Một số điểm đến hấp dẫn ở Hà Tĩnh (theo thứ tự từ trái qua, phía trên xuống lần lượt là: Khu di tích Nguyễn Du, Chùa Hang, Đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn trong lòng hồ Kẻ Gỗ, Hoành Sơn Quan). Ảnh: tư liệu
"Đỏ mắt" tìm nhân lực
Nhiều năm qua, nhân sự luôn là bài toán chưa có lời giải đối với nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch của Hà Tĩnh. Đặc biệt, sau thời kỳ các hoạt động du lịch bị đóng băng do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiều lao động trong ngành đã chuyển nghề khiến các doanh nghiệp này càng “đau đầu” hơn.
Bà Thân Thị Nghị - Giám đốc Khách sạn Thiên Ý (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên) cho biết: “Nhân sự là vấn đề trăn trở của chúng tôi nhiều năm nay, nhất là trong bối cảnh ngành du lịch mở cửa trở lại sau dịch COVID-19. Dịp tháng 6 đến tháng 9/2022 vừa qua, khi du lịch hồi phục trở lại, ngoài đăng tin tuyển dụng, chúng tôi đã nhiều lần trực tiếp đến các cơ sở đào tạo trong tỉnh để tìm kiếm lao động nhưng vẫn không tuyển được”.
Khách sạn Thiên Ý hiện chỉ có 23 cán bộ, nhân viên đã được đào tạo tay nghề.
Thiên Ý là một trong những khách sạn khá lớn ở Khu du lịch Thiên Cầm với quy mô 98 phòng, 255 giường cùng một nhà hàng có sức chứa khoảng 200 khách. Trong dịp hè 2022 vừa qua, nhiều thời điểm, công suất hoạt động phòng ở đây luôn đạt 100%. Tuy nhiên, khách sạn chỉ có 23 cán bộ, nhân viên làm việc. Không tuyển thêm được nhân sự có tay nghề, khách sạn buộc phải hợp đồng thời vụ với lao động phổ thông, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.
Thiếu nhân sự cũng là tình trạng kéo dài ở KDL sinh thái Hải Thượng (Hương Sơn) trong thời gian qua.
Toàn cảnh Khu du lịch sinh thái Hải Thượng (Hương Sơn)
Anh Trần Đình Song - cán bộ quản lý ở KDL sinh thái Hải Thượng cho biết: “Trước khi dịch COVID-19 xuất hiện, chúng tôi có 60 lao động làm việc với tỷ lệ được đào tạo bài bản là 60%. Tuy nhiên, hiện còn 40 người, trong đó chỉ có 16 người được đào tạo các ngành liên quan đến du lịch. Thời điểm này, mỗi ngày cơ sở đón từ 100-300 khách, do đó, bộ phận quản lý nhân sự vẫn luôn tuyển lao động và đặc biệt ưu tiên những người có tay nghề”.
Du khách sử dụng dịch vụ tắm bùn khoáng tại KDL sinh thái Hải Thượng, dịp cuối tuần đầu tháng 10/2022.
Không chỉ các cơ sở lưu trú, tình trạng “đỏ mắt” tuyển nhân sự có tay nghề cũng xảy ra ở các doanh nghiệp du lịch Hà Tĩnh hiện nay.
Chị Đào Thị Ánh Linh - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Green (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Là một công ty chuyên về lữ hành, vị trí hướng dẫn viên dẫn đoàn luôn được chúng tôi dành nhiều ưu đãi. Tuy nhiên, tìm được người đáp ứng yêu cầu rất khó. Vì vậy, dịp từ tháng 6 đến tháng 9/2022 vừa qua, tôi phải trực tiếp dẫn hàng chục đoàn khách tham quan trong và ngoài tỉnh. Với vai trò quản lý, đó là việc chúng tôi không mong muốn nhưng thiếu nhân sự nên đành chấp nhận”.
Chị Đào Thị Ánh Linh - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Green -TP Hà Tĩnh (người cầm cờ) trong một lần dẫn đoàn khách tham quan TP Đà Lạt vào dịp tháng 8/2022.
Theo Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có 3.500 lao động làm việc trong ngành du lịch. Để đáp ứng đủ nhu cầu, ngành Du lịch Hà Tĩnh vẫn thiếu khoảng hơn 3.000 lao động ở nhiều vị trí. Mặt khác, trong số 3.500 lao động đang làm việc, số người được đào tạo tay nghề chỉ chiếm 45%.
Thiếu nhân lực được đào tạo không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dịch vụ du lịch ở thời điểm hiện tại mà còn tạo ra nhiều hệ lụy khác đối với ngành du lịch trong tương lai. Đáng chú ý nhất là sự thiếu chuyên nghiệp khiến du khách có ấn tượng không tốt về du lịch Hà Tĩnh.
Nhân viên bộ phận buồng phòng khách sạn Eagle (TP Hà Tĩnh) dọn dẹp phòng nghỉ.
"Chảy máu" lao động do chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng
Dịch COVID-19 là nguyên nhân trực tiếp khiến ngành du lịch thiếu hụt nguồn nhân lực khi hoạt động trở lại. Tuy nhiên, đối với ngành Du lịch Hà Tĩnh, câu chuyện này không phải chỉ diễn ra gần đây. Theo số liệu thống kê của Sở VH-TT&DL, năm 2018, toàn tỉnh có 5.500 lao động trực tiếp trong ngành du lịch, trong đó có 2.340 người được đào tạo từ trung cấp đến sau đại học, chiếm tỷ lệ gần 43%; năm 2019, có 7.000 lao động, trong đó có 2.940 người được đào tạo, tỷ lệ 42%; năm 2020, số lượng và tỷ lệ không có nhiều biến động.
Năm 2022, trong 3.500 lao động đang làm việc trong ngành du lịch chỉ có 1.470 người được đào tạo tay nghề (trong đó, người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên là 595 người, trung cấp và đào tạo nghề 875 người).
Trong khi đó, theo khảo sát của chúng tôi, hằng năm, chỉ tính riêng các cơ sở đào tạo những ngành, nghề về du lịch trong tỉnh đã có khoảng 500-700 sinh viên tốt nghiệp. Cụ thể, từ năm 2017 đến nay, Trường Cao đẳng Nguyễn Du đào tạo được khoảng 2.000 sinh viên, học sinh gồm cả hệ cao đẳng và trung cấp ở các ngành: quản trị khách sạn, hướng dẫn viên du lịch, kỹ thuật chế biến món ăn; Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh mỗi năm có khoảng 100 - 200 sinh viên tốt nghiệp ngành học chế biến món ăn...
Mỗi năm, Trường Cao đẳng Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh) thường có từ 400 - 500 sinh viên được đào tạo các ngành, nghề về du lịch.
Là đầu bếp nổi tiếng, đồng thời là giáo viên Trường Cao đẳng Nguyễn Du, anh Trần Văn Hoàng cho biết: “Nhiều năm nay, tôi tham gia đào tạo hàng trăm sinh viên ngành chế biến món ăn. Trong đó, nhiều em tốt nghiệp có tay nghề khá được các khách sạn, nhà hàng trong tỉnh nhận vào làm việc nhưng chỉ được một thời gian lại xin nghỉ, đi tìm việc làm ở các tỉnh, thành khác. Một số em chọn hướng xuất khẩu lao động sang các nước như: Singapore hay Đức...
Theo tôi, nguyên nhân chính là do tiền lương và chế độ thù lao mà các doanh nghiệp du lịch Hà Tĩnh trả cho lao động được đào tạo vẫn thấp hơn những nơi khác. Đơn cử như một đầu bếp tay nghề khá chỉ được trả 6-8 triệu/tháng, trong khi ở các tỉnh có du lịch phát triển, vị trí này có thu nhập cao hơn gấp 2 đến 3 lần”.
Anh Trần Văn Hoàng (thứ 3 từ trái sang) hướng dẫn sinh viên thực hành tại lớp kỹ thuật chế biến món ăn.
Ngoài chế độ đãi ngộ thấp, một thực tế gây ảnh hưởng lớn nữa chính là tính thời vụ của du lịch Hà Tĩnh. Những tháng mùa đông vắng khách, nhiều người phải nghỉ làm, trong khi đó, rất ít doanh nghiệp có chế độ đãi ngộ tương xứng để giữ chân lao động.
Anh Phạm Văn Hoàng (27 tuổi, ở Lộc Hà) hiện đang làm hướng dẫn viên du lịch ở TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, công ty đóng cửa hoàn toàn trong gần 2 năm trời, song, những nhân viên nòng cốt như tôi vẫn được trả mức lương cơ bản để duy trì cuộc sống. Đó cũng là lý do sau dịch, tôi và các đồng nghiệp không ai rời khỏi công ty”.
Theo Tiến sỹ Đặng Thị Thúy Hằng - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Nguyễn Du, ngoài các cơ chế, chính sách của Nhà nước, vấn đề quyết định nằm ở các doanh nghiệp du lịch. Việc cơ cấu và giữ chân người lao động phải có chiến lược cụ thể và nhất là có chế độ đãi ngộ tương xứng. Trong đó, các doanh nghiệp cần có cơ chế mở để thời điểm ít việc, người lao động có thể tạm thời làm việc khác nhưng vẫn được hưởng chế độ lương từ đơn vị quản lý. Thứ nữa là các doanh nghiệp cùng ngành du lịch Hà Tĩnh cần xây dựng nhiều sản phẩm hấp dẫn, xóa bỏ du lịch mang tính mùa vụ. Đó là những điều kiện cần có để thu hút và giữ chân người lao động có tay nghề gắn bó với quê hương.
Tiến sỹ Đặng Thị Thúy Hằng - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Nguyễn Du.
Để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực có tay nghề trong ngành du lịch, ngoài việc kêu gọi các doanh nghiệp thu hút lao động bằng những cơ chế riêng, chúng tôi cũng đang xây dựng chính sách về hỗ trợ các đơn vị trong liên kết với các cơ sở đào tạo nâng cao tay nghề tại chỗ cho người lao động. Dự kiến văn bản sẽ sớm hoàn thành và trình lên UBND tỉnh, HĐND tỉnh trong thời gian tới.