Mạng 5G đang phủ sóng tại nhiều khu vực. Với người dùng smartphone, ưu điểm lớn nhất của 5G là tốc độ truy cập nhanh hơn, bên cạnh tiềm năng trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR)…
Bên cạnh nhiều lợi ích, 5G vẫn gây một số lo ngại khi dùng trên smartphone, chẳng hạn như tiêu thụ pin cao, nóng máy và lo ngại quyền riêng tư.
Dùng 5G có gây hao pin?
Về cơ bản, mức tiêu thụ pin của 5G có thể cao hơn 5G trong nhiều trường hợp. Do đó, người dùng không nên quá lo lắng nếu thấy điện thoại hao pin khi bật 5G.
Các hãng Samsung, Apple thừa nhận 5G tiêu thụ pin nhiều hơn, khuyến cáo chuyển sang 4G nếu cần kéo dài thời lượng sử dụng. Dù vậy, mức tiêu hao pin còn phụ thuộc cơ sở hạ tầng của nhà mạng.
Theo Android Authority, các nhà mạng có 2 lựa chọn nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ 5G. Đầu tiên là 5G không độc lập (5G NSA) khi dữ liệu truyền qua 5G, cuộc gọi và tin nhắn vẫn định tuyến về 3G hoặc 4G.
Website của Samsung giải thích rằng 5G NSA đồng nghĩa smartphone phải kết nối cùng lúc 2 mạng, làm tăng mức tiêu thụ năng lượng. Trong khi đó, kiến trúc 5G độc lập (5G SA) không gặp tình trạng này do không phụ thuộc hạ tầng 4G.
Trong thời gian đầu, smartphone hỗ trợ 5G sử dụng modem rời thay vì tích hợp trực tiếp lên SoC. Điều này dẫn đến mức tiêu thụ năng lượng rất cao trên toàn bộ bảng mạch.
Tình hình dần cải thiện theo thời gian khi các nhà sản xuất tích hợp modem lên SoC. Dù vậy, kết nối 5G vẫn được đánh giá chưa hiệu quả bằng 4G.
Tình trạng hao pin có thể nghiêm trọng hơn nếu thiết bị nằm xa trạm phát sóng 5G. Khi đó, modem trên điện thoại phải liên tục tìm tín hiệu. Vì vậy, người dùng nên kiểm tra phạm vi phủ sóng của nhà mạng để cài đặt chế độ kết nối thích hợp.
Để so sánh, các loại smartphone 5G đời đầu có thời lượng pin kém hơn 1-2 tiếng so với chế độ 4G, chẳng hạn như iPhone 12. Để giải quyết điều này, Apple đã bổ sung chế độ dữ liệu thông minh (Smart Data) để tự động tắt 5G khi không cần đến.
Tương tự, nhiều người dùng Google Pixel 6 cho biết thời lượng pin cải thiện khi tắt 5G. Đến những thiết bị mới như iPhone 15 hay Pixel 8, sự chênh lệch thời lượng pin giữa 4G và 5G có thể nhỏ hơn.
Máy nóng nhanh
Tương tự trường hợp hao pin, 5G cũng có thể khiến nhiệt độ smartphone tăng cao, đặc biệt khi truyền dữ liệu dung lượng lớn trong thời gian dài.
Trong thử nghiệm được công bố vào tháng 8/2022 bởi SmartViser, một số smartphone đạt 48 độ C sau khoảng 20 phút tải dữ liệu qua 5G và hiện cảnh báo quá nhiệt. Nhiều máy thậm chí tắt ứng dụng, chuyển từ 5G về 4G để giảm nhiệt độ.
Trên diễn đàn hỗ trợ của Samsung và Apple, một số người dùng phản ánh tình trạng smartphone quá nóng khi dùng 5G.
Về cơ bản, nguyên nhân quá nhiệt tương tự hao pin do tải dữ liệu lớn bằng 5G, vùng phủ sóng kém khiến modem liên tục tìm kiếm tín hiệu.
Nếu bật Wi-Fi, người dùng sẽ không nhận thấy tình trạng quá nhiệt hay hao pin do thiết bị luôn đặt gần nguồn phát tín hiệu. Tất nhiên, điện thoại vẫn kết nối trạm phát sóng khi dùng Wi-Fi, nhưng modem không phải làm việc liên tục mà chỉ phục vụ gọi điện, nhắn tin.
Lo ngại quyền riêng tư
5G cũng đặt ra nhiều thách thức về quyền riêng tư. Đầu tiên là khả năng theo dõi chính xác vị trí. Nếu sử dụng băng tần cao (phạm vi phủ sóng thấp), các trạm 5G cần đặt gần nhau, tạo cơ hội để tin tặc thu hẹp phạm vi theo dõi vị trí.
Khi phủ sóng rộng rãi, 5G cho phép nhiều thiết bị Internet of Things (IoT) kết nối với nhau, từ nhà thông minh đến hạ tầng công nghiệp. Với lượng thiết bị kết nối lớn, tin tặc có thể tấn công làm ngưng trệ hệ thống, hoặc ăn cắp thông tin nhạy cảm từ lỗ hổng trong thiết bị.
Dù đặt ra nhiều lo ngại, các tổ chức như Hiệp hội Hệ thống Thông tin Di động Toàn cầu (GSMA) khẳng định nhà mạng, doanh nghiệp ứng dụng 5G có thể áp dụng một số giải pháp, chẳng hạn như mã hóa dữ liệu, kết hợp định vị bằng GPS để đảm bảo an toàn hạ tầng cũng như người dùng smartphone.