Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệngầnn -ện ở New York, Mỹ ngày 7/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 6h00 ngày 11/4, dịch COVID-19 đã lây lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với tổng cộng 1.696.244 trường hợp mắc bệnh và 102.594 ca tử vong.
Mỹ vượt Italy số ca tử vong, Tổng thống lên kế hoạch "mở cửa lại" nền kinh tế
Mỹ tiếp tục là quốc gia hứng chịu nhiều thiệt hại về người nhất do dịch COVID-19, với 18.644 ca tử vong - lần đầu tiên vượt qua Italy, trong khi số bệnh nhân đang là 501.272 người, với 27.239 ca đã hồi phục.
Cùng ngày 10/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ sớm công bố các thành viên trong một hội đồng có nhiệm vụ tập trung vào quá trình mở cửa trở lại nền kinh tế của nước này sau khi đại dịch COVID-19 qua đi. Đây được xem là nhóm chuyên trách thứ hai của Tổng thống Trump trong thời điểm Mỹ đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ tác động của COVID-19. Ông Trump thừa nhận rằng quyết định khi nào mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ sẽ là thời khắc khó khăn nhất đối với ông. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết: “Tôi sẽ phải đưa ra quyết định và tôi hy vọng đó sẽ là một quyết định đúng đắn. Mặc dù vậy, đây vẫn sẽ là quyết định lớn nhất mà tôi thực hiện”.
Hiện Tổng thống Trump đang nỗ lực khôi phục lại nền kinh tế Mỹ sau nhiều tuần áp dụng các biện pháp chặt chẽ trong xã hội để hạn chế khả năng lây lan của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, ông cũng đối diện với các cảnh báo về khả năng bùng phát lại đại dịch nếu sớm dỡ bỏ các quy định về giãn cách xã hội.
Di chuyển thi thể bệnh nhân bên ngoài Bệnh viện Brooklyn, New York, ngày 9/4. Ảnh: AP
Trong lúc tình hình dịch diễn ra căng thẳng, kết quả cuộc thăm dò dư luận do kênh truyền hình Fox News công bố ngày 9/4 (giờ địa phương) cho thấy, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận được mức tín nhiệm cao nhất kể từ khi ông bước chân vào Nhà Trắng. Có tới 49% số người được hỏi bày tỏ sự tín nhiệm đối với Tổng thống Trump - tỷ lệ ủng hộ cao nhất từ khi ông nhậm chức năm 2017. Trong khi đó, tỷ lệ không tán thành đối với Tổng thống Mỹ đã giảm xuống còn 49%.
Trong khi đó, 77% số người được hỏi tán thành với phản ứng của chính quyền tiểu bang của họ đối với đại dịch COVID-19, và 56% thể hiện sự ủng hộ đối với phản ứng của chính quyền liên bang về vấn đề này, tăng nhẹ so với hồi tháng 3 vừa qua.
Cùng ngày, Thống đốc bang Texas Greg Abbott tuyên bố trong tuần tới ông sẽ ban hành sắc lệnh hành pháp yêu cầu mở lại các hoạt động kinh doanh. “Chúng tôi sẽ tập trung vào bảo vệ tính mạng nhưng cũng bảo vệ đời sống người dân. Chúng ta sẽ làm cả hai”, ông Abbott nói. Tính đế ngày 10/4, Texas có 11.449 ca dương tính và 221 ca tử vong.
Công nhân chôn lấp thi thể trong hố chôn tập thể trên đảo Hart, thành phố New York ngày 9/4. Ảnh: AP
Anh: Thủ tướng Johson bắt đầu đi lại được
Kênh CNN dẫn thông báo của người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng số 10 Phố Downing cho biết: “Thủ tướng đã có thể bước đi ngắn, thỉnh thoảng nghỉ một chút, như một phần trong quá trình chăm sóc giúp ông phục hồi”. Theo Phố Downing, Thủ tướng Johnson, 55 tuổi, “chỉ mới bắt đầu quá trình hồi phục” và “tiếp tục duy trì tinh thần rất tốt”. Hiện tại người đứng đầu Nội các Anh vẫn ở lại bệnh viện và sẽ tham khảo lời khuyên từ nhóm y tế của mình. Thủ tướng Johnson đã trải qua 3 đêm trong khu chăm sóc đặc biệt và được “thở ô xy mức tiêu chuẩn”, nhưng không cần tới xông khí cơ học hoặc xâm lấn. Ông Boris Johnson nhập viện hôm 6/4 sau khi bị những triệu chứng dai dẳng của bệnh COVID-19 trong suốt 10 ngày kể từ khi có kết quả xét nghiệm dương tính. Bệnh tình của Thủ tướng Anh đã xấu đi và ông được đưa vào khoa Chăm sóc đặc biệt ngày 7/4, gây “choáng váng” dư luận Anh.
Trong khi đó, ngày 10/4 nước Anh ghi nhận thêm 980 ca tử vong vì COVID-19, vượt qua con số kỷ lục về số người tử vong trong ngày của Tây Ban Nha và Italy. Tổng cộng đến nay Anh đã có 8.958 ca tử vong trên tổng số 73.758 ca nhiễm SARS-CoV-2.
Tây Ban Nha: Ca tử vong thấp nhất trong 17 ngày qua
Sau Mỹ, Tây Ban Nha hiện là nước có số bệnh nhân COVID-19 cao thứ hai thế giới, hơn 158.273 ca. Điểm tích cực là số ca mắc bệnh mới và ca tử vong trong ngày ở nước này đang theo chiều hướng đi xuống. “Đường cong dịch” tại Tây Ban Nha đã lên tới đỉnh điểm với trên 8.200 ca nhiễm virus trong một ngày vào 28/3, sau đó đang có xu hướng giảm dần, ngày 10/4 là 5.051 ca. Cùng ngày, số ca tử vong mới là 634, thấp nhất trong 17 ngày qua.
Italy: Tỉ lệ lây nhiễm lại tăng lên ở tâm dịch Lombardy
Nhà chức trách Italy đang kêu gọi người dân ở nhà trong dịp cuối tuần này trong bối cảnh tỉ lệ lây nhiễm lại tăng tại “điểm nóng” Lombardy ngay trước thềm lễ Phục sinh vào ngày Chủ nhật, 13/3. “Chúng tôi đã phân tích di chuyển của mọi người qua các các dữ liệu định vị và ở một số thành phố, trên các tuyến đường đến khu nghỉ dưỡng, chúng tôi nhận thấy có nhiều hoạt động đi lại hơn. Dữ liệu này có thể là bất thường hoặc có nghĩa là mọi người đang di chuyển đến ngôi nhà thứ hai của họ. Chúng ta phải nghỉ lễ Phục sinh ở nhà” - Thống đốc Fabrizio Sala phát biểu.
Ngày 10/4, Italy có thêm 570 ca tử vong và 3.951 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số lên 147.577 ca bệnh, trong đó 18.849 người đã tử vong. Có 30.455 bệnh nhân đã hồi phục tại nước này.
Bất chấp những tác động tới nền kinh tế, Chính phủ Italy cùng ngày đã gia hạn các biện pháp hạn chế đi lại đến ngày 3/5 nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời công bố sắc lệnh mới về giai đoạn 2 ứng phó với dịch bệnh. Thủ tướng Conte khẳng định: “Các dấu hiệu đường cong dịch bệnh rất tích cực và các giải pháp ngăn chặn đã mang lại kết quả”. Tuy nhiên, chính phủ không thể chờ cho virus biến mất khỏi lãnh thổ và công tác phòng chống dịch bệnh giai đoạn 2 đã bắt đầu, dựa trên 2 trụ cột: một nhóm chuyên gia làm việc và các biện pháp đảm bảo an toàn tại nơi làm việc. Theo sắc lệnh mới, các cửa hàng văn phòng phẩm, quần áo trẻ em, giặt là và một số hoạt động sản xuất có thể mở cửa trở lại sau ngày 14/4.
Các nước châu Âu khác: "Đường cong dịch" vẫn chưa đi xuống
Tại nhiều nước châu Âu khác, đường cong biểu thị số ca mắc và tử vong do COVID-19 vẫn chưa có chiều hướng đi xuống, thậm chí ở một số nước còn ghi nhận mức tăng kỷ lục trong ngày.
Giới chức y tế Bồ Đào Nha đã xác nhận thêm 1.516 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ đồng hồ qua. Đây là mức tăng cao nhất trong ngày kể từ khi bùng phát dịch COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh ở nước này lên 15.472 ca. Số ca tử vong tăng thêm 26 người lên 435 ca. Bộ Y tế Thụy Sĩ thông báo số bệnh nhân COVID-19 tử vong hiện là 805 ca, tăng so với 756 ca một ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh cũng tăng từ 23.574 ca lên 24.308 ca. Còn Hà Lan đã ghi nhận thêm 1.335 ca mắc COVID-19 và 115 ca tử vong, nâng tổng số bệnh nhân lên con số 23.097 ca và 2.511 bệnh nhân đã qua đời.
Tại Bỉ , giới chức thông báo ngày 10/4, nước này đã ghi nhận số ca tử vong lên tới hơn 3.000 kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, trong khi số người nhiễm bệnh cũng tăng thêm 1.684 lên mức 26.667. Trong 24 giờ qua, Anh ghi nhận thêm 866 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên thành 8.114 người.
Chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở Brussels, Bỉ ngày 25/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Pháp xác nhận hàng chục ca mắc COVID-19 trong tổng số 1.760 thành viên thủy thủ đoàn trên tàu sân bay Charles de Gaulle của nước này.
Cùng ngày, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của LB Nga cho biết nước này đã ghi nhận thêm 1.786 ca mắc COVID-19, đưa tổng số người mắc bệnh lên 11.917. Đây là ngày ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng cao kỷ lục. Cũng trong 24 giờ qua, số ca tử vong tại Nga đã tăng thêm 18. Như vậy, tính tới nay, Nga đã ghi nhận 94 người tử vong do COVID-19. Thủ đô Moskva vẫn là địa phương có số người mắc COVID-19 trong ngày cao nhất với 1.124 trường hợp, đưa tổng số ca bệnh tại thành phố này lên con số 7.822 người.
Hungary cũng ghi nhận số ca mắc bệnh cao nhất trong ngày, tăng 210 ca lên con số 1.190 người. Trước tình hình dịch bệnh lây lan mạnh, ngày 9/4, Thủ tướng Viktor Orban (Vích-to O-ban) đã quyết định kéo dài vô thời hạn lệnh phong tỏa toàn quốc.
Một số người dân ở Moskva (Nga) vẫn chưa đeo khẩu trang. Ảnh: Duy Trinh - P/v TTXVN tại LB Nga
Nam Mỹ: Bộ tộc trong rừng sâu Amazon có ca tử vong đầu tiên
Các nước châu Mỹ tiếp tục ghi nhận nhiều ca nhiễm mới như Ecuador (tăng thêm 515 ca), Chile (thêm 426 bệnh nhân mới), Mexico (thêm 260 ca mới). Đặc biệt một bộ tộc trong rừng sâu Amazon có ca nhiễm đầu tiên. Đó là một thiếu niên 15 tuổi, bộ tộc Yanomami tử vong do COVID-19 ở miền bắc Brazil. Bệnh nhân nhập viện một tuần trước đó. Ngôi làng nơi bệnh nhân sinh sống được cho là lây bệnh từ những người khai thác mỏ trái phép trong rừng
Tại Iran , Bộ Y tế nước này ngày 10/4 thông báo đã ghi nhận thêm 122 ca tử vong do COVID-19, đưa tổng số ca tử vong lên 4.232 người. Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm mới tại nước này cũng tăng thêm 1.972 lên 68.192. Iran là quốc gia Trung Đông bị ảnh hưởng lớn nhất từ dịch COVID-19, nhưng nước này cũng đã ghi nhận 35.465 người khỏi bệnh.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Qom, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN
Cùng ngày, Thái Lan thông báo có thêm 50 ca nhiễm mới và 1 trường hợp tử vong, đưa tổng số người mắc COVID-19 tại nước này lên 2.473 và số ca tử vong lên 33.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã kêu gọi người dân ở trong nhà trong dịp Tết cổ truyền Songkran (lễ hội té nước mừng Năm mới) để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Ông Chan-o-cha khuyến cáo người dân nên ở nhà thay vì tới thăm người thân trước hoặc trong dịp Tết Songkran, từ ngày 13-15/4 tới. Chính phủ Thái Lan đã chính thức hoãn kỳ nghỉ và hoạt động té nước trên toàn quốc dịp Tết Songkran. Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cũng đã thông báo điều chỉnh lại lệnh giới nghiêm đối với một số đối tượng, cho phép một số nhóm hoặc khu vực được miễn trừ lệnh cấm ra khỏi nhà vào ban đêm để tạo thuận lợi cho công việc của họ.
Ngày 10/4, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã quyết định kéo dài Mệnh lệnh Kiểm soát Di chuyển (MCO) thêm hai tuần, đến ngày 28/4, sau khi nước này ghi nhận tổng cộng 4.346 ca mắc COVID-19, trong đó 68 người đã tử vong. Còn theo Bộ Y tế Indonesia, ngày 10/4, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận thêm 219 trường hợp mắc COVID-19 mới và 26 ca tử vong. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này hiện là 3.512 và 306 người tử vong.
Cảnh sát Indonesia tại một chốt kiểm soát ở Jakarta, ngày 10/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Tại Ấn Độ, Bộ Y tế nước này cùng ngày thông báo số ca tử vong do dịch COVID-19 hiện đã lên tới 199 ca và tổng số ca được xác nhận mắc bệnh này là 6.412 ca. Trên toàn khu vực Nam Á, số ca mắc COVID-19 đã vượt ngưỡng 12.000 người.
Trong khi đó, Israel đã ghi nhận số ca tử vong mới trong ngày cao kỷ lục, với 13 ca, cao nhất trong ngày kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên, nâng tổng số ca tử vong lên 87.
Còn tại Algeria, Ủy ban Giám sát khoa học về diễn biến của đại dịch COVID-19 cho biết, tính đến chiều 9/4 (giờ địa phương), nước này đã có thêm 94 số ca nhiễm mới và 30 ca tử vong mới, nâng tổng số lên 1.666 ca nhiễm với 235 ca tử vong. Đây là số ca tử vong được ghi nhận trong một ngày cao nhất kể từ khi đầu dịch tại Algeria. Hiện Algeria xếp thứ 3 ở châu Phi về số ca, sau Nam Phi và Ai Cập, nhưng lại là quốc gia có số ca tử vong cao nhất châu lục với tỷ lệ trên 14%. Hiện 5 quốc gia có số ca mắc cao nhất tại châu Phi theo thứ tự gồm Nam Phi, Algeria, Ai Cập, Maroc và Tunisia.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 vào một bệnh viện ở Daegu, Hàn Quốc ngày 18/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN
WHO cảnh báo thận trọng dỡ bỏ hạn chế
Ngày 10/04, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo các nước nên thận trọng về việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng chống sự lây lan đại dịch COVID-19. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh việc dỡ bỏ những biện pháp hạn chế có thể dẫn đến sự hồi sinh “chết người” của dịch bệnh. Ông nói: “Vào thời điểm này, một số nước đang lên kế hoạch nới lỏng các quy định về giãn cách xã hội. Tuy nhiên, chúng tôi phải cảnh báo rằng việc dỡ bỏ quá sớm có thể dẫn tới sự bùng phát trở lại của dịch bệnh. Nếu không xử lý hợp lý, quá trình nới lỏng các quy định có thể nguy hiểm như thời điểm dịch bệnh lây lan”.
Theo Tổng giám đốc WHO, quyết định dỡ bỏ các biện pháp hạn chế cần được cân nhắc dựa trên tình hình kiểm soát dịch bệnh, cũng như khả năng ứng phó của lực lượng y tế. Ông cho rằng cần phải có các biện pháp đề phòng tại những nơi đông người như ở công sở, trường học hay các địa điểm quan trọng. Ngoài ra, người dân cũng cần được nâng cao nhận thức về dịch bệnh trong thời điểm trước khi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế.