn.

Dịch vụ công trực tuyến ở Hà Tĩnh vì sao còn “ế khách”!?

Dù không ngừng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nhưng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tại cấp huyện cũng còn khiêm tốn.

Không chỉ cấp tỉnh mà tại các trung tâm HCC cấp huyện, số lượng hồ sơ giao dịch trực tuyến cũng rất hạn chế. Nghi Xuân là một trong những địa phương được đánh giá từ đầu năm đến nay có tỷ lệ hồ sơ DCV trực tuyến cao nhất, tuy nhiên vẫn nằm ở mức 6.231 hồ sơ, chiếm trên 20,9% tổng số hồ sơ giao dịch.

Ngay như TP Hà Tĩnh trong 8 tháng đầu năm 2019 chỉ có trên 2.870 hồ sơ DVC trực tuyến, chiếm khoảng 6,3% tổng số hồ sơ giao dịch.

Dịch vụ công trực tuyến ở Hà Tĩnh vì sao còn “ế khách”!?

Việc tập huấn cho đội ngũ cán bộ xã, phường về kỹ năng, kiến thức để hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp được tổ chức thường xuyên, tuy nhiên hiệu quả mang lại chưa thực sự rõ nét.

Theo số liệu từ Sở TT&TT, tổng số hồ sơ nộp qua DVC mức độ 3, mức độ 4 trong 8 tháng đầu năm của toàn tỉnh là 10.109 hồ sơ phát sinh, chiếm tỷ lệ 16,8%.

Đánh giá về con số này, ông Lê Văn Dũng – Trưởng phòng Quản lý CNTT (Sở TT&TT) thừa nhận, mặc dù thời gian qua các cấp, ngành đã tập trung nhiều giải pháp về tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn việc sử dụng DVC trực tuyến nhưng với 16,8% tỷ lệ hồ sơ nộp qua dịch vụ công trực tuyến thì đây đang là con số hạn chế, phải từ 30% trở nên mới là tích cực.

Không ít rào cản

Lý giải về nguyên nhân của việc tỷ lệ hồ sơ DVC trực tuyến còn hạn chế, ông Lê Văn Dũng - Trưởng phòng Quản lý CNTT (Sở TT&TT) cho rằng, do hiện nay tất cả các hồ sơ, văn bản quản lý nhà nước đang thực hiện hồ sơ giấy, chưa có cơ sở dữ liệu điện tử.

Đây là mấu chốt cơ bản khiến tỷ lệ người dân sử dụng DVC trực tuyến còn thấp. Bởi chưa có cơ sở dữ liệu điện tử nên mỗi khi giao dịch trực tuyến, người dân phải scan hồ sơ trong khi lại không có sẵn máy móc, thiết bị. Hơn nữa, trình độ công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế nên việc xử lý các thao tác dịch vụ công trực tuyến còn nhiều khó khăn.

Dịch vụ công trực tuyến ở Hà Tĩnh vì sao còn “ế khách”!?

Người dân vẫn còn thói quen trực tiếp đến nộp hồ sơ giấy

Ngoài ra, theo đại diện các trung tâm HCC cấp huyện, về mặt chủ quan, người dân vẫn chưa thay đổi thói quen mang hồ sơ giấy đi giao dịch, muốn trực tiếp giao dịch, còn có tâm lý lo ngại về sự mất an toàn thông tin khi sử dụng DVC trực tuyến.

“Để nâng cao tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua DCV trực tuyến, đáp ứng được yêu cầu đặt ra thì trước hết, công tác thông tin tuyên truyền phải làm liên tục, thường xuyên. Trong đó, quan trọng nhất là bản thân các sở, ngành, địa phương phải vào cuộc để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp sử dụng DVC trực tuyến của mình” – ông Dũng khẳng định.

Bên cạnh đó, hiện nay, ngành TT&TT đang đốc thúc các ngành xây dựng cơ sở dữ liệu để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia, nhất là trong các lĩnh vực tư pháp, y tế, LĐ-TB&XH… Tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu và số hóa hệ thống thông tin quản lý nhà nước của các sở, ban, ngành, địa phương.

Chủ đề Cải cách hành chính

Đọc thêm