Doanh nghiệp dệt may Hà Tĩnh “sống khỏe” giữa mùa dịch, tạo việc làm cho gần 10.000 lao động

(Baohatinh.vn) - Trong lúc COVID-19 ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh thì các doanh nghiệp dệt may ở Hà Tĩnh vẫn có doanh thu tăng trưởng khá.

Đều đặn mỗi ngày, Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Appareltech (Đức Thọ) xuất 2 xe container với gần 1.000 thùng hàng quần áo thời trang đi thị trường Hàn Quốc và các nước châu Âu. Để không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, công ty duy trì 18 dây chuyền may với hơn 1.300 công nhân.

Doanh nghiệp dệt may Hà Tĩnh “sống khỏe” giữa mùa dịch, tạo việc làm cho gần 10.000 lao động

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Appareltech.

Bà Lê Thị Thanh Nhường – cán bộ Phòng Hành chính nhân sự, Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Appareltech cho biết: “Chính thức đi vào hoạt động từ cuối tháng 9/2020, đơn vị mới chỉ có 400 công nhân nhưng hiện đã tăng thêm gần 1.000 người. Trong bối cảnh dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng riêng với lĩnh vực may mặc xuất khẩu thì thị trường dồi dào, công nhân làm không hết việc”.

Doanh nghiệp dệt may Hà Tĩnh “sống khỏe” giữa mùa dịch, tạo việc làm cho gần 10.000 lao động

Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Appareltech may quần áo thời trang xuất khẩu thị trường Hàn Quốc và các nước châu Âu.

Mở rộng quy mô sản xuất, tăng số lượng dây chuyền và công nhân nên 9 tháng năm 2021, công ty đạt doanh thu khoảng 32 tỷ đồng, tăng so với cả năm 2020 gần 25 tỷ đồng. Hiện nay, công ty đang tiếp tục tuyển dụng lao động để đáp ứng quy mô sản xuất với số lượng từ 3.500 - 5.000 người.

Cũng đang duy trì “sức khỏe” tốt, thời điểm này, Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh đã tuyển được 1.900 công nhân cho 37 dây chuyền trong 3 nhà xưởng. Số công nhân này tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020. Từ đầu năm đến nay, doanh thu của công ty đạt hơn 45 tỷ đồng, đóng nộp ngân sách Nhà nước hơn 1 tỷ đồng.

Doanh nghiệp dệt may Hà Tĩnh “sống khỏe” giữa mùa dịch, tạo việc làm cho gần 10.000 lao động

Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh sản xuất găng tay xuất khẩu.

Bà Phan Thị Thanh Giang – Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh cho biết: “Theo kế hoạch, đến cuối năm, công ty sẽ tuyển đủ 2.500 công nhân nên hiện nay phòng nhân sự vẫn đang tích cực triển khai công tác tuyển dụng lao động. Để tạo điều kiện cho công nhân ở những địa bàn xa như: Thạch Hà, Lộc Hà, Vũ Quang… chúng tôi đã bố trí xe ô tô đưa đón nên người lao động lựa chọn gắn bó với công ty nhiều hơn".

Doanh nghiệp dệt may Hà Tĩnh “sống khỏe” giữa mùa dịch, tạo việc làm cho gần 10.000 lao động

Công nhân Công ty CP May xuất khẩu MTV đóng gói đơn hàng để giao cho đối tác.

Không chỉ những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp may mặc nội địa cũng đang “ăn nên làm ra”. Tại Công ty CP May xuất khẩu MTV (CCN Bắc Cẩm Xuyên), đầu năm 2021, chủ đầu tư đã “rót” thêm 12 tỷ đồng để xây dựng thêm nhà xưởng, mở rộng dây chuyền sản xuất nhằm tranh thủ cơ hội trong bối cảnh doanh nghiệp Hàn Quốc về Hà Tĩnh tìm đối tác.

Theo Sở Công thương, Hà Tĩnh hiện có trên 10 doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực dệt may và đang tạo việc làm thường xuyên cho gần 10.000 lao động. Tiêu biểu như: Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Appareltech, Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh, Công ty CP May xuất khẩu MTV, Công ty CP Sản xuất đầu tư và thương mại TAAD Hà Tĩnh, Công ty Cổ phần Vinatex Hồng Lĩnh, Công ty CP Bao bì Sông La Xanh… Ngoài ra, ở các huyện/thị/thành phố cũng có nhiều cơ sở may gia công quy mô dưới 100 lao động.

Doanh nghiệp dệt may Hà Tĩnh “sống khỏe” giữa mùa dịch, tạo việc làm cho gần 10.000 lao động

Dây chuyền may của Công ty CP Sản xuất đầu tư và thương mại TAAD Hà Tĩnh.

Khi các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực may mặc ở Trung Quốc dịch chuyển về Việt Nam tìm kiếm thị trường mới với nguồn lao động dồi dào thì làn sóng thu hút đầu tư trong lĩnh vực may mặc ở Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng có nhiều triển vọng.

Đặc biệt, giữa lúc đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực thì làn sóng đầu tư trong lĩnh vực dệt may tại Hà Tĩnh đang “đón” nhiều tín hiệu vui. Theo đó, Nhà máy May Pro Sports Nghi Xuân với tổng vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng đang chuẩn bị khởi công; UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà máy sợi Nghệ Tĩnh tại CCN Nam Hồng (TX Hồng Lĩnh) với tổng mức đầu tư gần 600 tỷ đồng. Mới đây, một doanh nghiệp lớn ở Hàn Quốc cũng đang về khảo sát và tìm hiểu để xúc tiến đầu tư dự án may tại CCN Hạ Vàng (Can Lộc).

Doanh nghiệp dệt may Hà Tĩnh “sống khỏe” giữa mùa dịch, tạo việc làm cho gần 10.000 lao động

Công nhân may bao bì xuất khẩu tại Công ty CP Bao bì Sông La Xanh (Đức Thọ)

Với nhiều thuận lợi trên thị trường, các doanh nghiệp dệt may ở Hà Tĩnh đang duy trì “sức khỏe” tốt với doanh thu tăng trưởng khá. Kỳ vọng rằng, thời gian tới, Hà Tĩnh sẽ thu hút thêm nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư trên lĩnh vực công nghiệp dệt may để tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho lao động địa phương.

Chủ đề NGÀY DOANH NHÂN VIỆT NAM

Chủ đề DOANH NHÂN HÀ TĨNH

Đọc thêm

Thị xã Hồng Lĩnh tạo đột phá, vươn tầm cao mới

Thị xã Hồng Lĩnh tạo đột phá, vươn tầm cao mới

Hai năm liền đứng đầu về chỉ số DDCI, thu hút đầu tư đạt được nhiều kết quả quan trọng cho thấy TX Hồng Lĩnh đang vững bước trên hành trình trở thành đô thị hạt nhân phía Bắc Hà Tĩnh.