Điều trị cho trẻ mắc khuyết tật trí tuệ là một sứ mệnh

(Baohatinh.vn) - Bằng tình yêu thương, trách nhiệm, bác sĩ Nguyễn Thị Hà (Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh) luôn nỗ lực trong điều trị phục hồi chức năng, giúp trẻ tự kỉ hòa nhập cộng đồng.

Đều đặn, mỗi ngày từ sáng sớm bác sĩ CKI Nguyễn Thị Hà (SN 1981) - Phó Trưởng khoa Nội nhi, phụ trách Đơn vị Phục hồi chức năng nhi khoa (Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh) lại cùng với các y, bác sĩ trong khoa thực hiện việc điều trị, can thiệp cho trẻ em mắc chứng tự kỷ, tăng động, chậm phát triển…

Công việc có khi kéo dài đến 7-8 giờ tối nhưng trước những bệnh nhân đặc biệt và bố mẹ của trẻ, nữ bác sĩ luôn giữ thái độ ôn hòa, gần gũi.

z5941252746795-9762cc9aec3c3019840b66fc61326743-9056.jpg
Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Hà

Năm 2005, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Quân y 2 (Đà Nẵng), chị về công tác tại Khoa Người bệnh cao tuổi (Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh). Đến năm 2009, chị tiếp tục theo học bác sĩ đa khoa tại Đại học Y dược Hải Phòng trong thời gian 4 năm và trở về đảm nhận công việc tại Khoa Nội nhi. Năm 2014, khi Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh triển khai mảng nhi khoa, bác sĩ Hà được giao nhiệm vụ kết hợp thêm công tác điều trị phục hồi chức năng nhi khoa. Tháng 8/2023, khi mảng điều trị phục hồi chức năng nhi khoa được tách thành một đơn vị độc lập thì bác sĩ Hà được giao phụ trách trực tiếp.

“Tôi lựa chọn mảng chăm sóc, điều trị cho trẻ khuyết tật trí tuệ bởi với tôi, đây không chỉ là một công việc mà còn là một sứ mệnh. Việc dạy dỗ và hỗ trợ những bệnh nhân này không chỉ giúp các em hòa nhập cộng đồng mà còn mang lại niềm vui và hy vọng cho cả gia đình", bác sĩ Hà chia sẻ.

z5932922988303-399278ea2a0c89e34287edd129f885a9-648.jpg
Bác sĩ Hà luôn kiên trì, nhẫn nại khi điều trị cho trẻ tự kỷ, chậm nói, chậm phát triển...

Trong nhiều năm gắn bó với việc dạy, can thiệp, điều trị cho trẻ tự kỷ, chậm nói, chậm phát triển… bác sĩ Hà đã tiếp xúc rất nhiều trường hợp đặc biệt song với chị, câu chuyện của cháu N.T.N. (quê xã Cẩm Lĩnh, Cẩm Xuyên) vẫn là kỷ niệm khó quên. Gia đình cháu N. thuộc diện hộ nghèo, bố mẹ bận rộn làm thuê mưu sinh nên thiếu sự quan tâm dành cho con. Khi N. được 3 tuổi, thấy cháu chậm nói, không giao tiếp với bố mẹ, không tập trung... nên chị N.T.H. - mẹ cháu N. mới đưa con tới thăm khám.

Bác sĩ Hà nhớ lại: "Khi được bác sỹ báo tin con có dấu hiệu tự kỷ, chị H. khóc và ân hận vì không dành nhiều thời gian quan tâm đến con. Giọt nước mắt của chị H. khiến tôi trăn trở. Sau đó, tôi dành nhiều thời gian để tiếp xúc với cháu N. và từng bước "đi vào" thế giới riêng của cháu. Khi hiểu được tình trạng của N., tôi phác thảo nên một giáo án riêng để can thiệp, điều trị cho cháu. Ròng rã suốt 3 năm, tôi kiên trì chỉ dạy N. từng chút một, từ cách giao tiếp cho tới nhận biết màu sắc, đồ vật... Trong quá trình đó, đã có lúc cháu không tự chủ mà la hét, đập phá đồ đạc... nhưng tôi không nản chí mà càng thêm quyết tâm phải chỉ dạy, giúp cháu sớm được hòa nhập".

z5941251803709-c07c2ac90d9d43a1277a9317d56dd017-9576.jpg
Bác sĩ Hà khám cho bệnh nhi được điều trị, can thiệp tại Đơn vị Phục hồi chức năng nhi khoa (Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh).

Dần dần, với sự kiên trì của bác sĩ Hà, cháu N. đã chịu tương tác. Từ tiếng "dạ" rất khẽ cho đến việc cháu chịu giao tiếp, chơi cùng các bạn... là những niềm vui to lớn với chị Hà và phụ huynh. Chị N.T.H. - mẹ cháu N. chia sẻ: “Với sự kiên trì, nhẫn nại của bác sĩ Hà, năm 6 tuổi, con tôi đã có thể đi học với các bạn cùng trang lứa. Đến nay, cháu đã 8 tuổi và hoàn toàn bình phục, hòa nhập tốt với bạn bè, trường lớp. Gia đình rất mừng và luôn biết ơn sự giúp đỡ nhiệt tình của bác sĩ Hà và các y, bác sĩ”.

Trong suốt gần 10 năm qua, bác sĩ Hà cùng đội ngũ y, bác sĩ, kỹ thuật viên của Đơn vị Phục hồi chức năng nhi khoa đã nỗ lực điều trị, can thiệp giúp cho hàng trăm trẻ em bị khuyết tật trí tuệ được hoà nhập cộng đồng.

Bên cạnh tình yêu thương, sự nhẫn nại dành cho trẻ em khuyết tật trí tuệ, bác sĩ Hà còn dành nhiều thời gian cùng đồng nghiệp nghiên cứu các đề tài khoa học như: Tỷ lệ hiện mắc và hiệu quả can thiệp rối loạn phổ tự kỷ trẻ em từ 18-60 tháng tại Hà Tĩnh; Đánh giá hiệu quả phục hồi chức năng vận động thô cho trẻ bại não đang điều trị tại bệnh viện; Kiến thức, thực hành của các bà mẹ có con bại não thể co cứng đang điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng… Những đề tài này đã nhận được sự đánh giá cao của các cơ quan chuyên môn, góp phần quan trọng vào việc can thiệp, điều trị cho trẻ em bị khuyết tật trí tuệ.

Những cống hiến của bác sĩ Nguyễn Thị Hà đã được các cấp đánh giá, ghi nhận bằng nhiều giấy khen, bằng khen. Tuy nhiên, với bác sĩ Hà, niềm hạnh phúc nhất là khi hàng trăm đứa trẻ dần cải thiện khả năng hòa nhập. Đó là động lực để chị tiếp tục nỗ lực, cố gắng cống hiến, gắn bó với nghề.

z5939299133867-746192fbe9276e69e410e0d68c1ae8f2-6095.jpg
Bác sĩ Hà còn là một người thầy tận tình, luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức với các đồng nghiệp trẻ.

Bác sĩ Hà là một lãnh đạo khoa có năng lực chuyên môn tốt, có ý thức trong việc nâng cao năng lực về điều trị cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển, chậm nói… Với sự kiên trì, trách nhiệm và tình yêu thương, bác sĩ Hà luôn dành thời gian quan tâm đến sự phát triển toàn diện của trẻ, giúp trẻ hòa nhập cộng đồng, có một cuộc sống ý nghĩa.

Cùng với việc hoàn thành tốt trọng trách đối với người bệnh, bác sĩ Hà còn là một người thầy tận tình, luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức với các đồng nghiệp trẻ, từ đó, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại Khoa Nội nhi nói riêng, Bệnh viện Phục hồi chức năng nói chung.

Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Diện – Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.