Điểm danh 5 vũ khí làm nên sức mạnh Lục quân Mỹ

Lục quân Mỹ có rất nhiều loại vũ khí với hỏa lực đáng kinh ngạc, tuy nhiên, sử dụng trong tất cả các loại hình chiến tranh chỉ có 5 loại.

Trực thăng AH-64 Apache

Trớ trêu thay, vũ khí tốt nhất của Lục quân Mỹ là máy bay trực thăng - AH-64 Apache (được sản xuất loạt và đưa vào trang bị từ 1982), nhưng do các cuộc xung đột mà quân đội Mỹ gần đây đã tham gia và có khả năng tham gia, không quân là yếu tố quyết định nhất.

Được trang bị pháo 30mm, tên lửa Hellfire và các cảm biến tinh vi, Apache kết hợp tốc độ, hỏa lực và tầm bắn cho phép Lục quân tấn công kẻ thù từ xa, trước khi chúng tiến vào tầm hỏa lực của lực lượng mặt đất.

Điểm danh 5 vũ khí làm nên sức mạnh Lục quân Mỹ

Một phiên bản trực thăng AH-64 Apache; Nguồn: wikipedia.org

Apache cũng hữu ích không kém trong việc săn lùng quân nổi dậy, hoặc tiêu diệt các phương tiện bọc thép của kẻ thù. Trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc, ngày 17/1/1991, tám chiếc AH-64A được bốn chiếc MH-53 Pave Low III dẫn đường đã phá hủy một phần mạng lưới radar của Iraq trong cuộc tấn công đầu tiên của chiến dịch, giúp các máy bay tấn công không bị phát hiện. Trong cuộc chiến trên mặt đất kéo dài 100 giờ, tổng cộng 277 chiếc AH-64 đã tham gia, phá hủy 278 xe tăng, nhiều xe bọc thép và các phương tiện khác kỹ thuật khác của Iraq.

Có lẽ rất quan trọng, Apache do Lục quân quản lý nên lực lương này không phải dựa vào hỗ trợ từ trên không của Không quân hoặc Hải quân. Trực thăng tấn công không và sẽ không bao giờ có thể thay thế bộ binh trên mặt đất, nhưng các binh sĩ mặt đất đánh giá cao sự chi viện mà trực thăng tấn công có thể cung cấp.

Apache có nhiều biến thể khác nhau, đã tham gia nhiều xung đột và chiến tranh như Panama, Vùng Vịnh, Kosovo, Afganistan và Iraq; hiện có trong trang bị quân đội 16 nước. Việc sản xuất nó vẫn được Tập đoàn Boeing Defense, Space & Security tiếp tục; cho đến năm 2020, hơn 2.400 chiếc AH-64 đã được sản xuất.

Xe tăng M-1 Abrams

M-1 Abrams là xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ ba của Mỹ được Chrysler Defense (nay là General Dynamics Land Systems) thiết kế dùng cho chiến tranh hiện đại mặt đất, được trang bị động cơ tuabin đa năng, hệ thống điều khiển hỏa lực máy tính hóa, lưu trữ đạn dược riêng biệt trong khoang riêng và thiết bị bảo vệ NBC để đảm bảo an toàn cho kíp xe; được đưa vào trang bị cho Quân đội Mỹ từ năm 1980.

M-1 Abrams có phải là xe tăng tốt nhất thế giới hay không có thể phải bàn cãi, nhưng chắc chắn nó nằm trong số ít xe tăng tốt nhất thế giới.

Điểm danh 5 vũ khí làm nên sức mạnh Lục quân Mỹ

Chiếc M1 Abrams trong buổi bắn huấn luyện; Nguồn: wikipedia.org

Với trọng lượng 60 tấn, M-1A2 được trang bị pháo Rheinmetall 120mm L/44, có vỏ thép chứa uranium nghèo với độ dày 90cm và tốc độ tối đa hơn 65km/h. Abrams đã chọc thủng vỏ giáp xe tăng do Liên Xô sản xuất vào năm 1991 tại Iraq, và hoàn toàn có thể làm điều tương tự với xe tăng Type 99 tiên tiến của Trung Quốc.

Rất ít tăng Abrams bị phá hủy trong chiến đấu mặc dù đã từng thử lửa trong chiến tranh Vùng Vịnh, Afganistan, Iraq, chống phiến quân IS và nội chiến ở Yemen. Hiện nay, M-1 có trong trang bị quân đội 7 nước và 3 nước có khả năng sẽ là khách hàng tiếp theo trong tương lai gần.

Có ba phiên bản Abrams hoạt động chính là M-1, M-1A1 và M-1A2, khác nhau về vũ khí, mức bảo vệ và thiết bị điện tử. Các nội dung hiện đại hóa mở rộng đã được triển khai cho phiên bản M-1A2C và D mới nhất (Gói cải tiến hệ thống M-1A2 phiên bản 3 hoặc SEPv3 và M-1A2 SEPv4, tương ứng) như vỏ giáp composite cải tiến, thiết bị quang học tốt hơn, các hệ thống kỹ thuật số và đạn pháo.

Quân đội Mỹ đã chọn phương án tiếp tục duy trì và vận hành M-1 trong tương lai gần bằng cách nâng cấp hệ thống quang học, vỏ giáp và cải thiện hỏa lực.

Pháo tự hành M-109A6 Paladin

Các pháo tự hành mạnh của Quân đội Mỹ đã không tham gia các cuộc chiến nhỏ gần đây của nước này, tuy nhiên, chúng vẫn là vũ khí rất mạnh. M-109 là pháo hạm tự hành cỡ nòng 155mm của Mỹ, được giới thiệu lần đầu tiên vào đầu những năm 1960 để thay thế pháo M-44.

Paladin M-109 có thể bắn đến cự ly đến 32km khi sử dụng động cơ bỗ trợ. Nó cũng có thể bắn đạn chính xác Excalibur được điều khiển bằng GPS hoặc laser. Dòng M-109 là vũ khí yểm trợ hỏa lực gián tiếp phổ biến nhất của phương Tây gồm các lữ đoàn cơ động của các sư đoàn bộ binh và cơ giới.

Điểm danh 5 vũ khí làm nên sức mạnh Lục quân Mỹ

Lựu pháo tự hành M-109 đổ bộ từ tàu; Nguồn: wikipedia.org

M-109 đã được nâng cấp một số lần, gần đây nhất là M-109A7. M-109A6 (“Paladin”) sẽ vẫn là pháo tự hành chính cho Mỹ trong tương lai gần cho đến khi M-1299 mới được đưa vào sử dụng.

Quân đội Mỹ đang nghiên cứu sử dụng M-109 Paladin bắn các tên lửa siêu thanh (HyperVelocity Projectiles - HVP, có khả năng bắn xa đến 93km từ một khẩu pháo thường) để phòng thủ tên lửa đạn đạo, vì các tên lửa đánh chặn truyền thống đắt tiền và trong phòng thủ tên lửa, dùng pháo để phòng thủ điểm có chi phí thấp hơn nhiều.

Tên lửa chống tăng TOW

Nga (hay Liên Xô) dường như là vua của các tên lửa chống tăng, và điều này cũng phản phản ánh việc bán vũ khí, cũng như sự đe dọa của vỏ giáp do phương Tây thiết kế đối với Nga và các khách hàng của nước này. Vì vậy, tên lửa chống tăng của Quân đội Mỹ bị lu mờ.

Điểm danh 5 vũ khí làm nên sức mạnh Lục quân Mỹ

Tên lửa chống tăng TOW phóng từ xe bọc thép; Nguồn: wikipedia.org

Tên lửa chống tăng phóng bằng ống, theo dõi quang học, dẫn đường bằng dây (Tube-launched, Optically tracked, Wire-guided - TOW) của Quân đội Mỹ được thiết kế ban đầu bởi Hughes Airplane vào những năm 1960 và hiện do Raytheon sản xuất.

Mẫu TOW được sản xuất lần đầu tiên vào năm 1970 nhằm thay thế các tên lửa nhỏ hơn nhiều như SS.10 và ENTAC, có tầm bắn hiệu quả gấp đôi, đầu đạn mạnh hơn, hệ thống dẫn đường bán tự động cải tiến đáng kể cũng có thể được trang bị camera hồng ngoại để sử dụng vào ban đêm.

TOW là một trong những tên lửa chống tăng được sử dụng rộng rãi nhất và vẫn đang phát triển mạnh mẽ sau gần bốn mươi lăm năm có trong trang bị. TOW với nhiều biến thể vác vai, gắn trên xe, cũng như sử dụng rộng rãi trên máy bay trực thăng đã phá hủy nhiều xe tăng trong chiến tranh Arab-Israel, chiến tranh Iran-Iraq và Syria.

TOW 2B mới hơn có nhiều phiên bản, bao gồm tên lửa tấn công hầm trú ẩn, cũng như mô hình Aero - phát nổ bên trên xe tăng để xuyên thủng lớp giáp mỏng trên cùng của nó. Hiện TOW có trong trang bị của quân đội trên 50 nước.

Súng máy M-2

Nghe có vẻ lạ khi xếp súng máy hạng nặng, ra đời cách đây 80 năm là một trong những vũ khí tốt nhất của Lục quân Mỹ. Súng máy M-2 Browning .50 (cỡ nòng 0,5 inches - 13mm) là súng máy hạng nặng được John Moses Browning thiết kế vào cuối Thế chiến I, tương tự súng máy M1919 Browning trước đấy của ông, và có trong trang bị Quân đội Mỹ từ 1921.

Được phát triển khi Franklin Roosevelt vừa trở thành Tổng thống và Hitler vừa lên nắm quyền ở Đức, M-2 đã đảm nhiệm vai trò một khẩu súng máy phòng không, chống xe, tàu thuyền, công sự không kiên cố và bộ binh, có sức mạnh gần như khẩu đại bác cỡ nhỏ.

Điểm danh 5 vũ khí làm nên sức mạnh Lục quân Mỹ

Súng máy M-2 trong trạng thái chiến đấu; Nguồn: wallhere.com

M-2 sử dụng nhiều loại đạn: thông thường, vạch đường, xuyên giáp (AP), đạn gây cháy và đạn dưới cỡ nòng. M-2 được sử dụng trong quân đội NATO và trên dưới 100 nước khác, tham gia nhiều cuộc chiến tranh. M-2A1 - một phiên bản nâng cấp gần đây của M-2 có nòng thay đổi nhanh và bộ triệt ánh lửa vào ban đêm, nằm trong số 10 “Phát minh vĩ đại nhất của Quân đội” (Mỹ) trong năm 2011. Thực tế vẫn đang được tín nhiệm sau gần một thế kỷ chinh chiến là minh chứng cho việc M-2 là một khẩu súng đầy uy lực./.

Theo VOV

Đọc thêm

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Dưới sự chủ trì phối hợp của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, các lực lượng công an, quân sự, hải quan, kiểm lâm… đã cùng vào cuộc hiệu quả chung tay bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Trước diễn biến phức tạp của bão số 6, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

Mô hình “Mẹ đỡ đầu” đối với những trẻ em mồ côi của Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần giúp các cháu vơi bớt khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.