Đội bắn súng Hà Tĩnh được thành lập năm 2015 với 6 thành viên, đến nay đã tăng lên 10 thành viên, gồm 7 VĐV nam, 3 VĐV nữ, trong đó có 5 VĐV cấp độ trẻ. Dù không phải là bộ môn thành tích cao của thể thao Hà Tĩnh nhưng những năm qua, bắn súng vẫn mang về nhiều huy chương, góp phần làm dày bảng thành tích thể thao tỉnh nhà.
Một số thành tích của bắn súng Hà Tĩnh có thể kể đến như: 2 HCB, 5 HCĐ tại Giải Bắn súng Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ IX, năm 2022; 1 HCB, 1 HCĐ tại Giải Vô địch bắn súng toàn quốc năm 2023; 2 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ tại Giải Vô địch bắn súng các đội mạnh quốc gia năm 2024… Bên cạnh những thành tích kể trên, Hà Tĩnh còn có VĐV Nguyễn Văn Toàn (SN 2003, ở Lộc Hà) góp mặt vào đội tuyển bắn súng quốc gia.
Cũng giống như nhiều bộ môn thể thao khác, các xạ thủ đã phải đối mặt với không ít khó khăn, thiếu thốn. Hà Tĩnh không có cơ sở vật chất, dụng cụ tập luyện, không có huấn luyện viên chuyên môn bắn súng nên ngay từ ngày thành lập, toàn đội đã được gửi vào Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng. Tại đây, các VĐV được tập trong trường bắn và có sự hỗ trợ của các HLV bắn súng tuyển quốc gia.
Bên cạnh đó, đội bắn súng Hà Tĩnh còn phải đối mặt với tình trạng thiếu súng, thiếu đạn suốt nhiều năm qua. Những ngày đầu, các VĐV phải mượn súng của Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng hoặc tập… “chay”.
Các VĐV làm súng mô hình bằng gỗ, mỗi buổi tập lần lượt thay nhau sử dụng. Mỗi lần đi thi đấu, đội phải mượn súng của đội tuyển quốc gia hoặc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội. Mãi đến năm 2022, đội bắn súng Hà Tĩnh mới được trang bị một khẩu súng duy nhất.
Không chỉ thiếu súng, đạn tập cũng phải dè sẻn, VĐV chỉ được dùng trước khi bước vào các giải đấu. Nguồn đạn vay cũng chủ yếu dành cho các VĐV tham dự đội tuyển quốc gia, những người đã dày dạn kinh nghiệm, có khả năng “tranh chấp” huy chương.
Bà Phan Thị Thu Hường - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh cho biết: “Thiếu súng, thiếu đạn, điều kiện ăn ở, tập luyện hạn chế là thực tế diễn ra đã lâu tại bộ môn bắn súng. Cũng chính vì những khó khăn này nên những năm gần đây, đội không tham dự nhiều giải trẻ mà ưu tiên cho các nội dung có thể giành huy chương. Những khó khăn kể trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tập luyện, chất lượng các VĐV tuyến trẻ. Việc tập “chay” quá nhiều khiến các em thiếu kỹ năng thi đấu”.
Từ hoàn cảnh ấy, câu chuyện nỗ lực vượt khó, “liệu cơm gắp mắm” dần hình thành trong suy nghĩ của mỗi xạ thủ. Càng khó khăn, vất vả, đội bắn súng Hà Tĩnh lại thêm quyết tâm, cố gắng vươn lên. Dưới sự hướng dẫn của các HLV tuyển quốc gia, sự chỉ bảo của hai “cánh chim đầu đàn” Nguyễn Văn Toàn và Trần Thị Thiên Hương (SN 2003, trú huyện Lộc Hà), môn bắn súng Hà Tĩnh ngày càng trưởng thành.
VĐV Nguyễn Văn Toàn chia sẻ: “Mặc dù phải tập luyện trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn nhưng những năm qua, toàn đội đã luôn động viên nhau cố gắng tập luyện, cống hiến hết mình cho thể thao Hà Tĩnh.
Dù quanh năm xa nhà lại phải tập luyện, thi đấu trong điều kiện giật gấu, vá vai, nhưng chúng tôi vẫn luôn nỗ lực, liên tục giành được thành tích cao tại các giải đấu. Chưa dám nghĩ tới một sân tập chuyên nghiệp, ước mong của chúng tôi hiện nay là đội được trang bị thêm súng và đạn phục vụ tập luyện, thi đấu”.
Nỗ lực vượt khó của các VĐV bắn súng Hà Tĩnh là điều rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, nhiều người cũng lo ngại, tình trạng này nếu không được cải thiện thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần cũng như chất lượng chuyên môn của các thế hệ VĐV kế cận.
“Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Tĩnh rất mong nhận được sự quan tâm, đồng hành của tỉnh cũng như các nhà tài trợ để đội bắn súng vượt qua những khó khăn, thiếu thốn, yên tâm tập luyện, tiếp tục cống hiến cho thể thao tỉnh nhà” - bà Phan Thị Thu Hường bày tỏ.