Theo The Verge, theo nhiều cách, thế giới số hiện nay như thể được tạo ra cách đây 20 năm, bởi khi đó hàng loạt sản phẩm, sự kiện xuất hiện, gây tiếng vang toàn cầu và đa số vẫn đang tồn tại.
Vào tháng 2/2004, Mark Zuckerberg, 19 tuổi, công khai một trang web có tên thefacebook.com, ban đầu hướng đến sinh viên Đại học Harvard. Khi đó, Internet còn khá sơ khai, các sản phẩm chủ yếu được tạo để tìm kiếm nội dung thay vì tập trung xây dựng cho từng cá nhân.
Sau 24 tiếng "chào đời", hơn 1.000 sinh viên đã đăng ký tài khoản trên website. Trong khuôn viên trường, nhiều người bàn tán về mạng xã hội mới. Đến cuối 2004, hàng chục trường đại học khác đã tham gia và Facebook thu hút một triệu người dùng hàng tháng.
Dù đã xuất hiện trước đó, các mạng xã hội khác khi đó không nắm bắt được nhu cầu của người dùng cho đến khi sản phẩm của Mark Zuckerberg ra đời. Với tính năng tìm kiếm người dùng và xem những thứ họ chọn chia sẻ về bản thân, cũng như yêu cầu kết bạn hoặc "chọc ghẹo", Facebook nhanh chóng được hưởng ứng.
Những năm tiếp theo, Facebook liên tục bổ sung tính năng, đặc biệt là News Feed năm 2006, cho phép theo dõi bài đăng của bạn bè. Năm 2023, nền tảng vượt ba tỷ người dùng hàng tháng.
iPod Mini
Trước 2004, mẫu iPod rẻ nhất có giá khởi điểm 299 USD. Khi đó, trên các diễn đàn, nhiều người chia sẻ mong muốn về một thiết bị Apple rẻ và nhỏ hơn.
Trên sân khấu Macworld vào tháng 1/2004, nhà đồng sáng lập Steve Jobs tuyên bố iPod đạt 31% thị phần máy nghe nhạc MP3, sau đó ông giới thiệu chiếc iPod Mini giá 249 USD. Ông gọi đây là lời hồi đáp của công ty trước nhu cầu mua máy MP3 gọn nhẹ và giá phải chăng.
Dù giá vẫn cao so với các đối thủ, iPod Mini được đánh giá đáng tiền hơn nhờ hàng loạt tính năng mới. Ngoài khả năng nghe nhạc chất lượng cao, máy hỗ trợ đài FM và ghi âm các chương trình của đài. Thiết bị cũng tương thích đa dạng phụ kiện, ổ cứng 4 GB có thể lưu 1.000 bài hát, nhiều tùy chọn màu sắc và khả năng chống trầy xước tốt hơn.
iPod Mini có thiết kế bánh xe điều khiển dạng cảm ứng mới dạng tròn kèm nhiều nút điều khiển. Chiếc iPod này được đánh giá là cầu nối giữa các mẫu cỡ lớn khi đó với các phiên bản Nano cỡ nhỏ về sau. Dù vậy, khi thời đại smartphone bùng nổ, thiết bị nghe nhạc dần biến mất. Apple "tạm biệt" hoàn toàn thương hiệu iPod vào năm 2022.
Gmail
Trước khi Gmail ra đời, người dùng phải sử dụng email thông qua dịch vụ trả phí, hoặc bản miễn phí với dung lượng lưu trữ ở mức MB. Do đó, khi Google ra mắt Gmail vào ngày Cá tháng Tư (1/4/2004) với dung lượng lưu trữ miễn phí đến 1 GB, nó được đánh giá "mang tính cách mạng", thậm chí nhiều người không tin và tưởng là trò lừa. Ngày nay, Gmail cung cấp 15 GB miễn phí.
Bên cạnh đó, Gmail cũng trang bị nhiều tính năng vượt xa các sản phẩm khác khi ra mắt. Khi gửi thư, máy chủ của Google tự động quét email cho nhiều mục đích như lọc thư rác và phần mềm độc hại, thêm quảng cáo theo ngữ cảnh.
Lượng người dùng Gmail tăng nhanh chóng sau khi trình làng. Năm 2016, nền tảng có một tỷ người dùng hoạt động, cũng là ứng dụng đầu tiên trên Google Play đạt một tỷ lượt cài đặt trên thiết bị Android. Đến 2019, dịch vụ này có 1,5 tỷ người dùng toàn cầu, là dịch vụ email lớn nhất thế giới.
World of Warcraft
World of Warcraft (WoW) là trò chơi trực tuyến nhập vai nhiều người chơi (MMORPG) do Activision Blizzard - hãng game được Microsoft mua lại với giá 68,7 tỷ USD năm 2021 - phát hành cuối 2004. Đây được xem là một trong số ít game trả phí tồn tại lâu đời nhất hiện nay.
WoW lấy cảm hứng từ bản offline WarCraft, ra mắt năm 1994, kể về cuộc chiến ác liệt giữa các chủng tộc trên lục địa Azeroth huyền bí. Game hiện có 7 triệu người đăng ký với mức phí 15 USD/tháng.
Angela Washko, họa sĩ vẽ một số nhân vật trong WoW, cho biết sức hút của game đến từ khả năng "mở rộng khái niệm về không gian công cộng". "Tôi thấy mối liên kết được tạo ra giữa các thành viên trong bang hội vượt ra ngoài không gian trò chơi, khi những người chơi bay khắp đất nước để gặp nhau", Washko nói. "Mức độ đắm chìm và xóa nhòa ranh giới giữa cuộc sống thực và thế giới ảo - một bước ngoặt thực sự trong văn hóa sử dụng máy tính".
"Xe tự hành"
Ngày 13/3/2004, nhiều người tập trung tại sa mạc Mojave để xem cuộc đua đặc biệt với giải thưởng một triệu USD: DARPA Grand Challenge - cuộc đua xe robot đầu tiên trên thế giới.
Trên đường đua đầy đất đá, 15 xe bắt đầu lăn bánh, trên thân trang bị nhiều cảm biến cùng decal từng đội. Kết quả, không có xe nào đến vạch đích: Một chiếc đâm vào bờ đất và lật nhào; chiếc khác bị kẹt trên đá; thậm chí có chiếc bị hỏng ở vạch xuất phát.
Nhưng với những người tham gia, kết quả trận đấu không quan trọng. Điểm họ hài lòng là lần đầu tiên ý tưởng về một "phương tiện tự hành" bắt đầu hình thành, đặt nền móng cho loại phương tiện tương tự sau này. "Nếu nhìn vào bức tranh toàn cảnh của tự động hóa, tốt hơn là không ai chiến thắng", William Whittaker, trưởng nhóm Red Team của Đại học Carnegie Mellon, nói tại cuộc thi sau đó.
Sự kiện DARPA Grand Challenge không phải "sản phẩm công nghệ", nhưng sau cuộc đua đầu tiên, hàng loạt dự án robot tự hành ra đời với nhiều nhân tài nổi lên. Chẳng hạn, Sebastian Thrun và Chris Urmson hiện lãnh đạo dự án xe tự lái của Google. Những người tham gia khác cũng lập công ty riêng về xe tự hành, hoặc sản xuất phương tiện tự động cho quân đội Mỹ.