Từ ngày 1/10 đến nay, trên địa bàn huyện Hương Khê ghi nhận có 38 bệnh nhân mắc sốt phát ban, trong đó, 31 bệnh nhân tại xã Hương Trạch, 1 bệnh nhân tại xã Lộc Yên, 1 bệnh nhân ở xã Hương Xuân, 4 bệnh nhân ở xã Hương Lâm, 1 bệnh nhân ở xã Phúc Trạch. Các bệnh nhân đến cơ sở y tế điều trị với triệu chứng điển hình sốt 38,5º - 39,5º, phát ban toàn thân kèm theo ngứa.
Bác sỹ Nguyễn Trường Lâm – Giám đốc Y tế huyện Hương Khê cho biết: “Qua điều tra cho thấy các trẻ bị bệnh có tiếp xúc với nhau (trong gia đình, trong cùng lớp học). Hiện đã có 10/11 mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân ở xã Hương Trạch tìm thấy vi-rút sởi, 1 bệnh nhân tại xã Lộc Yên âm tính. Các mẫu khác đang tiếp tục được xét nghiệm. Sau khi được đưa đến các cơ sở y tế để điều trị thì đến nay đã có 9 bệnh nhân khỏi bệnh, 21 bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Y tế huyện đủ điều kiện xuất viện và 8 bệnh nhân đang điều trị tại các trạm y tế với sức khỏe ổn định”.
Ổ dịch sởi tại Hương Khê là ổ dịch thứ 2 xuất hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh từ đầu năm đến nay. Trước đó, tại huyện Đức Thọ cũng đã xuất hiện một ổ dịch sởi với 66 ca mắc, chủ yếu các bệnh nhân lan trong trường học. Tổng lũy kế số ca mắc sởi trên toàn tỉnh từ đầu năm đến nay đã lên 76 ca và dự báo con số này sẽ có thể tăng lên khi có các kết quả xét nghiệm của các bệnh nhân khác tại Hương Khê.
“Xác định nguy cơ lây lan của ổ dịch nên chúng tôi đang theo dõi sát tình hình sức khoẻ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh, để kịp thời phát hiện những ca nghi ngờ mắc bệnh, hướng dẫn công tác vệ sinh cá nhân, phòng chống dịch phù hợp. Đồng thời, chỉ đạo trạm y tế các xã, thị trấn điều tra tình hình diễn biến của dịch bệnh tại các trường học, cộng đồng và các cơ sở y tế trên địa bàn. Tổ chức điều tra, rà soát các trẻ trong độ tuổi chưa được tiêm vắc-xin phòng sởi, sởi - Rubella để có kế hoạch tiêm bù, tiêm vét” – bác sỹ Nguyễn Trường Lâm cho biết thêm.
Qua các ổ dịch tại Hương Khê và Đức Thọ cho thấy nguy cơ dịch sởi bùng phát, lây lan sẽ rất tiềm ẩn nếu người dân chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch.
Thạc sỹ Nguyễn Chí Thanh – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Việc xuất hiện các ca mắc sởi đã được ngành y tế cảnh báo và khuyến cáo từ sớm. Nguyên nhân là do thời tiết diễn biến thất thường. Đặc biệt, dù đã tập trung cao cho công tác tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ bao phủ cao, tuy nhiên, hàng năm vẫn còn khoảng 5% người dân chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ do không đi tiêm hoặc không nắm rõ lịch tiêm phòng. Con số này tích lũy dần qua các năm khiến cho số lượng người chưa tiêm phòng vắc-xin lớn dần, dẫn đến khả năng miễn dịch kém. Ngoài ra, khi có các triệu chứng nghi ngờ thì người bệnh lại không được điều trị kịp thời nên dẫn đến lây lan dịch bệnh nhất là ở trong trường học, mật độ các em tiếp xúc với nhau rất lớn”.
Được biết, hiện nay, bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, dễ lây lan qua đường hô hấp, qua các giọt bắn của người mắc bệnh hoặc có thể qua tiếp xúc trực tiếp, qua bàn tay bị nhiễm dịch tiết của người bệnh. Những nơi tập trung đông người như: nơi công cộng, trường học... có nguy cơ rất cao lây lan dịch sởi.
Tiêm vắc-xin là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh. Hiện nay, tại tất cả các địa phương trong toàn tỉnh đều có nguồn vắc-xin để đáp ứng nhu cầu tiêm phòng cho người dân. Riêng, ngành Y tế Hà Tĩnh cũng vừa phân bổ thêm 2.478 liều vắc-xin cho một số địa phương có tỷ lệ trẻ em từ 1 đến 10 tuổi chưa được tiêm đủ mũi vắc-xin theo quy định, và ưu tiên cho các nhân viên y tế có nguy cơ nhiễm bệnh cao khi thực hiện nhiệm vụ tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi.
Trước những nguy cơ tiềm ẩn của dịch sởi, ngành Y tế Hà Tĩnh khuyến cáo người dân tuyệt đối không chủ quan lơ là. Chủ động đưa trẻ đi tiêm vắc-xin sởi, tiêm đầy đủ và đúng lịch. Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hằng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ.
Đối với nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng. Thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường. Đặc biệt, khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời, tránh để lây lan rộng. Cùng với đó, các địa phương thường xuyên rà soát và làm tốt công tác quản lý đối tượng, quản lý mũi tiêm để có thể kịp thời tiêm bù cho trẻ khi có vắc-xin được phân bổ.