Lễ hội Tết Lấp lỗ của đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre (xã Hương Liên, Hương Khê, Hà Tĩnh) được tổ chức vào ngày 7/7 âm lịch hằng năm. Khi đã hoàn thành việc gieo trỉa hạt trên nương rẫy, người Chứt tổ chức tết để ăn mừng, làm lễ cảm tạ trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình mạnh khỏe, no đủ và phát triển.
Lễ hội Tết Lấp lỗ năm 2023 diễn ra trong bầu khí hết sức sôi động, hứng khởi với sự tham gia đông đủ của bà con dân bản; sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện. Trong ảnh: Tiết mục văn nghệ khai mạc lễ hội.
Lễ hội cũng có sự tham gia của đại biểu các xã giáp ranh thuộc huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.
“Vậy là việc gieo trỉa đã xong, trên rẫy dưới đồng hạt giống đã được lấp kín chờ ngày lên mầm đâm chồi nẩy lộc. Làng ta lại tề tựu về đây mừng cái Tết Lấp lỗ để cảm tạ trời đất và báo cáo với các vị thần linh, với con ma rừng và những người đã khuất. Kính mời các ngài cùng về đây, cùng ăn, cùng uống, cùng hát hò nhảy múa vui với bản làng chúng ta. Xin các vị thần linh, con ma rừng và những người đã khuất ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cho làng ta bạo khỏe, no đủ”, bà Hồ Thị Kiên - Trưởng bản Rào Tre khai hội.
Tại lễ hội, người Chứt dựng cột lễ và 4 cây nêu là biểu tượng cho 4 phương Đông - Tây - Nam - Bắc. Cây nêu, cột lễ là biểu tượng tâm linh của bản làng, là nơi để thần linh trú ngụ và hưởng dùng các lễ vật hiến tế. Cây nêu, cột lễ còn được xem là cây thông thiên, là cột báo hiệu điểm đến để gửi tin báo mời thần linh đến dự lễ hội.
...
Trong lễ hội, các lễ vật dâng cúng sẽ được cung nghinh trang trọng về cột lễ để mời thần sông, thần núi, con ma rừng và linh hồn những người đã khuất về dự lễ, hưởng dùng lễ vật dâng cúng.
Tại lễ cúng, Già làng sẽ lấy quẻ là 2 mảnh tre (nứa) đặt trên chiếc rựa khấn nguyện thần linh giúp dân bản tránh cái xui và đưa đến cho làng cái may, cái phúc. Sau khi gieo quẻ, bà con sẽ nhảy múa xung quanh cột lễ.
...
Sau nghi thức cúng lễ, bà con dân bản tổ chức các trò chơi dân gian của đồng bào như: kéo co, đẩy gậy, bịt mắt bắt vịt…
Lễ hội Tết Lấp lỗ của bà con dân tộc Chứt kết thúc thành công tốt đẹp trong bầu không khí linh thiêng, sôi nổi và đầy hứng khởi. Đây là niềm vui, một điềm báo tốt lành cho mùa màng tươi tốt…
Video: Bà con dân tộc Chứt đón Tết Lấp lỗ như thế nào?
Người Chứt là một nhóm nhỏ của dân tộc Mã Liềng, trước đây họ sống du canh, du cư bằng cách săn bắt, hái lượm, sống trong các hang động hoặc các lều tạm bợ bằng lá cây rừng. Trải qua các giai đoạn khác nhau, đến nay, đồng bào dân tộc Chứt đã sống định cư ổn định trên vùng đất Ka Đay - xã Hương Liên và được đặt tên là bản Rào Tre. Hiện, bản có 46 hộ, 156 nhân khẩu sinh sống. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cấp, ngành từ tỉnh đến huyện, đặc biệt là sự phối hợp của cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xã Hương Liên, Đồn Biên phòng Bản Giàng, Tổ công tác bản Rào Tre luôn quan tâm, chăm lo đời sống đồng bào dân tộc Chứt; đã có nhiều chủ trương, chính sách đến với dân bản nơi đây; điều này đã giúp đỡ bà con dân tộc có một bước phát triển mới. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên; các em trong độ tuổi được đến trường đầy đủ và theo từng cấp học. Công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh biên giới được đảm bảo. Các lễ hội truyền thống của dân tộc Chứt ở Hương Khê luôn được duy trì và phát huy các giá trị như: Lễ hội Tết Lấp lỗ (7/7 âm lịch), Tết Chăm cha bới (ăn cơm mới) vào 12/11 âm lịch; Tết Cha leng của bà con dân tộc Chứt, Bàn Giàng 2 và Tết Nguyên đán... |