Một đất nước có cường thịnh về kinh tế hay không phần chính là từ khối óc và bàn tay của các doanh nhân, DN. Thực tế hơn hai thập kỷ đổi mới, điều đáng mừng là nhận thức dùng hàng nội không chỉ vì yêu nước thương nòi nữa mà còn vì chất lượng cao, giá thành phù hợp với người tiêu dùng, độ tin cậy lớn. Tâm lý chuộng đồ ngoại, sính ngoại không còn phổ biến ở mức độ đáng phê phán như trước. Hàng hóa sản xuất trong nước đáp ứng tương đối toàn diện các đòi hỏi của nhiều đối tượng tiêu dùng. Nhiều thương hiệu Việt đã đứng vững trên thị trường. Thậm chí, nhiều mặt hàng Việt đã chiếm ưu thế so với hàng ngoại nhập. Việc hàng Việt ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng ở thị trường nội địa càng có ý nghĩa to lớn trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, việc xuất khẩu hàng hóa khó khăn.
Hàng sản xuất trong nước và trên địa bàn Hà Tĩnh đã từng bước khẳng định thương hiệu, tạo thế đứng trong lòng người tiêu dùng. |
Từ những hiệu ứng tích cực này, DN tiếp tục tự điều chỉnh, khắc phục những yếu kém để nâng cao trình độ tay nghề, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đó là sự trưởng thành của các DN Việt Nam và “sức khỏe” của cả nền kinh tế. Khi hàng Việt đủ sức đáp ứng về chất lượng, mẫu mã và giá cả thì sẽ chiếm được niềm tin của người tiêu dùng. Hướng vào khai thác thị trường nội địa, nghiên cứu và tiếp cận thành công xu hướng tiêu dùng trong nước chính là tạo sự ổn định lâu dài cho DN và cũng là thể hiện trách nhiệm của đội ngũ doanh nhân đối với nền kinh tế nước nhà.
Việt Nam đang trong lộ trình hội nhập sâu rộng hơn với kinh tế toàn cầu. Nhiều khó khăn đang chờ đợi các DN Việt Nam. Do đó, trong điều hành, quản lý, bên cạnh hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và hàng rào kỹ thuật thương mại để có thể tham gia “sân chơi” WTO một cách công bằng thì Nhà nước cũng có nhiều chính sách ưu tiên và khuyến khích sự phát triển của hàng Việt, hỗ trợ DN trong nước.
Mới đây, tại cuộc họp tổng kết 5 năm cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Ban chỉ đạo Trung ương đã đề ra nhiều mục tiêu cụ thể, trong đó đáng chú ý là phấn đấu đến năm 2020, 100% cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước ưu tiên mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước khi mua sắm công; 90% số xã ở địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa có cửa hàng bán hàng Việt… Rõ ràng, những giải pháp cụ thể và khả thi của cuộc vận động mang đến những tín hiệu tích cực về mặt chính sách, tạo cơ hội nhiều hơn cho DN phát triển thị trường nội địa.
Kỷ niệm 10 năm ngày Doanh nhân Việt Nam, niềm tin từ khách hàng sẽ cổ vũ để doanh nhân không ngừng lao động và sáng tạo, tạo nên nhiều sản phẩm tốt hơn nữa, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước.