Nỗ lực từ các doanh nghiệp ở khu kinh tế...
Cán bộ CDC Hà Tĩnh lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2 cho cán bộ, nhân viên Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh
Là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất cả nước, những năm qua, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) đã đi vào sản xuất ổn định và có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam nói chung, Hà Tĩnh nói riêng.
Nhờ đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh nên hoạt động sản xuất, kinh doanh tại FHS vẫn diễn ra ổn định.
Trước đại dịch Covid-19, với hơn 7.000 lao động hằng ngày đi về ở nhiều địa phương và hàng trăm đối tác khách hàng, nhà thầu trong và ngoài nước đến làm việc, FHS xác định công tác phòng chống dịch bệnh là yếu tố sống còn của doanh nghiệp.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, FHS đã thành lập Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch và xây dựng phương án phòng chống dịch theo 5 cấp độ. Tất cả những người ra vào công ty đều được đo thân nhiệt, sát khuẩn, khai báo y tế điện tử và thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.
6 tháng đầu năm, Formosa Hà Tĩnh sản xuất hơn 2,7 triệu tấn thép các loại (tăng 35,84% so với cùng kỳ)
Nhờ đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh nên hoạt động sản xuất, kinh doanh tại FHS vẫn diễn ra bình thường. 6 tháng đầu năm, Formosa Hà Tĩnh sản xuất hơn 2,7 triệu tấn thép các loại (tăng 35,84% so với cùng kỳ), đạt doanh thu trên 2 tỷ USD, đóng nộp ngân sách hơn 360 tỷ đồng. Đặc biệt, hơn 7.000 lao động của FHS chưa phải nghỉ việc ngày nào, mức thu nhập vẫn đảm bảo ổn định.
Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 – đơn vị có vị trí trọng yếu trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia nên công tác phòng chống dịch bệnh và đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục là nhiệm vụ song hành.
Gần 800 cán bộ, công nhân viên của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 và các đối tác, nhà thầu phụ được đo thân nhiệt ngày 2 lần, thực hiện thông điệp 5K.
Ông Ngô Văn Chiến – Giám đốc Công ty Điện lực dầu khí Hà Tĩnh cho biết, khi xẩy ra dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là đợt bùng phát thứ 4 này, đơn vị đã triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh quyết liệt theo hướng dẫn của Bộ Y tế cũng như chính quyền địa phương.
Gần 800 cán bộ, công nhân viên của nhà máy và các đối tác, nhà thầu phụ đang thực hiện công việc tại nhà máy được đo thân nhiệt ngày 2 lần, thực hiện 5K. Nhà máy cũng đã thành lập 7 tổ thực hiện kiểm tra, giám sát 24/24h.
Cán bộ, công nhân viên trước khi vào Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 được kiểm tra thân nhiệt chặt chẽ.
“Mục tiêu tối thượng của nhà máy là đảm bảo duy trì ổn định phát điện lên lưới, không bị đứt gãy do dịch bệnh; sản xuất đạt 7,062 tỷ kWh điện, đạt doanh thu 10.681 tỷ đồng, đóng nộp ngân sách Nhà nước 304,112 tỷ đồng trong năm 2021. Cùng với đó là đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động” - ông Ngô Văn Chiến cho hay.
Để hoàn thành kế hoạch đề ra từ đầu năm, toàn thể cán bộ, nhân viên Công ty Trồng rừng và Sản xuất nguyên liệu giấy Hanviha phải nỗ lực gấp 2, gấp 3 lần.
Năm 2021, Công ty Trồng rừng và Sản xuất nguyên liệu giấy Hanviha (TX Kỳ Anh) đặt mục tiêu xuất khẩu 100.000 tấn dăm gỗ, doanh thu đạt 12,2 triệu USD. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động nhập nguyên liệu thô cũng như xuất sản phẩm sơ chế đi thị trường nước ngoài gặp nhiều khó khăn.
Năm 2021, Công ty Trồng rừng và Sản xuất nguyên liệu giấy Hanviha (TX Kỳ Anh) đặt mục tiêu xuất khẩu 100.000 tấn dăm gỗ, doanh thu đạt 12,2 triệu USD.
Chủ tịch Công đoàn Công ty Trồng rừng và Sản xuất nguyên liệu giấy Hanviha Nguyễn Thị Thanh Tĩnh cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, để thực hiện hoàn thành mục tiêu sản lượng, doanh thu đề ra từ đầu năm, toàn thể cán bộ, nhân viên công ty phải nỗ lực gấp 2, gấp 3 lần.
Song song với tuyên truyền, kiểm tra, giám sát cán bộ, công nhân viên, người lao động tuân thủ nghiêm khuyến cáo 5K về phòng chống dịch bệnh, công đoàn công ty cũng đã, đang tổ chức các đợt thi đua theo từng quý với khối lượng, nhiệm vụ công việc cụ thể. Nhờ đó, hơn 80 lao động của công ty đang đảm bảo việc làm, thu nhập bình quân 7-8 triệu đồng/người/tháng.
... đến các doanh nghiệp tại cụm công nghiệp
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, hơn 1.200 lao động tại Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh vẫn đảm bảo việc làm, thu nhập
Cùng với các doanh nghiệp đầu tàu trên lĩnh vực công nghiệp nặng tại KKT Vũng Áng, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực dệt may, sản xuất bia, gỗ ván ép… tại các cụm công nghiệp cũng đã và đang nỗ lực hết mình quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”.
Đây cũng là những doanh nghiệp có số lượng lao động khá lớn, phân tán ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh.
Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh thực hiện phun sát khuẩn tất cả phương tiện ra vào nhà máy.
Ông Lưu Toàn Thắng – Giám đốc dự án Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh (TX Hồng Lĩnh) cho biết, sau khi thị trường Mỹ và châu Âu đi vào ổn định, đơn vị đã kí kết được hợp đồng đơn hàng đủ sản xuất đến hết năm 2021. Để đáp ứng tiến độ giao hàng, điều quan trọng nhất là phải duy trì được số lao động làm việc 2 ca với hơn 1.200 người.
Vì vậy, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh đã tuân thủ nghiêm ngặt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, thực hiện phun sát khuẩn tất cả phương tiện ra vào nhà máy. Tại bếp ăn, công ty bố trí công nhân ngồi ăn giãn cách về thời gian và không gian.
Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh kiểm tra sản phẩm găng tay thể thao xuất khẩu
Đối với doanh nghiệp có hơn 1.200 lao động như Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh, việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh không chỉ được thực hiện nghiêm ngặt tại nhà máy mà còn phải được người lao động thực hiện nghiệm khi về với gia đình, cộng đồng.
“Chúng tôi rất vui vì trong bối cảnh khó khăn như vừa qua nhưng công nhân công ty vẫn có việc làm đều đặn, thu nhập ổn định. Vì vậy, hơn ai hết, chúng tôi ý thức được nghĩa vụ, quyền lợi sát sườn của mình, từ đó thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn về phòng chống dịch bệnh” - chị Võ Thị Nhân, công nhân Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh chia sẻ.
Người lao động tại Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh ý thức được nghĩa vụ, quyền lợi, từ đó thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh.
Cuối năm 2019, Nhà máy sản xuất gỗ MDF, HDF (thuộc Công ty TNHH Thanh Thành Đạt) tại Cụm công nghiệp Vũ Quang, huyện Vũ Quang chính thức đi vào hoạt động sản xuất. Đây cũng là lúc thị trường đối tác là Trung Quốc bùng phát dịch bệnh Covid-19. Và hơn 1 năm qua, dịch bệnh trong nước cũng như trên thế giới bùng phát đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, xuất nhập hàng hóa của nhà máy.
Nhà máy sản xuất gỗ MDF, HDF tại Cụm công nghiệp Vũ Quang có công suất 159.000 m3 sản phẩm/năm
Khó khăn nối tiếp khi ngày 14/6/2021, nhà máy bị phong tỏa tạm thời do có 3 trường hợp F1 là công nhân có tiếp xúc gần với trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 tại xã Sơn Trường (Hương Sơn). Tuy nhiên, ngay sau khi 3 trường hợp F1 và 170 trường hợp F2 của nhà máy có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2, doanh nghiệp được gỡ bỏ phong tỏa.
Nhà máy sản xuất gỗ MDF, HDF đã “kích hoạt” các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cảnh báo cao nhất và tuân thủ khuyến cáo 5K.
Ông Nguyễn Thế Bảy - Phó Giám đốc sản xuất Nhà máy sản xuất gỗ MDF, HDF cho biết, để duy trì hoạt động sản xuất của các dây chuyền, phân xưởng, Nhà máy đã “kích hoạt” các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cảnh báo cao nhất và tuân thủ khuyến cáo 5K. Song song với phòng chống dịch, nhà máy tiếp tục bố trí gần 200 lao động làm việc để đảm bảo đơn hàng đã ký kết đối tác.
Công ty CP Dược Hà Tĩnh (HADIPHAR) đang siết chặt an toàn tại 2 nhà máy nhằm đảm bảo cung ứng kịp thời, đầy đủ nguồn thuốc và các sản phẩm phục vụ chống dịch ra thị trường.
Những nỗ lực của doanh nghiệp Hà Tĩnh trong công tác phòng chống dịch bệnh, ổn định sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Hà Tĩnh đã đóng góp quan trọng cho kết quả tăng trưởng chung của tỉnh trong 6 tháng đầu năm với mức tăng trưởng 6,38%.
Đây cũng là mức tăng trưởng khá trong khu vực Bắc miền Trung trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19.
Công ty CP Bao bì Sông La Xanh (CCN Đức Thọ) tuân thủ nghiêm ngặt công tác phòng chống dịch bệnh, đồng thời duy trì sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 362 lao động,
Ông Lê Đức Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh cho biết, với những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, cộng đồng doanh nghiệp Hà Tĩnh luôn xác định việc ngăn chặn, kiểm soát tốt dịch Covid-19 sẽ là yếu tố quan trọng, có vai trò quyết định tới hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đây cũng là “mục tiêu kép” mà cộng đồng doanh nghiệp Hà Tĩnh quyết tâm hoàn thành trong những tháng cuối năm.